'Ở cơ quan mẹ, con nhà nào học cũng giỏi'
Nhớ lại hồi lớp 9 tôi học bị tuột dốc không phanh. Tôi cảm thấy mệt mỏi và quá tải với những giờ học thêm, những lớp học ôn thi do mẹ tìm kiếm. Tôi sợ sẽ không thể đỗ được Trường Amsterdam.
Mẹ tôi thường bảo: "Con phải cố gắng lên chứ ở cơ quan mẹ, con nhà nào cũng học giỏi". Rồi mẹ kể con nhà bác A bằng tuổi tôi nhưng giải thưởng chất đầy nhà, con nhà chú B còn giành được học bổng ở Mỹ. Nói rồi mẹ quay sang tôi, thở dài một cái. Không hiểu sao tôi dị ứng với tiếng thở dài của mẹ. Nó khiến tôi liên tưởng đến việc mẹ thất vọng về tôi lắm.
Nhớ năm lớp 9, tôi chỉ là top 5 của lớp. Mẹ nói thõng một câu: "Tại sao lại chỉ là top 5, tại sao không phải là top 3 của lớp? Top 5 của lớp thì sao đỗ vào trường chuyên được hả con?".
Tôi không biết trả lời mẹ thế nào. Tôi vào phòng đóng chặt cửa lại. Nhưng đầu tôi vẫn oang oang lời mẹ nói. Và tôi hiểu tôi là một đứa thua cuộc trong mắt mẹ.
Năm đó tôi không thể đỗ vào Trường chuyên Amsterdam như mong ước của mẹ. Và mẹ bảo: "Mẹ xấu hổ khi đồng nghiệp cơ quan mẹ hỏi chuyện thi cử của con".
Và suốt 3 năm cấp III, tôi luôn bị giày vò bởi điểm số, bởi danh hiệu, bởi những kỳ vọng của mẹ. Tôi lọt thỏm trong sự cô đơn. Tôi đang bị lú lẫn bởi điểm số. Tôi chưa bao giờ làm vừa lòng mẹ và thành tích tôi đem về chưa bao giờ khiến mẹ vui.
Nhiều lúc tôi nghĩ mình đang học giống như ai đó nói: một cái máy. Dù hết dầu mỡ, dù hỏng hóc thì cái máy đó vẫn phải chạy. Tôi cứ xoay vần trong cái vòng quay đó và không bao giờ được dừng lại. Những lớp học thêm, những tiết kiểm tra, những kỳ thi, những buổi họp phụ huynh, những lời mẹ hỏi cứ ám ảnh tôi... suốt một thời tuổi trẻ.
Nhớ hồi học lớp 11, tôi là một trong ba học sinh toàn khối đạt được 10 môn toán. Nhưng mẹ bảo: "Ôi dào, trường con không phải trường vip nên điểm 10 có nghĩa lý gì...".
Nghe thế, bao nỗ lực của tôi bị phủ nhận. Tôi như sụp đổ. Có một sự thật là tôi đã từng rất ghét mẹ, ghét những kỳ vọng của mẹ, ghét cả những câu hỏi "nay con được mấy điểm?", "tại sao con để bạn A vượt mặt?", "con nhà cô X vừa được học bổng đấy, con biết không?".
Tôi rùng mình nhớ lại hồi ấy tôi chỉ ao ước được mẹ khen lấy một lần. Ai có thể chê tôi nhưng chỉ mong đó không phải mẹ. Tôi chỉ mong mẹ đừng bao giờ đặt tôi lên bàn cân để đọ với người khác.
Nhưng có lẽ không chỉ riêng mẹ tôi mà nhiều người mẹ khác cũng có sở thích so sánh con mình với con người ta.
Thực tế tôi đã từng học như điên như dại chỉ vì để thực hiện những chỉ tiêu của mẹ. Nhiều lúc tôi như trở thành một con người khác.
Tôi cứ băn khoăn mãi: có bao nhiêu bạn trẻ từng giống tôi? Có bao nhiêu người mẹ cũng giống mẹ tôi? Tại sao phụ huynh vẫn thích áp đặt, thích đặt ra chỉ tiêu cho con dù biết điều đó khiến con không hạnh phúc và luôn sợ hãi?
Tôi nghĩ học là để sống tốt hơn, để cảm thấy hạnh phúc với những giá trị mình đem về chứ không phải khiến mình lao vào như con thiêu thân chỉ để đổi lấy giấy khen.
Đó là khẳng định của Th.S Tô Nhi A - giảng viên Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM - tại hội thảo "Không phải thiên tài, con là duy nhất" do Viện Di truyền y học và Hội Liên hiệp Phụ nữ Q.Gò Vấp, TP.HCM tổ chức sáng 12-12.