Nước thành viên EU muốn chấm dứt một chính sách hỗ trợ người Ukraine
Cuộc khủng hoảng nhà ở buộc chính phủ quốc gia châu Âu này phải xem xét lại chính sách hỗ trợ nhà ở miễn phí cho người tị nạn Ukraine.
Thủ tướng Ireland – ông Leo Varadkar (ảnh: CNN)
RT hôm 6/11 đưa tin, Thủ tướng Ireland – ông Leo Varadkar – tuyên bố, Ireland muốn người tị nạn Ukraine phải trả tiền ở thuê nhà ở tại quốc gia này.
Theo ông Varadkar, Ireland (quốc gia ở khu vực Tây Âu) trước đây vốn rất hào phóng về vấn đề nhà ở cho người Ukraine, nhưng chính sách này không thể tiếp tục duy trì do cuộc khủng hoảng thiếu nhà ở.
“Con số này là rất lớn. Chúng tôi gặp áp lực rất lớn về nhà ở”, ông Varadkar phát biểu trước báo giới, đề cập tới số người tị nạn từ Ukraine tới Ireland.
Theo RT, bằng việc buộc người tị nạn từ Ukraine phải thuê chỗ ở, chính quyền của ông Varadkar hy vọng sẽ giảm được dòng người di cư và “có thêm thời gian” để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở.
Theo ông Varadkar, các nước thành viên EU khác cũng không cung cấp chỗ ở miễn phí cho người Ukraine. Vì vậy, ông muốn đưa ra chính sách mới phù hợp với các nước Tây Âu và với điều kiện của Ireland.
Tuy nhiên, ông Varadkar nhấn mạnh rằng, “người Ukraine luôn được chào đón” ở Ireland.
Ngoài việc chấm dứt cung cấp nơi ở miễn phí, chính phủ Ireland còn có kế hoạch thay đổi phúc lợi xã hội để thúc đẩy người tị nạn Ukraine tìm kiếm việc làm ở Ireland, theo RT.
Có khoảng 93.800 người tị nạn Ukraine đang cư trú ở Ireland – quốc gia có dân số hơn 5 triệu người.
“Nếu xét theo bình quân đầu người, thì không quốc gia nào ở Tây Âu tiếp nhận nhiều người tị nạn Ukraine như chúng tôi”, ông Varadkar phát biểu hồi tháng 8.
Hôm 4/11, tờ Der Spiegel của Đức đưa tin, nỗ lực của Đức nhằm đưa người tị nạn Ukraine tham gia thị trường lao động nước này dường như đã thất bại.
Bà Andrea Nahles – lãnh đạo Cơ quan Lao động Đức – cho biết, tỷ lệ người tị nạn Ukraine có việc làm ở Đức chỉ ở mức 19%. Trong khi đó, tính đến cuối tháng 9, số người tị nạn Ukraine ở Đức đã vượt quá 1 triệu.
Mỗi tháng, một người tị nạn Ukraine được chính phủ Đức hỗ trợ 502 euro (khoảng 13 triệu VNĐ).
Vương Nam – RT