Nút mạch nội tạng cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch
Bảo tồn tối đa cơ quan nội tạng bị tổn thương, giúp bệnh nhân tránh được cuộc đại phẫu… là những ưu điểm của phương pháp nút mạch cầm máu điều trị chấn thương nội tạng.
3 tháng đầu năm 2022, các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã cứu sống gần 20 bệnh nhân bị chấn thương vỡ tạng do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt bằng kỹ thuật nút mạch cầm máu nội tạng.
Trường hợp mới nhất là bệnh nhân V.V.T., 51 tuổi, trú tại Hà Khẩu, Hạ Long, Quảng Ninh. Bệnh nhân được đưa đến viện trong tình trạng đau nhiều vùng ngực trái, hạ sườn trái, kèm theo khó thở sau tai nạn lao động.
Qua thăm khám, làm các xét nghiệm cận lâm sàng và chụp CTscanner cho thấy: Bệnh nhân bị gãy cung trước xương sương V, VI, cung trước và sau xương sườn VIII bên trái, chấn thương lách độ III, chấn thương gan độ II và có nhiều dịch trong ổ bụng.
Bệnh nhân được chẩn đoán: Chấn thương lách độ III, chấn thương gan độ II/gãy xương sườn V, VI, VIII trái và có chỉ định can thiệp nút mạch cầm máu xử trí tổn thương lách, gan trên hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA.
Sau gần 1 tiếng, các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh đã thực hiện thực hiện thành công cầm máu cho bệnh nhân. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định sau 1 ngày thực hiện can thiệp.
Theo các bác sĩ, khi bị tổn thương động mạch hoặc các tạng như gan, thận, lách... do tai nạn giao thông, tai nạn trong lao động, sinh hoạt, bệnh nhân sẽ gặp phải nguy cơ mất máu, kéo theo một loạt các biến chứng nghiêm trọng như rối loạn hoạt động các chức năng sống của cơ thể, rối loạn đông máu, suy phủ tạng và dẫn đến tử vong.
Thông thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định mổ cấp cứu để xử lý các tổn thương. Tuy nhiên, với phương pháp nút mạch cầm máu trong chấn thương, bệnh nhân sẽ không phải trải qua những cuộc đại phẫu cắt gan, thận, lách… nặng nề kéo dài hàng giờ, tiềm ẩn biến chứng trong và sau phẫu thuật nguy hiểm như sốc mất máu, nhiễm trùng vết mổ…