Nương tựa vừa đủ khéo
Khi một cặp đôi cùng bước xuống con thuyền hôn nhân thì đó cũng là lúc họ bắt đầu phụ thuộc lẫn nhau, nhưng đồng thời mỗi người vẫn phải là chính mình với những đặc điểm tâm lý, mục tiêu cuộc đời... khác biệt nhau.
Nếu ai đó sống trong hôn nhân mà vẫn muốn "độc lập, tự do" như lúc còn độc thân thì cơ sở tồn tại của cuộc hôn nhân đó không còn. Ngược lại, nếu một người quá phụ thuộc vào người kia thì sẽ "bỏ quên" cuộc đời, mục tiêu của mình để sống cho/vì cuộc đời, mục tiêu của người kia.
Chuyên viên tham vấn tâm lý NGÔ MINH UY
Vậy làm sao để vừa phụ thuộc vừa độc lập một cách hiệu quả? Chuyên viên tham vấn tâm lý Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TP.HCM NGÔ MINH UY chia sẻ:
- Trong hôn nhân, vợ chồng không chỉ phụ thuộc lẫn nhau về mặt cảm xúc mà còn nhiều mặt khác như tài chính, việc nhà, nuôi dạy con... Trục trặc hôn nhân sẽ xảy đến nếu sự phụ thuộc không đến từ hai phía hoặc quá chênh lệch nhau.
* Vì sao lại như thế, thưa ông?
- Hôn nhân của một cặp đôi được hình thành từ nhu cầu gắn kết nhau của hai "người dưng" hoàn toàn khác biệt nhau.
Quá phụ thuộc vào chồng/vợ mình cũng giống như giọt nước hòa vào đại dương. Họ sẽ có bất ổn nội tâm nghiêm trọng khi không được là chính mình, nhất là khi không được người kia "hàm ơn" (cho sự "hy sinh" của mình) như mình kỳ vọng.
Ức chế đó tích tụ, dồn nén và có thể bùng phát vào lúc nào đó. Ở chiều ngược lại, người kia sẽ có xu hướng ít bận tâm đến cảm xúc, suy nghĩ, sở thích, mục tiêu cuộc đời... của họ, hành xử áp đặt với họ, trở nên "độc lập, tự do" hơn trong lối sống và theo đuổi các mục tiêu riêng.
Trong nhiều ca trục trặc hôn nhân, người phụ thuộc thường rơi vào người vợ. Phụ nữ Việt Nam ngay từ nhỏ đã được giáo dục đức tính chịu đựng, hy sinh: cho em mình khi còn nhỏ, cho gia đình mình khi lớn lên, cho chồng con khi có mái ấm riêng. Những chịu đựng, hy sinh quá mức lắm khi khiến chị em bất ổn nội tâm và có thể phá vỡ hôn nhân.
* Vậy theo ông, phụ thuộc ở mức độ nào mới hiệu quả và biểu hiện ra sao?
- Phụ thuộc lẫn nhau một cách hiệu quả trước hết biểu hiện ở tâm thế sẵn sàng cho/nhận của cặp đôi. Khi tôi yêu thương, chăm sóc chồng/vợ mình thì tôi cũng hãy an nhiên khi nhận lại những đáp ứng tương tự.
Tiếp theo là biểu hiện ở ý thức tôn trọng ranh giới, bởi thực tế mỗi người vẫn cần có sự độc lập nhất định. Không nên thao túng hay tác động làm thay đổi những sở thích, thú vui, ước muốn, mục tiêu cuộc đời... của vợ/chồng mình.
Biểu hiện thứ ba là ở chuyện mỗi người tự ra quyết định và chịu trách nhiệm với kết quả. Cuối cùng là biểu hiện ở sự an tâm phát triển bản thân.
Làm sao để dù sống trong sự phụ thuộc lẫn nhau với vợ/chồng nhưng mình vẫn có sự phát triển bản thân, mà mình thật sự yên tâm với điều đó chứ không phải lén lút thực hiện hoặc thực hiện trong nỗi bất an bị cản trở từ phía vợ/chồng mình.
* Có vẻ như nếu phụ thuộc hiệu quả thì cũng có được sự độc lập cá nhân nhất định?
- Đúng vậy, song hành với phụ thuộc hiệu quả là độc lập khỏe mạnh.
* Ông thường có những gợi ý gì để các cặp đôi vừa phụ thuộc hiệu quả vừa độc lập khỏe mạnh?
- Chúng ta cần biết lắng nghe thấu cảm trong giao tiếp vợ chồng và nắm bắt được các nhu cầu của người phối ngẫu. Tiếp theo đó là khích lệ, ủng hộ vợ/chồng mình phát triển theo con đường lựa chọn bởi đó là con đường mà họ thích thú. Và dĩ nhiên ta còn chủ động đối thoại để tìm giải pháp chung cho những vấn đề chung.
Ngược lại, chúng ta không tự gây áp lực phải sống vì/cho người ấy bởi điều đó gây bất ổn cho bản thân và cả cuộc hôn nhân; yêu thương, chăm sóc người ấy nhưng không "hòa tan" cuộc đời mình vào cuộc đời của người ấy. Chúng ta cũng sẽ không vì người ấy mà bỏ bê bản thân.
Ngoài ra, độc lập khỏe mạnh còn đến từ việc ta tôn trọng nhu cầu độc lập, phát triển bản thân của vợ/chồng mình.
Nỗi khổ của cô vợ "hòa tan"
Đến gặp chuyên viên tâm lý, chị N.Thùy (quận 5, TP.HCM) nói trong nước mắt: "Tôi hy sinh cả thanh xuân cho anh ấy, vậy mà...".
Chị kể mình và ông xã hiện tại yêu nhau từ thời sinh viên, ra trường thì tiến tới hôn nhân. Dành dụm suốt 6 năm, họ mới mua được căn chung cư nhỏ. Khi chị mang thai, anh sắp xếp cho chị nghỉ việc để lo cho con, phần anh kiếm việc làm thêm để đảm bảo kinh tế gia đình.
Kể từ đó, chị dành trọn thời gian chăm sóc gia đình với muôn vàn những việc không tên. Chị ngại tiếp xúc bên ngoài và cũng hạn chế chi tiêu để anh nhẹ gánh.
Đến khi con gái đầu lòng cứng cáp, chị liền gửi bé đến nhà trẻ và hăm hở "tái xuất" để phát triển sự nghiệp thì anh nài nỉ chị sinh thêm đứa nữa để "chị em chúng nó nương tựa nhau giữa cuộc đời". Chị nghe cũng phải, vậy là sinh thêm!
Trái ngược với chị, anh đi làm liên tục nên giờ đã là quản lý. Không vướng bận việc nhà, anh thoải mái giao du bạn bè, đi sớm về khuya, cuối tuần cũng vắng nhà. Mỗi tháng anh đưa 10 triệu đồng để chị lo hết trong ngoài. Đôi lần chị hỏi nhưng anh ậm ừ cho qua về các khoản thu nhập.
Anh gửi khoản tiền lớn xây nhà cho cha mẹ chồng nhưng chẳng nói với chị tiếng nào. Chị muốn vợ chồng cùng nhau sắp xếp lại cuộc sống, nhưng anh nói vậy ổn rồi. "Dạo gần đây anh ấy có những biểu hiện đáng ngờ với một phụ nữ lạ", chị đoan chắc.
Sau cú xô xát dẫn đến bị gãy tay, chị bạn tôi quyết định ly dị. Chóng vánh, chị trở thành bà mẹ đơn thân ở độ tuổi ngoài 40, luôn giữ thái độ dè dặt trước cuộc sống.