Nước sâm ở đâu 'có duyên' nhất đất Sài Gòn?

Chia sẻ Facebook
09/06/2022 10:00:08

Những ngày chợt mưa chợt nắng, bỗng thèm một ly sâm ướp đá. Ở Sài Gòn, ai đã từng thưởng thức nước sâm Hữu Duyên trong lòng Chợ Lớn, hẳn sẽ khó mà quên hương vị đặc biệt này.

Ly nước mát cả mùa hè

Chưa bao giờ, người Sài Gòn có nhiều thức uống giải nhiệt như bây giờ. Từ hàng quán bình dân, tiệm trà trên mạng, đến các thương hiệu lớn nhỏ... đều tranh thủ ngày hè mà giới thiệu thức uống giải khát giải nhiệt.

Bẵng đi ngần ấy năm, chúng ta chắc cũng quen với các loại trà trái cây, đồ uống detox, các loại thức uống có công dụng về làm đẹp, dưỡng nhan, làm mát cơ thể... với nguyên liệu cầu kỳ, đắt tiền, thậm chí có mùi vị hơi khó thưởng thức với số đông.

Tiệm sâm Hữu Duyên


Đấy là chưa kể một món uống truyền thống xưa giờ của giới lao động phổ thông, là nước mía, nước dừa... vẫn được bày bán hằng ngày tại mọi nẻo đường dọc chiều dài đất nước. Nhưng nước sâm vẫn tách biệt hoàn toàn, thậm chí một mình một cõi.

Vì công đoạn nấu nước sâm đòi hỏi sự siêng năng, chọn lọc nguyên liệu tinh tuyền, thành ra không có tiệm thức uống máy lạnh sang trọng nào chọn nước sâm vì dường như thức uống này vốn để dành cho những con người thật sự yêu nó.

Nước sâm được nấu chín từ các loại cỏ cây lành tính, thường dùng trong chế biến ẩm thực như la hán quả, bí đao, mía lau, nhãn nhục, rong biển... đều được công nhận là không độc hại, giúp cơ thể kháng viêm, giải nhiệt...

Vì giá thành rẻ, cách làm không khó, lại phù hợp với công việc nội trợ... nên dần dần các hàng quán bán nước sâm gói gọn lại chỉ là những thùng đá giữ nhiệt màu xanh màu đỏ cùng các bảng chữ in bằng máy photocopy, không còn nhiều các cửa hiệu trưng bày nước sâm bài bản.

Thế nên, mỗi lần tạt ngang Q.5, tôi muốn nán lại một chút ở nước sâm Hữu Duyên (có hai chi nhánh ở Ngô Quyền và Nguyễn Trãi), như một cách bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho tiệm nước sâm lâu đời ở Sài Gòn - Chợ Lớn.

Tiệm nước sâm Hữu Duyên nằm đầu con hẻm nhỏ, ngoài mặt tiền nô nức sự giao chuyển thời đại giữa một bên là chợ truyền thống, chùa… một bên là con đường cái nối các quận.

Lặng lẽ tồn tại nhiều năm, nơi đây lưu giữ chắc có lẽ, vô vàn ký ức của những thế hệ 8X hoặc lâu hơn. Tiệm nước treo các bảng hiệu chữ Hoa viết tay, dán decal... trông vừa cổ điển, vừa gợi nhớ nhiều ký ức về những thước phim xưa.

Hương vị ở đây phải gọi là đúng mùi vị sâm hồi bé tôi vẫn uống, vị ngọt thanh ban đầu, kèm một chút đắng ở cổ họng nhưng vị cuối vẫn đọng lại chút ngòn ngọt ở môi.

Nước sâm vốn có tên gọi là lương thanh trà, chỉ loại thức uống mát theo phong tục người Hoa. Sau này, khi nước sâm du nhập vào Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ, thì biến hóa muôn hình vạn trạng.

Đấy là lý do vì sao, vị nước sâm thuần khiết gần như "mất tích", thay vào đó là các loại sâm bông cúc, sâm bí đao, sâm đông y... để chiều lòng thực khách gần xa. Mới đầu, nước sâm nấu chín, uống nóng như một loại trà, công dụng làm mát sẽ hiệu quả hơn.

Thế nhưng thời tiết Sài Gòn được vài bữa mưa rào thì hầu như nắng nóng, người ta vẫn ưa dùng nước sâm ướp lạnh hoặc cho đá vào (dù sẽ làm loãng vị) dùng như một thức uống giải khát thuần túy.

Nước sâm Hữu Duyên thường mở cửa từ sáng sớm, tới tận 10 giờ tối mới đóng cửa. Mỗi ly sâm hay mía lau chỉ có giá 8.000 đồng không thay đổi từ trước dịch đến tận bây giờ.

Vẫn là ly thủy tinh cỡ nhỏ vừa, mát lành vị thanh ngọt, uống một hơi chưa đã thèm. Nếu có ghé Chợ Lớn, hãy thử vài ly sâm ly mía cho mát lòng mát dạ nhé.

Trong khi mô hình nhượng quyền và chuỗi coffeeshop liên tục "mọc lên như nấm", đâu đó ở Sài Gòn vẫn còn những không gian chỉ sáng tinh sương mới cảm nhận được: mùi cà phê, mùi của bình minh, và tiếng ôn tồn của... người già.

Chia sẻ Facebook