Nuốt phải vỏ bề bề - bệnh nhân gặp nguy hiểm khi tự điều trị tại nhà
Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng vừa tiếp nhận bệnh nhân N.V.C. và xử trí lấy dị vật đường thở là một mảnh vỏ con bề bề.
Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây khoảng 3 tháng, bệnh nhân có ăn canh bề bề, tuy nhiên, không có các biểu hiện ho hay sặc khi ăn. Từ đó, bệnh nhân xuất hiện tình trạng ho, ho thành từng cơn, ho tăng nhiều vào buổi sáng, không ho ra máu.
Ở nhà, bệnh nhân đã tự mua và uống nhiều đợt kháng sinh nhưng không giảm mà ho nhiều hơn. Gần đây, tình trạng khó thở nhiều hơn, tức ngực trái, bệnh nhân được gia đình đưa đi khám tại cơ sở y tế tư nhân chụp X-quang ngực thẳng và điều trị một đợt kháng sinh nhưng không đỡ.
Sau đó, bệnh nhân đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp thăm khám và được chụp cắt lớp vi tính lồng ngực thấy hình ảnh nghi ngờ kén khí cạnh khí quản. Các bác sĩ Khoa Nội 2 đã thăm khám, hội chẩn và thực hiện kỹ thuật nội soi phế quản bằng ống mềm có gây tê.
Quá trình nội soi phế quản cho bệnh nhân, bác sĩ nội soi đã quan sát phát hiện ra một dị vật mảnh dài nghi mảnh xương nằm chắn ngang phế quản gốc trái, kèm theo là tình trạng niêm mạc phù nề, xung huyết, tăng sinh tổ chức mô và đờm trắng bám xung quanh, không thấy rò thủng khí phế quản.
Ê-kíp nội soi tiến hành thăm dò và lấy dị vật ra khỏi phế quản gốc trái của bệnh nhân một cách an toàn. Hình dạng dị vật là một mảnh dẹt kích thước 1,5x1 cm, bờ ngoài có nhiều gai nhọn hình răng cưa nghi là vỏ con bề bề.
TS.BS Phạm Thị Phương Nam - người trực tiếp nội soi cho bệnh nhân chia sẻ: Đây là một trường hợp khó chẩn đoán và nguy hiểm, bệnh nhân không hề có dấu hiệu sặc trước đó. Dị vật là vỏ bề bề có hình dáng mỏng dẹt, không gây bít tắc đường thở, độ cản quang thấp nên mặc dù đã chụp cắt lớp lồng ngực nhưng không phát hiện được dị vật.
Theo bác sĩ Nam, do vỏ bề bề bị mắc lâu trong đường thở nên đã gây viêm tại chỗ và tăng tạo mô viêm, dễ bị mủn vỡ nên càng khó gắp hơn và có nguy cơ chảy máu lớn, loét thủng đường thở khi gắp ra. Trong đa phần các trường hợp dị vật đường thở rơi vào phế quản gốc phải, tuy nhiên bệnh nhân này dị vật lại nằm ở phế quản gốc trái.
Để phòng tránh nguy cơ mắc dị vật đường thở, các bác sĩ khuyến cáo: Người dân chú ý trong lúc ăn nên ăn chậm, nhai kỹ, không nên cười đùa, la hét. Đối với những trường hợp dị vật là những vật sắc nhọn đã được nuốt sâu không nên tự ý gây nôn, điều này có thể làm tổn thương thêm cho đường thở.
Khi người bệnh bị sặc hoặc hóc dị vật và có biểu hiện đau tức ngực, ho dữ dội, cần đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra và xử lý kịp thời gắp dị vật ra càng sớm càng tốt.