Ở phố kiếm 15 triệu/tháng nhưng bố mẹ ốm không có tiền trả viện phí
Nhiều người trẻ dù ở thành phố, thu nhập ổn định lên tới 15 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không tiết kiệm được. Đến khi bố mẹ ốm, nằm viện cần đến tiền cũng chỉ biết 'lực bất tòng tâm'.
Thành phố với nhiều người là nơi đem lại mức thu nhập ổn định, công việc đa dạng, dễ kiếm, dễ tìm. Thế nhưng, nhiều nhân sự trẻ dù tháng nào cũng nhận lương đầy đủ nhưng cứ cuối tháng lại rơi vào tình trạng rỗng túi, không có tiền gửi về biếu bố mẹ.
Kiếm bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu
Lương "3 cọc, 3 đồng" ở thành phố không thể tiết kiệm là điều dễ hiểu. Thế nhưng, có những người dù thu nhập lên tới 15 triệu đồng/tháng nhưng vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn đầu tháng tiêu rủng rỉnh, cuối tháng chắt bóp từng đồng. Cứ như vậy, dù mức thu nhập được đánh giá ổn so với mặt bằng chung nhưng nhiều người vẫn hết sạch tiền.
“Mọi người thấy lương hơn chục triệu là cao nhưng mình thấy nó chỉ vừa đủ sống, không thừa, không thiếu. Mỗi tháng mình chi trả tiền phòng khoảng 4 triệu đồng. Rồi còn tiền điện nước, dịch vụ, sinh hoạt, ăn uống hàng ngày. Chưa kể còn phải chi cho các mối quan hệ xã hội.
Mỗi tháng nhận lương chỉ dư lại hơn triệu tý. Lại góp vào đi du lịch. Thế là chẳng còn đồng nào dù bôn ba thành phố làm mấy năm” , đó là tâm sự của một nhân viên văn phòng ở Hà Nội chia sẻ trong “Cột sống” Gen Z .
Tình trạng của cô bạn trên không phải hiếm gặp. Rất nhiều bạn trẻ cũng đang rơi vào cảnh rỗng túi dù thu nhập được đánh giá nằm trong mức ổn.
Có lẽ bởi vì tuổi trẻ, còn đang bị hấp dẫn bởi nhiều thú vui ngoài xã hội, chưa lo lắng con cái, nhà cửa. Chính vì vậy, nhiều người không có xu hướng tiết kiệm mà sống theo kiểu kiếm bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu.
Hơn nữa, tâm lý hưởng thụ “tuổi trẻ có bao lâu mà hững hờ” nên việc tiết kiệm dường như trở nên bất khả thi. Họ giữ quan điểm rằng chưa cần tiết kiệm vội, khi nào có gia đình sẽ tính sau, giờ cứ ưu tiên cho bản thân trước. Vậy là kiếm được bao nhiêu cũng đều tiêu hết sạch.
Khi bố mẹ cần, con lại chẳng có đồng nào
Thế nhưng, cuộc đời vốn nhiều biến cố, chẳng ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Vậy nên dự phòng trước, chuẩn bị cho mình một ít tiền tiết kiệm sẽ không bao giờ thiệt thân. Hơn nữa, khi bố mẹ cần giúp, bản thân cũng sẵn sàng để lo cho gia đình.
“Thu nhập hơn chục triệu đồng mỗi tháng nhưng sau 5 năm làm việc, mình vẫn không tiết kiệm được đồng nào. Đến khi bố nhập viện, cần một số tiền lớn, bản thân lại chẳng thể lo nổi mình mới hối hận”. Đó là lời thú nhận cay đắng của một bạn trẻ đang bôn ba làm việc ở thành phố nhiều năm với YAN .
Cảm giác người nhà đang cần mình giúp đỡ nhưng bản thân lại lực bất tòng tâm là tâm trạng khó chịu nhất đối với người trẻ. Bố mẹ đã nuôi dưỡng, chăm sóc con cái cả cuộc đời nhưng khi họ cần, con lại không có đồng nào để lo liệu cho phụ huynh.
Có thể với nhiều người, việc tiết kiệm vài chục triệu đồng là điều rất dễ bởi mức thu nhập đã tăng lên đáng kể. Nếu chăm chỉ làm việc thì một tháng dư ra đôi ba triệu đồng là điều không khó. Thế nhưng, vì không có kế hoạch chi tiêu phù hợp cũng như chủ động tiết kiệm, nhiều bạn trẻ dù đi làm vài năm vẫn không dư ra được đồng nào.
Để tránh trường hợp khi bố mẹ cần đến, con lại không có đồng nào, người trẻ cần chủ động quản lý tài chính thông minh. Bạn có thể chia nhỏ từng mục chi tiêu, xem cái nào cần thiết, cái nào không cũng như đặt ra một khoản nhất định cho việc tiết kiệm. Điều này sẽ giúp bạn cân đối chi tiêu cho phù hợp.
Bên cạnh đó, bạn có thể gia tăng thu nhập của mình bằng cách đầu tư sinh lời, làm thêm việc hoặc lâu bền nhất chính là đầu tư nâng cao năng lực của bản thân. Khi bạn giỏi hơn, mức thu nhập cũng sẽ tự động tăng theo.
Nếu không biết chi tiêu phù hợp, tiền bao nhiêu cũng sẽ hết. Đừng để khi người nhà cần bản thân lại không có đồng nào mới bắt đầu thấy hối hận. Chi tiêu, quản lý tiền bạc thông minh sẽ giúp bạn rất nhiều sau này.
CÁCH TIẾT KIỆM TIỀN HỢP LÝ
Để có thể tiết kiệm, có một khoản tiền nhất định phòng bất trắc, bạn có thể áp dụng 5 mẹo dưới đây:
1. Lên kế hoạch chi tiêu hợp lý. Chia nhỏ các mục cần chi, bao gồm cả cố định và dự trù.
2. Lập sổ theo dõi thu chi để cân đối được từng khoản theo ngày, tháng.
3. Không vay mượn. Việc vay mượn có thể cuốn bạn vào vòng xoáy tiêu - vay - trả mỗi tháng.
4. Tự làm mọi thứ. Việc ăn ngoài, thuê người giúp việc sẽ tốn của bạn một khoản kha khá. Nếu được, hãy cố gắng làm mọi việc để tiết kiệm chi phí.
5. Tăng thu nhập cá nhân. Bạn có thể nhận thêm việc ngoài giờ, đầu tư sinh lời hoặc đầu tư kiến thức cho bản thân. Việc này sẽ giúp thu nhập của bạn tăng lên, không lo “dậm chân tại chỗ”.
Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY !