O Sen, Miêu Quý Tộc của Ca Sĩ Mặt Nạ bản Mỹ khác gì bản Việt Nam?
Ngoài O Sen, Miêu Quý Tộc, khán giả cũng phát hiện một phiên bản khác của Kỳ Đà Hoa, Tí Nâu, Báo Mắt Biếc, Kim Sa Ngư ở Ca Sĩ Mặt Nạ bản Mỹ.
Những năm qua, Ca Sĩ Mặt Nạ (The Masked Singer) là chương trình âm nhạc "gây bão" đối với khán giả truyền hình. Cũng chính vì sức hút của show gốc tại Hàn Quốc, chương trình được nhiều quốc gia trên thế giới mua bản quyền, trong đó có cả Việt Nam và Mỹ. Ngoài âm nhạc, một trong những điểm nhấn của Ca Sĩ Mặt Nạ chính là trang phục mascot giúp các nghệ sĩ ẩn mình. Xem Ca Sĩ Mặt Nạ bản Mỹ ở những mùa trước, khán giả Việt lại phát hiện nhiều phiên bản mascot "lạ mà quen".
Trong một mùa phát sóng, Tulip của chương trình bản Mỹ đã lộ diện là vũ công Mackenzie Ziegler. Nhìn qua mascot này, chắc hẳn nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến O Sen vì phần đầu mascot cũng có màu hồng tương tự. Nhưng trong khi trang phục của Tulip mang màu sắc chủ đạo xanh lá thì O Sen của Việt Nam lại có đến 2 màu là hồng đậm pha xanh dương đậm.
Ca Sĩ Mặt Nạ bản Mỹ và Việt Nam đều có nhân vật Kỳ Đà nhưng phong cách cả hai lại khác hẳn. Nếu ở bản Việt, Kỳ Đà Hoa là một mascot nữ - ca sĩ Thảo Trang thì ở bản quốc tế, nhân vật này lại là một mascot nam, lại theo hơi hướng disco. Sau khi cởi mặt nạ, khán giả hết sức bất ngờ khi biết đó là nam rapper Wiz Khalifa.
Miêu Quý Tộc ở Ca Sĩ Mặt Nạ bản Việt gây ấn tượng cho khán giả truyền hình bởi bộ lông trắng muốt, còn có hẳn vương miện để xứng với phong cách quý tộc. Ở chương trình bản Mỹ cũng có sự xuất hiện của một nhân vật mascot loài mèo mang tên Kitty. Tuy nhiên, mascot này lại không giống với hình ảnh nhân vật hoạt hình mà khán giả nhớ đến. Kitty của Ca Sĩ Mặt Nạ bản Mỹ trông sang trọng và quý phái chẳng thua kém gì Miêu Quý Tộc!
Nói đến những mascot động vật ở Ca Sĩ Mặt Nạ bản Mỹ tất nhiên cũng không thể thiếu loài Báo. Nếu như ở bản Việt, "Báo Mắt Biếc" của Uyên Linh có cả họa tiết lốm đốm, đeo cả dây vàng, đường nét thiết kế nhẹ nhàng thì "Panther" của nam ca sĩ Montell Jordan lại có áo choàng nam tính, trông chẳng khác gì một vị vua Báo quyền lực!
Ở bản Mỹ cũng từng xuất hiện phiên bản khác của Kim Sa Ngư là Pufferfish (cá nóc). Khác Kim Sa Ngư được đội vương miện, phần đầu của Pufferfish lại gai góc hơn hẳn nhưng thay vào đó được gắn những đốm bong bóng nước trên người để dễ nhận diện hơn sinh vật loài biển.
Loài chuột cũng từng xuất hiện ở Ca Sĩ Mặt Nạ bản Mỹ với tên gọi "Hamster". Giống như Tí Nâu, Hamster cũng có vẻ ngoài vô cùng đáng yêu. Điểm khác biệt giữa 2 mascot bản Việt và Mỹ chính là Hamster có hẳn bộ lông dày từ đầu đến chân còn trang phục của Tí Nâu chỉ đơn có phần lông ở miệng. "Cô Tí" của Ca Sĩ Mặt Nạ bản Việt còn được nhà thiết kế may đo hẳn một bộ đầm vàng.
Ảnh: Ca Sĩ Mặt Nạ