Ồ ạt trồng chanh dây, nông dân ngậm 'trái đắng'
Nhận thấy giá chanh dây tăng mạnh nên nhiều nông dân Gia Lai ồ ạt chặt phá diện tích cà phê kém chất lượng, già cỗi, chuyển sang trồng chanh dây. Tuy nhiên, khi bước vào vụ thu hoạch giá chanh liên tiếp giảm sâu khiến cho người trồng ngao ngán, bù lỗ.
Ồ ạt gom đất trồng chanh dây
Năm 2022 thấy giá chanh dây tăng cao nên anh Lê Văn Lương (34 tuổi, ở thôn 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, Gia Lai) quyết định thử canh tác loại cây trồng mới này. Theo đó, anh đã bỏ ra số vốn hơn 100 triệu đồng để trồng 6 sào chanh dây. Sau khi trừ chi phí anh lãi về hơn 70 triệu đồng.
Sau vụ đầu tiên thành công, anh quyết định đầu tư 200 triệu đồng để trồng thêm 1,4ha chanh dây, nâng tổng số diện tích lên 2ha. Tuy nhiên, mùa thứ hai bắt đầu vào vụ thu hoạch thì giá chanh giảm thê thảm.
Chanh dây rớt giá thảm chỉ còn 3.000 - 5.000 đồng/kg khiến nông dân đau đầu vì chi phí bù lỗ
“Vì thấy trồng chanh dây có lợi nhuận cao nên gia đình đã thuê 1,4ha đất tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích. Tuy nhiên đến thời điểm thu hoạch giá chanh rớt thê thảm chỉ còn từ 3.000 đến 5.500 đồng/kg, thay vì vài chục ngàn như năm trước. Số tiền vay mượn để đầu tư chưa thể trả thì nay lại phải vay thêm tiền bù lỗ. Chúng tôi mong có những doanh nghiệp lớn liên kết, tạo đầu ra bền vững cho bà con, anh Lương chia sẻ.
Tương tự anh Lương, năm 2022 thấy giá chanh dây tăng cao nên anh Nguyễn Tường (trú tại xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah) cũng quyết định đầu tư vốn liếng xuống giống khoảng 5 sào chanh dây trên diện tích cà phê tái canh. Đầu tháng 9/2023, anh bước vào đợt thu bói tuy nhiên giá chanh dây cũng chỉ đạt hơn 4.000 đồng/kg.
“Với giá này thì người trồng chanh dây sẽ lỗ nặng. Bởi mới tính tiền phân tro, giống và tiền giàn thì 5 sào này đã mất đến 40 triệu rồi. Chưa kể công cán nữa, nếu như muốn có lãi phải trên 10.000 đồng/kg”, anh Tường cho hay.
Theo tính toán của người dân, chanh dây phải có giá trên 10.000 đồng/kg thì mới bắt đầu có lãi
Theo ghi nhận của PV, do giá chanh dây trước đó tăng cao nên phần lớn các nhà vườn đã chặt phá diện tích cà phê kém chất lượng, già cỗi mở rộng diện tích chanh dây. Tuy nhiên, khi bước vào đợt thu hoạch giá chanh dây liên tục giảm mạnh, khiến nông dân như ngồi trên đống lửa lo lắng về một mùa vụ thua lỗ. Thậm chí, nhiều hộ đã tính chuyện phá bỏ vườn chanh dây để chuyển sang các loại cây trồng khác, dù chưa thu hoạch xong.
Anh Phạm Văn Bền (trú tại Gia Lai) người đã có 16 năm trồng chanh dây cho biết: “Nguyên nhân khiến chanh dây rớt giá thê thảm như hiện tại là do người dân thấy chanh dây được giá nên ồ ạt trồng. Nhu cầu thị trường thì không thay đổi, tuy nhiên nguồn cung thì quá lớn trong một giai đoạn ngắn. Bên cạnh đó, loại quả này chưa có thị trường riêng, vẫn chưa thể sơ chế được mà phải bán tươi hoặc múc dịch nên trong một giai đoạn ngắn nguồn cung quá lớn thì giá nó sẽ phải xuống thôi”.
Liên kết để phát triển chanh dây bền vững
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa (huyện Chư Păh) cho biết, hiện HTX vẫn đang hỗ trợ thu mua chanh dây cho người dân với giá tốt nhất. Tuy nhiên thời gian vừa qua, giá chanh dây xuống thấp khiến nhiều người dân không mặn mà chăm sóc vườn cây dẫn đến chất lượng kém.
Theo ông Minh, người dân trồng ồ ạt khiến sản lượng chanh dây bị dư thừa, xuống giá
“Nguyên nhân khiến chanh dây rớt giá do khi thấy giá chanh dây tăng cao, người dân đã trồng ồ ạt. Trong khi kế hoạch phát triển vùng chanh dây của các nhà máy thu mua và người dân chưa thực sự phù hợp. Việc người dân trồng ồ ạt khiến sản lượng chanh dây bị dư thừa, nằm ngoài kế hoạch sản xuất của các nhà máy, dẫn đến giá xuống thấp là không tránh khỏi”, ông Minh cho hay.
Tỉnh Gia Lai hiện có hơn 5.000ha chanh dây với khoảng 20 cơ sở đóng gói và 19 vùng trồng đã được cấp mã số. Theo Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, diện tích chanh dây được quy hoạch đến năm 2025 của Gia Lai khoảng 20.000 ha và đến năm 2030 khoảng 25.000 - 30.000ha.
Vườn chanh dây hữu cơ của anh Phạm Văn Bền
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp đã xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm chanh dây lớn gồm: Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai, Công ty TNHH Quicornac và Công ty cổ phần Nafoods Group tuy nhiên giá chanh dây vẫn rất bấp bênh, năm được, năm mất.
Ông Nguyễn Công Sơn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Păh cho biết: “Trên địa bàn hiện có khoảng 500 ha chanh dây. Những năm qua, huyện luôn tập huấn cho bà con nông dân nắm được quy trình canh tác theo yêu cầu, tiêu chuẩn của nước nhập khẩu cũng như tìm kiếm các doanh nghiệp có đủ năng lực liên kết với người dân đưa quả chanh dây xuất khẩu chính ngạch. Đồng thời, huyện cũng đang tiến hành rà soát những diện tích trồng chanh dây lớn, tập trung để xem xét hỗ trợ người dân trong việc cấp mã số vùng trồng”.
Ngành nông nghiệp Gia Lai đang hướng dẫn người dân từng bước thay đổi phương thức sản xuất, liên kết với hợp tác xã để thuận lợi trong khâu tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngoài huyện Chư Păh, trên địa bàn huyện Ia Grai cũng hiện có khoảng 600ha trồng chanh dây, dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ tăng lên gần 900ha. Theo đó, từ đầu năm huyện đã tổ chức nhiều buổi hội thảo để hướng dẫn cho người dân cách trồng, chăm sóc cây chanh dây. Đồng thời, tổ chức liên kết với nhiều doanh nghiệp nhằm hỗ trợ giống, bao tiêu đầu ra cho người dân. Hướng dẫn người dân có tính toán theo hướng phát triển cây trồng bền vững. Với các hộ đã làm giàn, làm đất, cơ quan khuyến nông hướng dẫn tiếp tục trồng và chăm sóc theo mô hình chanh hữu cơ, liên kết với doanh nghiệp chế biến để có đầu ra ổn định.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Gia Lai, để cây chanh dây phát triển bền vững, có đầu ra ổn định cần phải chú trọng khâu tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp - HTX và nông dân từ khâu giống, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu. Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp giới thiệu, lựa chọn những HTX, tổ hợp tác có thể liên kết sản xuất, tiêu thụ chanh dây với các doanh nghiệp.