Nút giao Rafah: Niềm hy vọng cuối cùng cho người tị nạn từ Gaza
Hàng trăm người Palestine đã bỏ chạy về phía Nam Dải Gaza khi Israel chuẩn bị tổ chức chiến dịch trên bộ.
Tuy nhiên, không ai chắc được họ có thể tới đâu sau đó. Vùng nội phận ven biển này bị phong tỏa đường không, đường biển và đường bộ bởi Israel và quốc gia này đã tuyên chiến với Hamas sau vụ tấn công ngày 7 tháng 10 khiến 1.400 người Israel thiệt mạng. Israel cũng đã cắt đứt nguồn nước, điện và lương thực tới cho 2 triệu người sinh sống trong vùng lãnh thổ này.
Một nút giao biên giới với Ai Cập tại phía Nam được coi là hy vọng cuối cùng cho những người Gaza đang tháo chạy khỏi các loạt bom của Israel, và nhiều người Palestine đã di chuyển về nút giao này.
Thế nhưng nút giao này đang đóng kín cửa.
Tình hình tại Rafah
Nút giao Rafah đang đóng cửa khiến các gói hàng viện trợ không thể được chuyển vào Gaza. Chính phủ Mỹ đã hối thúc Ai Cập đề ra một hành lang nhân đạo cho người dân tại Gaza, cũng như người nước ngoài tại khu vực này. Ai Cập đã khẳng định sẽ không cho phép người tị nạn tràn vào lãnh thổ nước này và thay vào đó đã khẳng định Israel cần phải viện trợ cho người Gaza.
Quyết định mở cửa biên giới sẽ là vấn đề phức tạp khi cân nhắc về các bên liên quan. Quyết định này cần sự thông qua của Ai Cập và Hamas, hai phe trực tiếp kiểm soát nút giao, cũng như sự chấp thuận từ Israel, sau khi quốc gia này đánh bom Gaza bao gồm cả tại khu vực quanh nút giao Rafah. Ai Cập đã đưa ra yêu cầu cam kết Israel sẽ không đánh bom các đoàn xe viện trợ.
Nhiều vụ không kích đã được báo cáo quanh khu vực nút giao Rafah kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, bao gồm một vụ được tổ chức vào ngày thứ Ba vừa rồi. Khi được hỏi về các vụ đánh bom, phát ngôn viên của Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF) Trung tá Richard Hecht đã cho biết: “Khi chúng tôi thấy Hamas di chuyển, chúng tôi sẽ xử lý”.
Hàng chục đoàn xe hiện đang chờ cho phép vào Gaza qua nút giao từ Ai Cập. Ai Cập đã cho biết không có tiến triển gì quanh các nỗ lực mở cửa nút giao này và Israel đã khẳng định không có kế hoạch mở cửa nút giao.
Tầm quan trọng của nút giao Rafah
Nút giao Rafah được đặt tại vùng Sinai miền Bắc Ai Cập, và là nút giao biên giới duy nhất giữa Gaza với Ai Cập. Nút giao này được đặt trên hàng rào dài gần 13km chia cắt Gaza và sa mạc Sinai.
Gaza đã được kiểm soát bởi nhiều chính quyền khác nhau trong 70 năm qua. Khu vực này được kiểm soát bởi Ai Cập trong cuộc chiến Ả Rập - Israel vào năm 1948, được Israel chiếm lại trong cuộc chiến năm 1967, và sau đó Israel đã đưa người Do Thái tới định cư tại đây cùng với kiểm soát chặt chẽ khả năng đi lại của người Palestine. Vào năm 2005, Israel đã rút quân và người định cư khỏi khu lãnh thổ này, và hai năm sau đó, dải đất này được kiểm soát bởi Hamas.
Kể từ thời điểm đó, Ai Cập và Israel đã đặt ra kiểm soát nghiêm ngặt đối với các vùng biên giới với khu lãnh thổ này và Israel đã phong tỏa nghiêm ngặt khu lãnh thổ này qua đường không, biển và bộ. Israel cũng đã xây hàng rào kiên cố quanh Gaza.
Trước khi cuộc chiến nổ ra trong tháng này, Israel đã kiểm soát hai nút giao biên giới với Gaza: Nút giao Erez, nút giao phục vụ vận chuyển con người, và nút giao Kerem Shalom phục vụ vận chuyển hàng hóa. Cả hai nút giao đều bị hạn chế nghiêm ngặt và đã đóng cửa từ khi cuộc chiến nổ ra.
Rafah là nút giao duy nhất tới thế giới bên ngoài cho người Gaza.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, có trung bình 27 ngàn người di chuyển qua biên giới mỗi tháng tính tới tháng 7 năm 2023. Biên giới này đã mở cửa 138 ngày và đóng cửa 74 ngày trong năm nay cho tới thời điểm đó.
Lệnh đóng cửa thường được đưa ra tùy theo tình hình an ninh và chính trị. Mặc dù Israel không có khả năng kiểm soát trực tiếp nút giao này, quyết định đóng cửa của Ai Cập thường được đưa ra cùng lúc với các quyết định siết chặt hạn chế đối với Gaza từ phía Israel.
Rafah trong thời gian qua
Israel và Ai Cập đã ký kết hiệp ước hòa bình vào năm 1982, với nội dung quốc gia Do Thái rút quân khỏi Bán đảo Sinai sau khi giành được bán đảo này từ Ai Cập trong năm 1967.
Israel sau đó đã mở nút giao Rafah và giữ quyền kiểm soát nút giao này tới khi họ rút khỏi Gaza vào năm 2005. Từ thời điểm đó tới khi Hamas kiểm soát Gaza vào năm 2007, nút giao này được kiểm soát bởi Liên minh Châu Âu làm việc sát sao với các quan chức Ai Cập.
Từ năm 2005 tới năm 2007, khoảng 450 ngàn người đã đi qua nút giao này với khoảng trung bình 1500 người mỗi ngày.
Sau khi Hamas cầm quyền, Ai Cập và Israel đã siết chặt hạn chế vận chuyển người và hàng hóa với khu lãnh thổ Gaza. Nhưng trong năm 2008, một số dân quân đã phá hủy một số hàng công sự trên đường biên giới với Ai Cập gần Rafah, khiến ít nhất 50 ngàn người Gaza tràn vào Ai Cập để mua nhiên liệu, lương thực và các nhu yếu phẩm khác.
Theo sau vụ việc này, Ai Cập đã củng cố hàng rào bằng dây thép gai và rào chắn kim loại.
Nút giao Rafah từ thời điểm đó đã bị kiểm soát chặt chẽ, giới hạn người qua lại và thủ tục hành chính phức tạp cũng như các quy trình an ninh nghiêm ngặt đối với người Palestine muốn tới Ai Cập.
Dòng người qua Rafah
Trong những ngày thường, số người được phép qua nút giao Rafah rất hạn chế. Chỉ những người Gaza có giấy phép và những người có quốc tịch nước ngoài mới có thể được sử dụng nút giao này.
Người Gaza muốn qua biên giới thường phải chờ rất lâu. Jason Shawa, một người Mỹ gốc Palestine từ Seattle sinh sống tại Gaza cho biết, quy trình này đã mất ít nhất 30 ngày nhưng thời gian chờ thường có thể lên tới ba tháng.
Người di chuyển cần có giấy phép xuất cảnh từ Hamas và giấy phép nhập cảnh từ Ai Cập. Quy trình này yêu cầu anh phải nộp hồ sơ cho văn phòng chính phủ Hamas để nhận được giấy phép xuất cảnh. Một vài ngày sau đó, anh sẽ nhận được tin nhắn cho anh biết về khung thời gian được phép xuất cảnh, và khung thời gian này có thể kéo dài tới ba tháng kể từ khi nhận được tin nhắn.
Vào ngày khởi hành, một xe bus sẽ đưa người di chuyển từ biên giới phía Palestine tới bên kia biên giới phía Ai Cập, và họ sẽ phải chờ nhiều giờ để các quan chức Ai Cập tiếp nhận và xử lý đơn xin thị thực. Anh Shawa cho biết, nhiều người nhập cảnh bị từ chối tại đây, và người Palestine thường xuyên bị ngược đãi.
Với hàng triệu người tị nạn trong nước, Ai Cập không thoải mái với khả năng hàng trăm ngàn người Palestine tị nạn sẽ vào lãnh thổ nước này. Hiện tại, có hơn 2 triệu người Palestine sinh sống tại Gaza.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi trong tuần vừa rồi đã cho biết quốc gia ông sẵn sàng giúp đỡ trong giới hạn.
“Tất nhiên, chúng tôi đồng cảm với họ. Nhưng bên cạnh sự đồng cảm, chúng tôi cũng cần phải sử dụng đầu óc để đảm bảo giúp tạo dựng hòa bình và sự an toàn mà không khiến người dân của chúng tôi phải trả giá quá lớn”.
Nhiều người cũng phản đối ý kiến biến người Gaza thành dân tị nạn một lần nữa bằng cách di chuyển họ khỏi Gaza. Phần lớn người Gaza đã đang được Liên Hợp Quốc coi là dân tị nạn, trong đó nhiều người có tổ tiên tới từ các khu vực hiện là lãnh thổ của Israel.
Vua Abdullah của Jordan trong thứ Ba đã phát biểu: “Tôi nghĩ đó là âm mưu tạo ra vấn đề. Sẽ không có người tị nạn tại Jordan và không có người tị nạn tại Ai Cập”.
Ai Cập đã kêu gọi Israel cho phép vận chuyển viện trợ nhân đạo qua nút giao Rafah, nhưng đã không chấp thuận các yêu cầu thiết lập hành lang nhân đạo vào lãnh thổ Ai Cập từ phía Mỹ.
Nguyễn Quang Minh (theo CNN)