Ốc nguội Hà Nội, cơm tấm Sài Gòn, cốm dẹp Sóc Trăng trong hành trình tìm 100 món ẩm thực Việt Nam
Tối 25-3, Hành trình khảo sát xây dựng di sản ẩm thực Việt Nam chính thức được khởi động tại thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) với sự góp mặt của gần 50 chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực trên khắp cả nước.
Phát biểu tại chương trình, ông Lã Quốc Khánh - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, trưởng ban tổ chức - cho biết chương trình phục vụ thực hiện dự án 100 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam (giai đoạn 2022 - 2024).
Chương trình thực hiện với mục đích giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc về văn hóa, lịch sử của Việt Nam đến bạn bè thế giới, trong đó có nguồn tài nguyên di sản ẩm thực phong phú, đặc sắc, giàu tinh hoa dân tộc.
Hành trình khảo sát xây dựng di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu bắt đầu từ 5 tỉnh thành Nam Định, Hà Nam, Thái Nguyên, Phú Thọ và Thủ đô Hà Nội từ ngày 25 đến 31-3.
Chương trình với sự tham gia của gần 50 chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực trên khắp cả nước. Những gian hàng ẩm thực của dân tộc Tày - Thái Nguyên, ẩm thực miền Bắc, ẩm thực miền Nam, ẩm thực miền Trung. Tất cả các nghệ nhân đã mang những món ăn dân gian đặc trưng của vùng miền đến chương trình.
Anh Nguyễn Văn Bền - nghệ nhân ẩm thực tỉnh Sóc Trăng - nắm gọn cốm dẹp mời khách tham quan thưởng thức. Anh Bền giới thiệu: "Cốm dẹp là món ăn đặc trưng của người dân tộc Khmer.
Vào những dịp lễ lớn của dân tộc Khmer, những người trong bản làng sẽ cùng nhau giã gạo nếp, rồi trộn với cốt dừa và dừa nạo thành sợi. Sau đó nắm gọn thành từng nắm chia cho con cháu trong gia đình. Đây là món ăn dân dã và được gìn giữ của người dân tộc Khmer".
Còn nghệ nhân ẩm thực ở TP.HCM mang đến món cơm tấm sườn bì chả. Nghệ nhân này cho biết nếu nhắc đến TP.HCM mà không nhắc đến cơm tấm Sài Gòn thì là một thiếu sót lớn.
"Chúng tôi hy vọng chương trình sẽ tìm kiếm những món ăn đặc sắc của cả nước để cùng nhau gây dựng nền ẩm thực nước nhà, quảng bá đến du khách quốc tế. Đặc biệt trong bối cảnh mở cửa lại du lịch như hiện nay", nghệ nhân chia sẻ.
Chia sẻ thêm, ông Khánh nhấn mạnh: "Dự án được kỳ vọng sẽ khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa ẩm thực Việt Nam, cung cấp nền tảng thông tin thực tế về những món ăn đặc sắc thuần Việt của các vùng miền, trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống.
Bên cạnh đó, thúc đẩy tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các món ăn đặc sắc thuần Việt đến người dân và cộng đồng quốc tế, đáp ứng nhu cầu thị trường và định hướng phát triển văn hóa ẩm thực đến với du khách trong và ngoài nước".
Trong hành trình, các chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực đến từ nhiều vùng miền tìm kiếm, lập danh sách đề cử các món ăn, đồ uống Việt Nam theo khu vực ba miền Bắc, Trung và Nam. Sau khi có đề cử của các nghệ nhân, sự bình chọn của công chúng từ nhiều kênh khác nhau, hội đồng tuyển chọn sẽ chọn ra 100 món ăn, đồ uống đặc sắc của Việt Nam.
Dự án chuẩn bị cho hoạt động tôn vinh, quảng bá di sản văn hóa ẩm thực đất nước sẽ là Festival ẩm thực 100 món ăn, đồ uống Việt Nam tiêu biểu, dự kiến diễn ra cuối năm 2022.
Trong chương trình, Trung tâm kỷ lục Việt Nam thực hiện việc trao bằng xác lập: Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2020 - 2021) với hai món: bún đũa và phở bò Nam Định; Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (2020 - 2021) với sản phẩm kẹo Sìu Châu của tỉnh Nam Định.
Tô mắm kho được đem ra trông bắt mắt và bay mùi thơm khắp gian bếp. Mắm chưng được múc ra dĩa, cho thêm một ít nước chanh và ăn kèm với những trái chuối xiêm còn xanh. Món ăn hết sảy của ngày Tết.