Ồn ào hoa hậu
Mấy hôm nay báo chí và mạng xã hội liên tục đưa tin và... cãi nhau về cái sự “vạ miệng” của một tân Hoa hậu.
Tôi hiểu cả cháu và bố mẹ cháu đã chịu áp lực đến như thế nào trước những ồn ào ấy.
Và tôi nghĩ tới... người lớn.
Đành rằng Hoa hậu đã là người trưởng thành, đã đủ trí khôn, sự thông minh để đi thi Hoa hậu thì phải chịu trách nhiệm trước các hành vi của mình.
Các cầu thủ bóng đá nữ của chúng ta đấy, đi đá bóng từ khi còn rất nhỏ, trường học chính là sân bóng, nhưng trước ống kính truyền hình trực tiếp, trước khán giả, các cháu cũng chững chạc nói đâu ra đấy.
Nếu phải nói về thành công, thành tích của mình, bao giờ cũng nhắc tới “bác” Chung, tới đồng đội, chưa thấy cầu thủ nào nhận mình là độc tôn dù rất được khán giả khâm phục...
Nhưng với các Hoa hậu, tôi nghĩ, cũng cần có con mắt bao dung, cái nhìn thể tất, nên bèn nhìn về phía... người lớn.
Thứ nhất là hiện nay nước ta tổ chức nhiều các cuộc thi mang danh người đẹp với lại hoa khôi, người đẹp quá. Có người còn nói vống lên là mỗi đêm ngủ dậy lại xuất hiện một Hoa hậu.
Tôi vẫn nghĩ Hoa hậu là cái gì đấy quý hiếm xa vời hoàn hảo... chứ ở đâu ra mà chỗ nào lúc nào cũng có thể tìm ra Hoa hậu với Hoa khôi. Vài người quen của tôi có liên quan hoặc hiểu biết về Hoa hậu thì “khai phóng” cho tôi rằng, Hoa hậu giờ là cuộc... kinh doanh.
Mà đã kinh doanh thì... tiền phải là trên hết. Và các cuộc thi Hoa hậu thường để lại điều tiếng, sau, thậm chí là ngay khi cuộc thi đang diễn ra. Có những cuộc tố cáo lẫn nhau, tố cáo ban tổ chức hoặc ban tổ chức tố thí sinh rất buồn cười.
Thứ hai, Hoa hậu được đánh giá như một giá trị, là giá trị chung, mọi mặt. Nhưng giờ nhiều người coi cái danh ấy như một cách... kiếm tiền. Coi Hoa hậu, hoặc Hoa hậu coi mình, như một đỉnh cao mọi mặt.
Thứ ba, vì nhiều cuộc thi quá nên cái sự... loạn Hoa hậu là có thật. Trình độ không đồng đều, được cái này thì mất cái kia, chuẩn chung của thí sinh bị hạ thấp, nên có những ngây ngô những khiếm khuyết những gây cười đã xảy ra.
Và bốn, ban tổ chức vô tình đẩy thí sinh của mình vào những cái thế khó xử. Như đưa đi trả lời phỏng vấn, đưa đi làm từ thiện, thăm thú chỗ này chỗ kia, nhưng vì nhiều áp lực nên bản thân các người đẹp cứ phải cứng đơ ra, không được thật là mình.
Ít ai có được phong thái tự nhiên như H’hen Nie, thoát ra khỏi sự khuôn phép để sống thật là mình khi “xuống” cơ sở. Cứ nhìn ảnh 3 cô gái đẹp nhất của cuộc thi vừa rồi vào bệnh viện thăm và tặng quà bệnh nhân thì thấy cái sự sắp đặt, sự “đạo diễn” nó gượng gạo tới như thế nào?
Mà cả cái câu trả lời của cô tân Hoa hậu về việc kể tên ba người nổi tiếng ở Bình Định ấy, chắc gì người hỏi đã trả lời đúng, chắc gì đã có đáp án, bởi tôi tin, nếu có đáp án là sẽ... cãi nhau ngay?
Tất nhiên tôi vẫn nghĩ, nếu được trang bị một cái phông nền văn hóa thật tốt, tích lũy từ nhỏ, được thả đúng môi trường của mình, không buộc phải diễn quá, thì cô tân hoa hậu không có những câu trả lời khiến dư luận xôn xao như thế?
Riêng tôi, nói thật, nếu có con gái đủ tiêu chuẩn đi thi hoa hậu, tôi sẽ khuyên cháu là... không đi thi. Nước ta nhiều hoa hậu lắm rồi, góp thêm một cũng chả để làm gì? Ngó chồng báo trước mặt, thấy có tờ vừa đưa tin này:“Nhiều thí sinh rút khỏi chung kết Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023”.
Ngày xưa, hoa hậu hiếm và lộng lẫy lắm. Giờ hoa hậu, hết cuộc thi là người ta quên ngay chả biết ai ra ai. Bây giờ có vẻ như người ta tổ chức các cuộc thi người đẹp như tổ chức... chợ phiên, người người tổ chức nhà nhà tổ chức, và như thế thì hoa hậu mới chưa tròn hoa hậu.
Và, viết đến đây tôi lại gặp ý kiến nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch hội Nhà Văn Việt Nam trên Facebook của ông, thấy trùng ý mình, bèn cop về đây để... kết bài: “Hoa hậu Ý Nhi không có ý ngạo mạn gì trong câu trả lời đó. Cô chỉ là người chưa được dạy dỗ kỹ lưỡng mà thôi. Rất nhiều người ở tuổi cô đã có những ứng xử rất văn hoá và hiểu biết. Sự thiếu hụt văn hoá làm cô trở nên kệch cỡm trước xã hội và vô lễ với tiền nhân.
Ngày nay, hầu hết những đứa trẻ 4 tuổi cũng đã biết phải chào ai trước khi đi nhà trẻ về.
Có ý kiến đề nghị tước danh hiệu Hoa hậu của cô. Cá nhân tôi thấy không cần thiết trong trường hợp cụ thể này. Vì cô đã nhận ra lỗi của mình và xin lỗi cộng đồng. Hãy để cô sửa chữa lỗi bằng các hoạt động của cô sau này đối với cộng đồng.
Điều mà tôi muốn đề nghị là giảm bớt các cuộc thi Hoa hậu đi vì chắc chắn đây không phải là yếu tố kích cầu cho sự phát triển xã hội ở mọi nghĩa. Ngược lại, Việt Nam đang lạm phát các cuộc thi Hoa hậu cũng như nhiều loại danh hiệu. Kèm theo đó là sự lạm phát các hành vi kém văn hoá trong mọi lĩnh vực của đất nước”.
À tôi cũng thấy có ý kiến này nữa cũng hay: Một cô tân Hoa hậu mà liên tiếp “lỡ lời” thì ban giám khảo cũng phải xem lại mình? Nhưng rồi lại nghĩ, ban tổ chức nào thì ban giám khảo nấy.
Thì đành.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.