Ở nhà là cậu ấm cô chiêu, du học cũng "sấp ngửa" làm thêm kiếm sống

Chia sẻ Facebook
05/10/2023 04:25:30

Du học sinh ở nước ngoài cuộc sống không chỉ toàn màu hồng và những điều mới mẻ. Dù ở đâu, người trẻ cũng phải nỗ lực học tập, làm thêm kiếm tiền trang trải bù lại chi phí đắt đỏ tại các nước phát triển.

Nhiều người nghĩ rằng du học sinh đa số đều là con nhà có điều kiện, vì vậy mới có thể chi trả một khoản chi phí lớn khi ra nước ngoài học tập. Thế nhưng, thực tế cuộc sống của học sinh, sinh viên ở nước ngoài không màu hồng như người ta vẫn tưởng. Có những bạn ngoài đi học còn làm thêm 2, 3 công việc cùng lúc để có tiền trang trải, phụ gia đình phần nào chi phí đắt đỏ tại nước ngoài.


Làm tới khuya, ngủ vội trên xe buýt

Hiện nay, có nhiều hình thức du học, không dừng lại ở du học tự túc, nhiều bạn trẻ xuất sắc giành được những suất học bổng giá trị từ các trường đại học danh tiếng trên toàn thế giới. Thế nhưng, ngay cả khi được nhà trường hỗ trợ học phí, hay cả những bạn gia đình có điều kiện thì chi phí sinh hoạt tại các nước phát triển như Anh, Úc, Mỹ, vẫn là một gánh nặng với không ít gia đình.

Du học sinh đi làm thêm trang trải cuộc sống. (Ảnh minh họa: Du học Hàn Quốc)

Từ đây, ngoài việc học tập trên trường, nhiều du học sinh quyết định đi làm thêm với mục đích rèn luyện kỹ năng đồng thời kiếm tiền phục vụ cho cuộc sống, nhu cầu của bản thân. Từng được cha mẹ bao bọc, ít phải đụng tay làm gì khi còn ở Việt Nam, nhưng sang nước ngoài, có bạn trẻ thêm nhiều việc cùng một lúc.


Ngọc Anh, du học sinh Canada chia sẻ với chúng tôi: "Tại Canada, công việc part-time không thiếu, thậm chí cũng khá dễ tìm. Thế nhưng, thách thức lớn nhất với mình là phải vừa giữ kết quả học tập tốt, vừa đi làm thêm không phải điều dễ dàng. Đã từng nghe nhiều câu chuyện du học sinh mải làm thêm mà quên mất mục đích học tập, nên mình phải giữ một cái đầu tỉnh táo, không để bị cuốn theo làm thêm ngày đêm mà ảnh hưởng đến kết quả trên trường.


Thời gian đầu đi làm mình vụng về lắm. Ở nhà bố mẹ chiều không phải làm gì. Mình từng bị một chủ cửa hàng cho nghỉ việc sau 2 ngày đi làm vì chân tay lóng ngóng. Những lúc như vậy cũng tủi thân và áp lực".

Cuộc sống ở đất nước xa lạ không dễ dàng. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Bán hàng là công việc làm thêm phổ biến. (Ảnh minh họa: Du học Nhật Anh)

Vừa học, vừa làm đối với sinh viên trong nước đã khó khăn, với du học sinh lại càng không dễ dàng. Bắt đầu ở một đất nước xa lạ, không người thân, ngôn ngữ, văn hóa khác biệt đòi hỏi các bạn phải nhanh nhạy, nỗ lực hết sức mình.


Thùy Trâm, du học sinh tại Nhật Bản cho biết việc lựa chọn đi làm thêm là để giúp bản thân trưởng thành và độc lập hơn trong cuộc sống, hơn nữa, cô bạn không muốn gia đình phải áp lực về chi phí sinh hoạt của mình: "Ở Việt Nam em sướng lắm, không phải làm gì, chỉ ăn và học rồi xin tiền ba mẹ. Nhưng đã đi du học em xác định mình phải tự lập. Qua đây đi làm rồi mới biết kiếm được đồng tiền không dễ, thấy thương bố mẹ nhiều hơn.


Em thường phải tranh thủ những khoảng thời gian trống như khi ngồi trên xe buýt hoặc trên tàu điện ngầm đến chỗ làm để ôn bài, hoặc nếu cảm thấy quá mệt thì chợp mắt một chút."

Dù vất vả, Trâm vẫn cảm thấy biết ơn những công việc đã giúp mình tự trang trải tài chính cá nhân trong thời gian ở Nhật Bản, quan trọng hơn là giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình, định hình cho công việc tương lai.

Vừa học vừa làm chưa bao giờ dễ dàng. (Ảnh minh họa: Pinterest)


Lương nghìn đô không tự nhiên mà có

Trong nước, người ta vẫn truyền tai nhau rằng, du học sinh ở nước ngoài đi làm thêm 1 tháng kiếm cả nghìn đô. Thấy vậy, ai cũng cho rằng đó là cuộc sống màu hồng mơ ước. Nhưng trên thực tế, kiếm tiền chưa bao giờ là dễ dàng, trong nước hay nước ngoài cũng giống như nhau.

Video có thể bạn quan tâm

Có thể bạn muốn xem

Làm thêm nhiều có thể ảnh hưởng đến tinh thần học tập. (Ảnh minh họa: Freepik)


Cũng phải đi làm 5-6 tiếng mỗi ngày để kiếm tiền trang trải cuộc sống, Trọng Phong (du học sinh Úc, một thành viên tại Cột Sống Gen Z ) cảm thấy khá mệt mỏi. Ở Việt Nam, cậu bạn chưa từng làm việc chân tay nhưng sang đây phải tập làm quen với nó: "Nghe lương cả nghìn đô thì sướng thật đấy nhưng không phải tự nhiên mà có. Vừa đi học vừa đi làm lại phải cố gắng nhiều hơn nếu không muốn việc học sa sút.


Chi phí sinh hoạt bên này đắt đỏ, hồi đầu mới sang, bó rau 100 nghìn đồng mình không dám mua, quả cà chua cũng mấy chục nghìn. Hàng tháng 10 - 15 triệu gồm tiền đồ ăn, tiền điện thoại, tiền nhà, tiền điện nước, tàu xe, tiền thuế, chưa tính chuyện bị ốm là đi viện tốn kém. Lương kiếm được chỉ đủ trang trải cuộc sống mà thôi. Ở nhà mẹ nấu cho ăn còn bỏ bữa, những lúc như vậy lại nhớ nhà".

Du học sinh đang nỗ lực, cố gắng từng ngày. (Ảnh: Dân Trí)

Công việc đều đặn đi giao báo hơn 8 tiếng đồng hồ của một du học sinh. (Ảnh: FB Tuấn Kiệt)

Không ít câu chuyện du học sinh sa đà làm thêm mà đánh mất mục tiêu học tập, vì vậy, việc cân bằng giữa kiếm tiền và đi học vô cùng quan trọng.


Các bạn trẻ chớ vội ham những câu chuyện "con nhà người ta đi nước ngoài vừa học vừa làm cũng gửi về nhà 20 - 30 triệu/tháng" mà lao vào làm thêm ngày đêm như một cái máy. Ở mỗi một quốc gia lại có quy định về giờ làm thêm sinh viên có thể lựa chọn công việc và sắp xếp thời gian phù hợp.


Quan điểm của bạn như thế nào về vấn đề này? Cùng chia sẻ dưới phần bình luận của YAN nhé!

Ngoài những tin tức về giải trí và đời sống được cập nhật liên tục, bạn có thể tham gia vào cộng đồng những người tò mò về lá số thông qua app Tử Vi Hàng Ngày. Ứng dụng này sẽ giúp bạn khám phá về tình yêu và sự nghiệp một cách đơn giản và nhanh nhất. Tải app tại đây.

Đến một đất nước xa lạ bắt đầu hành trình mới chưa bao giờ là dễ dàng. Khi ở nhà, các bạn là những đứa trẻ được bố mẹ yêu thương, chăm sóc nhưng bước ra thế giới, ai cũng phải tự đứng trên đôi chân của chính mình.

Giấc mơ du học chưa bao giờ dừng lại ở nhiều bạn trẻ. Để chuẩn bị cho giấc mơ đó ngoài nỗ lực học tập, các bạn cũng phải chuẩn bị tinh thần để đương đầu với những khó khăn nơi đất khách, quê người.


Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook