Ở thành phố lên đồ như người nổi tiếng, về quê lại giả nghèo khổ
Nhiều người cứ về quê là lại chọn mấy bộ trang phục giản dị nhất có thể, khác hẳn với 'giao diện' sang chảnh khi sống ở thành phố. Thậm chí, họ còn cố tình giả nghèo giả khổ trước mặt người quen.
Trên YAN từng có một chủ đề gây bàn tán sôi nổi, đó là về việc "con gái khi ở nhà và khi đi chơi khác nhau một trời một vực". Nhưng thực tế, đây không phải là màn biến hình gây bất ngờ nhất. Nhiều người lúc về quê và khi ở thành phố cũng có giao diện hoàn toàn đối nghịch nhau. Thậm chí, không chỉ trang phục, một số người còn đổi luôn cả hành động của bản thân, cố tình để bạn bè, người quen xung quanh thấy mình khổ ra sao khi đi học, đi làm xa.
Ở thành phố lên đồ lồng lộn, về quê lại giả nghèo giả khổ
Có nhiều người lạ lắm, lúc ở thành phố thì ăn mặc đủ kiểu, chẳng tiếc tiền dùng túi hiệu, giày dép đắt tiền. Đến khi về quê lại biến hình hoàn toàn, suốt ngày đi dép lê, mặc đồ bộ, có khi còn mượn cả quần áo bố mẹ. Nhưng không phải ai cũng cảm thấy thoải mái với điều đó, một số người cố tình thay đổi như thế là để không bị những người xung quanh bàn tán ra vào. Họ còn sẵn sàng giả nghèo giả khổ chỉ để tránh cái mác "người có tiền". Đi đâu, làm gì cũng diễn như thể bản thân ở thành phố sống chật vật lắm.
Kể câu chuyện của mình, cô bạn L.M.P (25 tuổi) bày tỏ: " Nhiều lúc về quê, bạn bè cũ rủ đi họp lớp, mình cũng không dám mặc váy hay diện áo hai dây luôn ấy. Chỉ sợ ra ngoài đường, gặp người quen lại bị nói này nói nọ. Đến cả đợt Tết về nhà mình còn chẳng dám diện quần đùi hay trang điểm, tại sợ cô dì chú bác hỏi sao mới lên Hà Nội lại ăn chơi thế. Nhưng nói thật, mấy cái kiểu này ai tuổi mình cũng mặc luôn, so với lúc đi cà phê với đám bạn đại học đã là gì."
Đồng cảnh ngộ, cô bạn Q.C (26 tuổi) cho biết: "Ở thành phố thích là sáng mặc váy, chiều diện croptop, về quê chỉ có đồ bộ của mẹ. Thậm chí ăn lẩu nướng trăm ngàn chẳng sao, về nhà giả vờ tiếc của khi ăn sáng. Không phải là mình thích vậy đâu, chẳng qua đôi khi phải giả nghèo giả khổ tí thì người ta mới không nói mình 'có tiền'. Chứ không lại suốt ngày bắt khao ăn rồi vay mượn mệt đầu lắm. Tiền kiếm được chỉ đủ mua vài chiếc váy chứ đâu có phải đại gia gì cho cam. Nên thôi, chấp nhận làm diễn viên vài buổi cũng được".
Sao phải giả vờ vì người khác?
Nói về vấn đề trên, một member của Cột sống Gen Z bày tỏ: " Mình không hiểu sao mọi người lại phải làm khó bản thân như vậy. Người ta nghĩ mình như nào đâu quan trọng. Ai mà chẳng muốn mặc quần áo đẹp mỗi ngày. Kể cả có bị nói là tiêu hoang thì mình cũng đâu có tiêu tiền của người ta.
Xung quanh mình cũng có rất nhiều bạn cứ mỗi lần về quê là phải ăn diện giản dị nhất có thể, nhưng không phải vì sợ lời đánh giá, bàn tán đâu, chẳng qua họ mặc vậy vì cảm thấy thoải mái khi vận động, làm vườn, đi chợ phụ giúp bố mẹ. Chứ lúc nào rủ đi chơi, dù là ở quê thì vẫn lên đồ chẳng kém ở thành phố ấy. Nói chung theo mình, mọi người cứ thoải mái ăn vận theo ý bản thân, đừng vì dăm ba lời dị nghị mà phải sống giả vờ, thế chỉ có mệt mình thôi."
Thực tế chẳng có quy định nào bắt buộc mọi người khi về quê không được ăn diện như lúc ở thành phố. Tất nhiên cũng chẳng gì sai khi bạn thích mặc những trang phục đơn giản mỗi khi về nhà. Nhưng điều này phải phụ thuộc vào cảm giác của bạn, không phải dựa trên suy nghĩ của những người xung quanh. Miễn sao bản thân bạn cảm thấy thoải mái, phù hợp là được, không việc gì phải thay đổi cách ăn mặc để chiều lòng ai.
Ăn mặc ra sao là quyền của mỗi người, chẳng ai có thể bắt ép người khác thay đổi theo ý kiến mình. Chuyện ăn mặc lúc ở quê và khi lên thành phố cũng đang được dân tình bàn tán sôi nổi. Nhất là trong Cột sống Gen Z , nhiều người còn coi đó như một câu chuyện thú vị mỗi khi về nhà với bố mẹ nữa đấy.
Thực tế có rất nhiều người trẻ thích mặc đồ của bố mẹ mỗi khi về quê. Thay vì lo sợ bị mọi người xung quanh đánh giá xấu, đẹp, họ chỉ quan tâm đến chuyện được về nhà nghỉ ngơi bên cạnh gia đình thân yêu. Đối với họ, trang phục không phải là điều quá quan trọng. Thay vào đó bản thân có làm được gì phụ bố mẹ không mới là chuyện đáng nghĩ đến. Vì vậy, cứ có dịp về thăm nhà, họ lại dành thời gian đi chợ cùng mẹ, làm vườn giúp bố. Chính điều đó đã giúp cho họ cảm thấy thoải mái, vui vẻ hơn.
Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY !