Nuôi loài "chim hiền lành", anh nông dân bỏ túi ngay 200 triệu đồng

Chia sẻ Facebook
16/01/2024 07:31:01

Nhờ dám nghĩ, dám làm anh nông dân ở Hải Dương đã vợt qua khó khăn, khởi nghiệp thành công mô hình nuôi chim bồ câu, doanh thu đều đặn 200 triệu đồng.

Với mô hình nuôi chim bồ câu hiệu quả, gia đình anh Vũ Đức Đức ở Hải Dương có thu nhập cao. Tiết lộ về cơ duyên khởi nghiệp với chim bồ câu, anh nông dân này cho hay, năm 2016, trong lần đi tham quan một số mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi ở tỉnh Bắc Giang do Hội Nông dân xã Chi Lăng Nam tổ chức, anh Đức nhận thấy nuôi chim bồ câu không khó, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, gia đình anh đã dồn hết vốn liếng của gia đình đặt mua 200 đôi chim bồ câu, dựng chuồng trại với tổng kinh phí gần 100 triệu đồng.

Từ sự cần cù ham học hỏi cùng với nắm vững kỹ thuật nuôi chim bồ câu, mô hình của anh Đức ngày càng phát triển. Từ những cặp chim bố mẹ ban đầu, đến nay, anh đã xây dựng được 300 chuồng nuôi với tổng đàn khoảng 600 con chim bồ câu.

Theo anh Đức chọn giống bồ câu ta dù trọng lượng nhẹ nhưng sinh sản rất tốt. Từ đàn chim bồ câu bố mẹ ban đầu, ông tự tìm hiểu và nhân đàn để nuôi, tiết kiệm chi phí và công sức. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, gia đình xuất bán hơn 300 con chim bồ câu cho các thương lái với giá ổn định từ 170.000 - 200.000 đồng/cặp.

Ngoài bán chim bồ câu thương phẩm, anh Đức còn bán bồ câu giống cho người dân trong xã và các địa phương lân cận. Anh cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi và chăm sóc chim bồ câu cho những người có nhu cầu.

Từ vài cặp chim bồ câu bố mẹ ban đầu, đến nay anh nông dân này đã xây dựng được nhiều chuồng nuôi chim bồ câu và cho doanh thu ổn định. Ảnh: Báo Hải Dương.

Việc phòng bệnh cho đàn bồ câu cũng được anh Đức đặc biệt quan tâm. Theo chủ trang trại, chim bồ câu thường gặp các bệnh như nấm diều, thương hàn, rụng lông, cầu trùng... nếu không kịp thời phát hiện dễ hỏng cả đàn. Do đó, anh đã tự cải tiến chế độ ăn và chăm sóc nhằm tăng cường sức đề kháng cho đàn chim bồ câu.

Thông thường để loài "chim hiền lành" này phát triển tốt, định kỳ hằng tháng, chủ trang trại bổ sung các loại vitamin, khoáng chất và thuốc phòng bệnh cho bồ câu. Đặc biệt, dưới nền và xung quanh chuồng nuôi, anh rắc vôi bột vừa để phòng bệnh vừa giúp chuồng nuôi luôn khô thoáng, sạch sẽ. Bên cạnh đó, còn lắp đặt hệ thống thông gió, máng nước tự động giúp vật nuôi tránh nóng vào mùa hè.

Do chim bồ câu giàu chất dinh dưỡng và có thể chế biến thành nhiều món ăn nên được thị trường ưa chuộng. Trang trại nuôi chim bồ câu của anh Đức luôn trong tình trạng cháy hàng.

"Trung bình cứ 45 ngày, chim bồ câu sẽ sinh sản một lần (từ 1-2 trứng) và mất khoảng 20 ngày nuôi thì chim non có thể xuất bán. Để tạo thương hiệu, tôi sử dụng thóc và ngô là thức ăn chính nên thịt bồ câu dai và thơm hơn. Mỗi năm, tôi cung cấp cho thị trường khoảng 3.500 con chim bồ câu, thu lãi từ 180-200 triệu đồng/năm", chủ trang trạichia sẻ.


Theo báo Hải Dương, hiện, trên địa bàn xã Chi Lăng Nam, Thanh Miện, Hải Dương có khoảng 10 hộ nuôi chim bồ câu quy mô lớn với tổng đàn trên 6.000 con, trong đó tập trung chủ yếu ở thôn Triều Dương. Mặc dù mô hình nuôi bồ câu thương phẩm không mới nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nuôi.

"Gia đình anh Vũ Đức Đức là một trong những hộ đầu tiên của xã xây dựng thành công mô hình nuôi chim bồ câu thương phẩm từ sau chuyến đi thực tế tại Bắc Giang. Nhờ hiệu quả kinh tế cao, hội đã giới thiệu và nhân rộng mô hình này trên địa bàn xã", đại diện Hội Nông dân xã Chi Lăng Nam chia sẻ.

Chim bồ câu hiện nay rất được dân sành ăn ưa chuộng. Vì thế, nhiều hộ dân làm giàu từ việc nuôi chim bồ câu lấy thịt cung ứng cho các nhà hàng, quán ăn...

Quy trình kỹ thuật nuôi chim bồ câu, không phải ai cũng biết

Nuôi chim bồ câu đúng cách cho thu nhập cao.


Biết cách chọn con giống khỏe mạnh

Ở Việt Nam chim bồ câu được nuôi ở nhiều vùng miền. Đây là vật nuôi có giá trị dinh dưỡng khá cao, rất bổ dưỡng cho người già, người mới ốm dậy, trẻ em suy dinh dưỡng. Loài chim này khá dễ nuôi, dễ tính và ít khi bị bệnh. Tuy nhiên, để nuôi chim bồ câu một cách hiệu quả, bà con cần lưu ý đến những quy trình kỹ thuật sau đây.


Thông tin trên báo Dân tộc và Phát triển, khi nuôi chim bồ câu bà con cần chọn những con giống khỏe mạnh, lông mượt, không có bệnh tật, dị tật, lanh lợi. Chim đạt từ 4 - 5 tháng tuổi.

Đầu tiên bà con có thể phân biệt trống mái dựa trên ngoại hình: Ở con trống: đầu thô, có phản xạ gù mái lúc thành thục, khoảng cách giữa 2 xương chậu hẹp.

Con mái: nhỏ hơn, đầu nhỏ và thanh, khoảng cách giữa 2 xương chậu rộng.

Một cặp bồ câu sinh sản có thể dùng sản xuất trong 5 năm. Tuy nhiên, sau 3 năm, khả năng sinh sản có chiều hướng giảm, cần phải thay thế.

Bà con cần cho chim ăn đầy đủ, nhất là cám tổng hợp. Có thể cho ăn bắp, đậu xanh hột, lúa trộn với một ít thức ăn công nghiệp của gà, vịt (thịt, đẻ).


Cách phòng bệnh cho chim bồ câu

- Cần chú ý cho chim ăn sạch, uống sạch. Giữ gìn vệ sinh chuồng trại và môi trường sống của chim, cần làm vệ sinh và tiêu độc theo định kỳ.

- Khi có dịch xảy ra: Phát hiện sớm chim bệnh để cách ly điều trị hoặc xử lý, tránh lây nhiễm cho đàn chim. Tổ chức tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn chim trưởng thành khi có vacxin phòng bệnh giả lao.

- Đặc biệt trong giai đoạn 3 - 10 ngày tuổi nhỏ vắc-xin Lasota hoặc ND.IB, 2 tuần sau nhỏ nhắc lại lần 2. Sau đó cứ 1 - 2 tháng cho uống một liều vắc-xin ND.IB (hoặc Lasota) để phòng bệnh Niu-cát-xơn và bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (liều lượng theo hướng dẫn).

- Lưu ý đối với bồ câu ngoài 1 tháng tuổi, tốt nhất nên tiêm vắc-xin nhũ dầu với liều 0,3 ml/con để phòng bệnh Niu-cát-xơn. Đối với bồ câu sinh sản, một năm tiêm nhắc lại một lần vắc-xin nhũ dầu.

- Qua 10 ngày tuổi tiêm chủng đậu cho bồ câu. Cách dùng và liều dùng như chủng cho gà.

- Định kỳ 2 - 3 tuần, đặc biệt khi thời tiết thay đổi, cho uống một đợt 3 ngày, dùng một trong các loại kháng sinh sau: Pharamox G, Pharmequin, Ampicol, Pharamox (1g/1lít nước uống); Enroflox 5% (2g/1lít nước uống); Pharmequin-max (1g/2 lít nước uống); Pharcolivet, Ampi-coli pharm (10g/2,5 lít nước uống)… để phòng bệnh tiêu chảy, hô hấp do vi khuẩn.

- Một năm 2 lần tẩy giun sán bằng cách cho uống Decto-pharm (1g/1,5kg thể trọng để tẩy giun, sán dây), Pharcado (2g/4kg thể trọng để tẩy giun, sán dây) hoặc Pharcaris (10g/25 - 30kg thể trọng để tẩy giun tròn).


Trúc Chi (t/h)

Chia sẻ Facebook