Ở nhà bố mẹ nói 1, cãi 1 câu, đi làm chịu oan ức cũng không dám bật

Chia sẻ Facebook
10/07/2023 14:11:08

Nhiều bạn trẻ có thói quen cãi lại bố mẹ khi không vừa ý. Thế nhưng khi đi làm, dù bị sếp mắng oan ức họ cũng không dám lên tiếng. Tất cả là vì ỷ vào sự yêu thương bố mẹ dành cho con là vô bờ bến.


Là thế hệ trẻ dám nghĩ, dám làm, Gen Z đôi khi không ngại phản ứng lại với bất kỳ điều gì chưa hài lòng. Thế nhưng, dù ở nhà cáu gắt, cãi lại bố mẹ nhiều đến đâu thì khi đi làm, các bạn trẻ cũng phải thu lại tính khí. Thậm chí, đôi lúc có bị sếp mắng sai, nhiều bạn trẻ của “Cột sống” Gen Z cũng chỉ biết im lặng không dám bật lại.

Bé ở nhà bố mẹ nói câu nào liền cãi lại câu đó. (Ảnh minh họa: iStock)

Lớn đi làm chỉ biết im lặng cúi đầu khi sếp mắng.


Không phải lúc nào cũng có thể bật lại


Có lẽ độc giả YAN chẳng còn xa lạ với những lần tranh cãi cùng bố mẹ vì không hài lòng chuyện gì đó. Phải chăng do ỷ vào tình thương bố mẹ dành cho con là vô bờ bến nên chúng ta sẵn sàng phản ứng lại khi không đồng tình. Lắm lúc bố mẹ còn phát bực mà than rằng: “Con cái mà bố mẹ nói 1 câu, cãi 1 câu. Không biết sau này ra ngoài như thế nào?” . Con trẻ cứ vô tư như vậy, phản bác lại bố mẹ mà chẳng mảy may suy nghĩ đến cảm xúc của họ. Cho đến khi đi làm, chịu vô vàn áp lực, lời mắng mỏ mới biết rằng bố mẹ đã yêu thương, nhẫn nhịn mình đến mức nào.

Ỷ vào tình yêu thương của bố mẹ nên đôi lúc cứ vô tư trả treo. (Ảnh minh họa: Shutter Stock)


Bạn Ngọc Lan (24 tuổi, Hưng Yên) tâm sự: “Lúc trước ở nhà mình hay cãi nhem nhẻm với bố mẹ. Bố mẹ cứ nói là kiểu gì mình cũng phải nói lại bằng được mới thôi. Lúc đó bực lắm, chỉ nghĩ rằng bố mẹ không vô lý, không quan tâm tới cảm xúc của con cái chứ cũng chẳng nghĩ nhiều. Giờ đi làm mới hiểu rằng bố mẹ thương mình lắm mới không đánh cho vài cái lúc đó. Đi làm rồi sếp có mắng, sếp có vô lý đến đâu cũng phải cắn răng chịu đựng vì đồng lương”.

Bố mẹ nói một câu, cãi lại một câu.

Khi động tới vấn đề kinh tế, nhiều người mới biết thu lại tính cách của mình, chịu nhẫn nhịn hơn. Thế nhưng, so với số tiền mà bố mẹ đã bỏ ra nuôi mình từ khi còn tấm bé đến lúc đủ trường thành, bước chân vào thị trường lao động thì nó chẳng thấm tháp vào đâu. Vậy mà chúng ta vẫn vô tư hồn nhiên cãi lại ba mẹ khi không vừa ý.

Đi làm rồi sếp có mắng cũng chỉ biết im lặng lắng nghe.


Người trẻ biết lắng nghe, thấu hiểu hơn khi đi làm

Đến tận khi đã đi làm, nhiều người trẻ mới học được chữ nhẫn nhịn. Trong công việc vốn chẳng thể tránh khỏi những lúc xuống dốc, không đạt KPI đề ra. Do đó, việc bị sếp khiển trách cũng là điều bình thường. Ngay cả khi sếp vô lý, nhiều bạn trẻ cũng chẳng dám cãi lại như đã làm với bố mẹ mà chỉ biết cúi đầu lắng nghe. Chỉ khi đi làm rồi, tự mình trải qua những điều này, chúng ta mới biết cách lắng lại, nghe bố mẹ nhiều hơn cũng như nhìn nhận lại lỗi sai của bản thân.

Công việc có vất vả, mệt mỏi cũng không bao giờ hé răng lấy nửa lời.

Không bao giờ dám "bật" lại sếp nửa lời.


Mai Anh tâm sự: “Mọi người hay nói Gen Z chẳng ngán ai, sẵn sàng bật lại bất kỳ ai, kể cả sếp. Nhưng không phải ai cũng vậy. Mình đi làm dù đôi lúc bị oan ức cũng không dám đáp trả vì đó là cấp trên của mình, là người đã tạo ra việc làm cho mình. Những lúc này, mình mới hối hận vì bản thân đã cãi lại bố mẹ khi không vừa ý. Lẽ ra mình đã có thể nhẹ nhàng, bình tĩnh ngồi nói chuyện với bố mẹ. Nhưng thay vào đó, mình lại xốc nổi, bốc đồng để khiến những cuộc cãi vã trong gia đình nhiều hơn”.

Sếp có sai, có bị mắng oan ức cũng chỉ dám cúi đầu lắng nghe.

Nhìn chung, con trẻ ai cũng có đôi lần cãi lời lại bố mẹ. Bởi vì chúng ta biết rằng tình yêu họ dành cho ta là vô bờ bến. Bố mẹ cũng sẽ không bao giờ làm điều gì có lỗi với con. Thế nhưng, đừng vin vào sự yêu thương đó để làm bố mẹ buồn lòng. Hãy học cách nhẫn nhịn, bình tĩnh hơn với mọi người, mọi chuyện.

Người trẻ hay có thói quen bố mẹ nói một câu, cãi một câu. Đó là vì họ ỷ lại sự yêu thương vô bờ bến của bố mẹ. Chắc chắn rằng dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra thì bố mẹ vẫn sẽ yêu con vô điều kiện. Cho đến khi đi làm, dù bị sếp mắng mỏ, oan ức, các bạn trẻ cũng chỉ biết cúi đầu im lặng. Lúc này chúng ta mới hiểu bố mẹ đã nhẫn nhịn đến như thế nào. Do đó, hãy dành thời gian cho bố mẹ nhiều hơn, đừng cãi cọ khiến họ phiền lòng.


Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook