Nuôi con vật “hiếm có, khó tìm”, anh nông dân đút túi nửa tỷ mỗi năm
Chàng trai 9X đã thay đổi cuộc sống nhờ nuôi con đặc sản "hiếm có khó tìm" với thu nhập trung bình mỗi năm khoảng nửa tỷ đồng.
Do môi trường sống có nhiều thay đổi, con cà cuống hoang dã cũng dần biến mất trong tự nhiên. Bởi "hiếm có khó tìm", nên đặc sản cà cuống bây giờ không phải ai cũng có cơ hội ăn thử. Nắm bắt được điều đó, anh Hoàng Anh (sinh năm 1990 ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) đã quyết định rủ thêm anh Trần Tuấn Anh (sinh năm 1987) cùng thực hiện ý tưởng nuôi cà cuống.
Lúc đầu gia đình ngăn cản không cho nuôi nhưng Hoàng Anh vẫn quyết tâm làm bằng được và đã thành công. Nguồn lợi từ việc nuôi cà cuống khá cao. Vào năm 2022 đã có giá bán 50.000 đồng/con đực sống, mỗi tháng anh Hoàng Anh thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Sau khi trừ hết các chi phí, ước tính, mỗi năm anh Hoàng Anh thu nhập trung bình khoảng nửa tỷ đồng.
Anh Hoàng Anh cho biết, cà cuống là loài sinh sản nhanh với số lượng lớn và đẻ quanh năm. Mỗi lứa chỉ cách nhau từ 1 - 1,5 tháng. Mỗi ổ cà cuống có khoảng 100 trứng, sau từ 5 - 7 ngày trứng nở thành ấu trùng. Từ khi nở đến lúc xuất bán thương phẩm khoảng 45 ngày, còn nuôi để sinh sản thì khoảng 75 ngày.
Cà cuống cái sau khi đẻ xong sẽ bám vào cây thủy sinh hoặc bay tà tà trên mặt nước. Con đực thì sẽ đến quạt khí cho trứng nở. Những con cái khác sẽ tìm đến để ghép đôi cùng với con đực và đẻ trứng, chúng sẽ tìm cách phá hủy trứng của con khác và thay thế bằng trứng của mình. Vì vậy, để trứng cà cuống không bị phá hủy thì cần tách những con cái chưa đẻ ra một bể khác.
Một số nông dân từng thử nuôi cà cuống cho biết, nuôi cà cuống không khó, nhưng nhân đàn cà cuống thì không hề dễ. Nhiều người đã bỏ mộng nuôi cà cuống ở giai đoạn này hoặc mua sẵn con giống về nuôi chứ không chờ nhân đàn.
"Nuôi cà cuống không khó, nhưng nhân đàn cà cuống thì không hề dễ vì cà cuống là loài rất nhạy cảm với môi trường, nhất là thuốc trừ sâu, để nuôi được cà cuống cần chọn nơi thoáng mát, nguồn nước không bị ô nhiễm. Chính vì vậy, người nuôi cần theo dõi liên tục quá trình sinh trưởng, sinh sản của cà cuống để điều chỉnh cách chăm sóc phù hợp mới mong đạt được kết quả tốt nhất. Tôi sử dụng nước giếng khoan để nuôi cà cuống, hệ thống nước chảy tuần hoàn nên đảm bảo lúc nào nước trong bể cũng sạch, tạo điều kiện cho cà cuống sinh trưởng và phát triển tốt", anh Hoàng Anh chia sẻ với Người Lao Động.
Môi trường nuôi cà cuống phải sử dụng nguồn nước sạch, không có hóa chất. Bên cạnh đó, cà cuống là loài ăn thịt. Thức ăn của chúng là các loại thực phẩm tươi sống như cá, ếch con, nhái con, nên khi thức ăn tiêu thụ không hết rất dễ bị ô nhiễm nguồn nước. Anh Hoàng Anh cho biết, để đảm bảo nguồn nước nuôi đủ sạch, người nuôi phải thay nước thường xuyên. Ngoài ra, quá trình sinh trưởng từ khi trứng nở đến trưởng thành thì cà cuống phải trải qua 5 lần lột xác, mỗi lần như vậy người nuôi phải theo dõi để vớt phôi xác nên mất rất nhiều thời gian.
Theo tìm hiểu, để nhận dạng cà cuống cái hay đực là khi trưởng thành, con cái sẽ to gần gấp đôi con đực. Tuy nhiên, cà cuống cái lại không có bọc tinh dầu, trong khi con đực lại có hẳn 2 bọc tinh dầu chứa ở 2 bên hông đôi chân thứ 3, tính từ đầu xuống
Hiện nay người tiêu dùng chủ yếu biết đến các sản phẩm được chế biến từ thịt cà cuống như chiên, hấp… do thịt và trứng cà cuống chứa nhiều protein, lipid và các vitamin. Tuy nhiên, giá trị nhất chính là phần túi tinh dầu của cà cuống.
Ngoài bán cà cuống giống, thịt, nhận thấy nước mắm cà cuống là một trong những sản phẩm còn lưu giữ được tinh dầu của cà cuống, mùi vị thơm ngon, lạ được thị trường chấp nhận, anh Hoàng Anh cũng đã sản xuất, chế biến nước mắm để đa dạng hóa các sản phẩm từ cà cuống, tăng giá trị và có thêm đầu ra ổn định hơn.
Cũng có thu nhập khá nhờ nuôi con cà cuống, anh Nguyễn Hữu Đức (xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) thì cho biết hiện anh đã xây dựng 45 hồ nuôi cà cuống. Mỗi hồ rộng 4m2. Nhưng anh mới chỉ sử dụng 15 hồ nuôi với khoảng 1.600 con cà cuống. Trong đó, có 600 con bố mẹ và gần 1.000 con cà cuống thương phẩm.
Về mật độ nuôi cà cuống thương phẩm, anh thả nuôi 200 – 250 con cà cuống thương phẩm trong hồ 4m2. Mật độ nuôi cà cuống giống là 40 con/m2. "Nếu nuôi cá cuống mật độ dày hơn chúng sẽ cắn nhau gây hao hụt đầu con", anh Đức chia sẻ với Dân Việt.
Về mực nước trong hồ nuôi cà cuống mới nở là 7 - 10cm. Với cà cuống trưởng thành, mực nước trong hồ 15 – 17cm nhằm tạo thuận lợi cho cà cuống săn mồi. Trong hồ để thêm giá thể để cá cuống làm nơi trú ngụ.
Anh Đức chia sẻ thêm, món khoái khẩu nhất của cà cuống là nòng nọc. Bởi vậy, trong trại nuôi cà cuống, anh Đức có cả khu nuôi ếch lấy nòng nọc làm thức ăn cho chúng. Theo anh Đức, bằng cách này anh đã tiết kiệm được 30% chi phí thức ăn cho cà cuống.
Năm 2020 anh Đức nuôi cà cuống thì năm sau anh đã có cà cuống thương phẩm bán ra thị trường. Hiện, thị trường cà cuống của anh trải dài từ Bắc vào Nam. Khách hàng chủ yếu là nhà hàng, quán ăn.
Mỗi tháng anh Đức cung cấp ra thị trường 1.000 – 2.000 con cà cuống thương phẩm. Khoảng 100 con cà cuống được 1kg. Giá cà cuống thương phẩm 30.000 – 35.000 đồng/con. Giá cà cuống giống 100.000 đồng/con. Doanh thu khoảng 30 triệu đồng/tháng.
Giống như anh Hoàng Anh, ngoài bán cà cuống tươi, cà cuống giống, anh Đức cũng đa dạng hóa các sản phẩm từ cà cuống khi chế biến thành công rượu cà cuống và nước mắm cà cuống.
Để tăng số lượng cà cuống bán ra thị trường, anh Đức bộc bạch, sẽ nuôi hết số lượng hồ đang hiện có. Lúc ấy, sản lượng cà cuống bán ra thị trường sẽ tăng gấp 3 lần như hiện nay.
Hiện, mô hình nuôi cà cuống của anh Đức đang được các ngành liên quan và hội nông dân địa phương đánh giá cao. Bởi mô hình nuôi cà cuống đã cho hiệu quả kinh tế tốt và tính khả thi nhân rộng cao.
Hội Nông dân xã Đôn Thuận cho biết sẽ nhân rộng mô hình nuôi cà cuống của anh Đức cho nông dân trên địa bàn.
Minh Hoa (t/h)