Nuôi heo lấy lãi: Người thu nghìn tỷ, kẻ chạm đáy lợi nhuận

Chia sẻ Facebook
16/02/2023 09:34:59

Doanh nghiệp chăn nuôi heo trải qua năm 2022 đầy biến động. Trong khi HAGL trở lại đường đua nghìn tỷ thì một số doanh nghiệp cùng ngành lại chạm đáy lợi nhuận.


Năm 2022, ngành chăn nuôi phải đối mặt với không ít khó khăn khi nguồn thức ăn và con giống phụ thuộc vào nhập khẩu. Đi cùng với đó là những hạn chế trong hoạt động giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi cũng như việc kiểm soát dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm.


Chính vì những tác động trên, hoạt động sản xuất của các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định thị trường. Kết quả, năm 2022, tăng trưởng sản xuất của ngành chăn nuôi khoảng 5-6%, sản lượng thịt các loại ước đạt 6,98 triệu tấn. Trong đó sản lượng thịt heo đạt là 4,3 triệu tấn.

Ngược dòng thị trường


Nổi lên trong năm 2022 là hành trình ngược dòng đầy ngoạn mục của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL; HoSE: HAG) với “đứa con” heo ăn chuối. Điều này thể hiện cụ thể qua báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với những con số tăng trưởng tích cực. Theo đó, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt 1.609 tỷ đồng, tăng 119% so với cùng kỳ.


Trong quý, bất chấp giá vốn hàng bán leo thang, tăng hơn 133% nhưng lợi nhuận gộp của HAGL vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực 418 tỷ đồng, tăng 88% so với quý IV năm ngoái. Sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp của bầu Đức báo lãi 288 tỷ đồng, tăng 196% so với cùng kỳ.


Luỹ kế năm 2022, doanh thu của HAGL đạt 5.081 tỷ đồng, tăng 142%. Sau thuế, HAGL mang về khoản lãi gần 1.181 tỷ đồng, gấp 9 lần năm 2021.


Kết quả tích cực trên đã giúp công ty vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra năm 2022, đúng theo những gì có được thông báo trong tâm thư gửi cô đông của bầu Đức các tháng trước đó. Bên cạnh đó, kể từ năm 2011, đây là lần đầu tiên HAGL chạm đỉnh lợi nhuận trên nghìn tỷ đồng.


Mới đây, bầu Đức đã có tâm thư chia sẻ tình hình kinh doanh trong tháng đầu tiên của năm 2023 đến các cổ đông. Theo đó, mặc dù giá thịt heo duy trì ở mức thấp nhưng nhờ giá chuối và sản lượng chuối tăng cao, HAGL vẫn ghi nhận tín hiệu khả quan.


Cụ thể, doanh thu thuần của công ty đạt 509 tỷ đồng, bao gồm 206 tỷ đồng từ ngành chăn nuôi, 197 tỷ đồng ngành cây ăn trái và 106 tỷ đồng ngành phụ trợ. Sau khi khấu trừ chi phí, HAGL báo lãi 98,7 tỷ lợi nhuận sau thuế tháng đầu năm 2023.

Nỗi buồn của loạt ông lớn


Cạnh tranh với heo ăn chuối của bầu Đức là heo ăn chay của ông Trương Sỹ Bá thuộc Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (HoSE: BAF) . Tuy nhiên, năm 2022 lại là năm khá buồn của doanh nghiệp này khi ghi nhận những con số kém khả quan so với đối thủ cùng ngành.


Theo báo cáo tài chính quý IV/2022, Tập đoàn BAF đón nghịch lý với doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm. Theo đó, công ty ghi nhận doanh thu trong quý IV đạt 2.158 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ.


Đáng chú ý, các khoản lợi nhuận khác ghi nhận sự tăng trưởng đột biến từ 542 triệu đồng trong quý IV/2021 lên 18 tỷ đồng tại quý IV/2022. Đây cũng chính là khoản “cứu” lỗ cho BAF trong quý này. Sau khi trừ các chi phí, BAF báo lãi vỏn vẹn 6 tỷ đồng, sụt giảm mạnh hơn 91% so với cùng kỳ.

Luỹ kế trong năm 2022, BAF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 7.047 tỷ đồng, giảm 32,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 293 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ.

Năm 2022, BAF lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần đạt 5.950 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 402 tỷ đồng, lần lượt giảm 43% và tăng 25% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, kết thúc năm 2022 ông chủ heo ăn chay không thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm.


Chịu tác động chung từ thị trường, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco (HoSE: DBC) ghi nhận tình hình kinh doanh đi lùi, báo lỗ trong quý IV/2022. Theo đó, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 2.930 tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ.


Trong quý, do giá vốn hàng bán tăng cao khiến lợi nhuận gộp của Dabaco giảm mạnh chỉ còn 150 tỷ đồng, tương đương giảm gần 60%. Bên cạnh đó, các khoản chi phí trong quý IV cũng được công ty tiết giảm mạnh. Cụ thể, chi phí tài chính giảm 3,1%, đạt 49 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp ở mức 160,7 tỷ đồng, giảm 16,8% so với quý IV/2021.


Mặc dù vậy nhưng sau khi khấu trừ các chi phí, Dabaco vẫn báo lỗ 79 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lãi 111 tỷ đồng.


Luỹ kế năm 2022, doanh thu của Dabaco đạt 12.269 tỷ đồng, tăng 13,5%. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 150 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên lợi nhuận của Dabaco chạm đáy kể từ năm 2009.


Năm 2022, Dabaco đặt kế hoạch tổng doanh thu 22.558 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 918 tỷ đồng. Như vậy kết quả trên chỉ giúp Dabaco thực hiện vỏn vẹn 16,4% kế hoạch lợi nhuận cả năm.


Giữ vai trò của một ông lớn trong thị trường phân phối thịt mát, Masan cũng chịu ảnh hưởng bởi vòng xoáy thị trường. Điều này thể hiện rõ qua tình hình kinh doanh của công ty trong năm 2022. Theo thông tin tại báo cáo tài chính mới công bố, Masan MEATLife (MML) thuộc Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) ghi nhận doanh thu đạt 4.784 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 74% so với cùng kỳ năm trước.


Nguyên nhân có sự sụt giảm là vì từ cuối năm 2021, Tập đoàn đã không còn mảng thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên kể từ quý I/2022 đến hết quý IV/2022, tỉ trọng doanh thu của MEATLife tăng từ mức 4% lên 7% trong quý IV/2022.


Chính vì vậy, sau khi trừ các chi phí, công ty báo lỗ hơn 233 tỷ đồng, trong khi năm 2021 báo lãi 1.253 tỷ đồng.


Tính từ năm 2021 đến nay, tỉ trọng doanh thu thuần của Masan MEATLife trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn Masan có xu hướng giảm, từ mức 19% ở quý I/2021 đến quý IV/2022 còn 7%.

Ngành chăn nuôi tiếp tục gặp khó?


Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, năm 2023 nhu cầu tiêu thụ thịt sẽ không giảm khi thu nhập thực tế tăng nhờ kế hoạch tăng lương cơ bản của Chính phủ và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ phục hồi 84% trong quý II/2023 và 100% trong quý IV/2023, kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của dịch vụ giải trí, lưu trú và ăn uống.


Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn gặp một số khó khăn như căng thẳng kéo dài giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng đến hoạt động vận tải trên Biển Đen có thể gây áp lực tăng giá ngũ cốc toàn cầu.


Bên cạnh đó, do khoảng 80% nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu nên tỉ giá USD/VND tăng sẽ kéo theo giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng. Ngoài ra, dịch tả heo châu Phi có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thịt heo vào năm 2023. Trong bối cảnh vắc-xin chưa cho kết quả tích cực cụ thể, dịch tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ làm giảm nguồn cung lợn.


Báo cáo triển vọng thị trường năm 2023 của SSI Research cũng chỉ ra, lạm phát lương thực và thực phẩm có thể là yếu tố rủi ro trong năm 2023, khi các biện pháp hỗ trợ Covid không còn nữa (như VAT trở lại 10% cho năm 2023) hay giá thịt heo trong nước có thể sẽ bật tăng do việc mở cửa của Trung Quốc khiến cầu tăng.


Dẫn dữ liệu của OECD, SSI Research chỉ ra mức tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người đã giảm so với mức trước đại dịch, từ 31,4kg/người/năm trong năm 2018 xuống 26,8kg/người/năm trong năm 2022. Do đó, các chuyên gia dự báo giá heo hơi sẽ tăng không đáng kể, đạt khoảng 60.000 VND/kg vào năm 2023 (tăng 10% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, SSI Research cho rằng chi phí chăn nuôi sẽ giảm trong năm 2023, trong khi giá heo hơi cải thiện dần.


Kết hợp các yếu tố trên, các công ty chăn nuôi sẽ bắt đầu phục hồi trong năm 2023. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là yếu tố cần theo dõi, vì thương mại biên giới sẽ hỗ trợ giá heo hơi trong năm 2023. Việc xuất khẩu heo hơi chính thức sang Trung Quốc cũng sẽ mang lại những tác động tích cực.


Tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra do còn nhiều quy định liên quan đến nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm. Các trang trại thương mại với "mô hình 3F" được tích hợp đầy đủ sẽ là đối tượng hưởng lợi chính nếu hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc được chấp thuận .

Chia sẻ Facebook