Nước Pháp lại “nóng” với biểu tình phản đối cải cách hưu trí
Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát đã xảy ra ở Paris và các thành phố khác trên khắp nước Pháp, nhưng số lượng người tham gia nói chung đã giảm dần.
Những người biểu tình ở Paris hôm 6/4 đã phóng hỏa một nhà hàng yêu thích của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron , trong bối cảnh hàng trăm nghìn người xuống đường trong ngày thứ 11 tổng đình công và biểu tình toàn quốc phản đối kế hoạch cải cách hưu trí không được lòng dân của chính phủ.
Bạo lực cũng bùng phát ở các thành phố khác của Pháp, nhưng số lượng người tham gia biểu tình nói chung đã giảm dần. Bộ Nội vụ cho biết, 570.000 người đã biểu tình trên khắp nước Pháp hôm 6/4, trong khi các nghiệp đoàn ước tính con số này vào khoảng 2 triệu người.
Lính cứu hỏa làm nhiệm vụ tại lối vào chi nhánh của Ngân hàng Trung ương Pháp ở Nancy, miền Đông đất nước, ngày 6/4/2023. Ảnh: France24
Tình hình nóng lên ở Paris khi lựu đạn bi được bắn vào khu vực gần nhà hàng La Rotonde ở phía Nam thủ đô Paris, tờ Le Parisien đưa tin. Sau đó, lửa đã bén vào mái hiên của nhà hàng và gây cháy. Nhân viên cứu hỏa đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để kiểm soát tình hình.
Nhà hàng này mang tính biểu tượng cao vì đây là nơi ông Macron đã tổ chức ăn mừng sau khi lọt vào vòng nước rút trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017.
Cũng theo tờ Le Parisien, cảnh sát Paris cho đến nay đã tiến hành kiểm tra hơn 1.330 người trong nỗ lực ngăn chặn các nhóm bạo lực, chẳng hạn như phong trào Black Bloc, trà trộn vào dòng người biểu tình để kích động bạo lực. Tám người đã bị bắt giữ trong quá trình kiểm tra, tờ báo Pháp cho biết.
Theo cơ quan chức năng, trong cuộc biểu tình hôm 6/4, 111 người đã bị bắt giữ, trong khi 154 cảnh sát bị thương.
Làn sóng biểu tình mới nhất diễn ra khi cuộc đàm phán giữa các nghiệp đoàn lao động và chính phủ Pháp lâm vào bế tắc, với việc đại diện các nghiệp đoàn lớn của Pháp gọi cuộc đàm phán hôm 5/4 với Thủ tướng Elisabeth Borne là một “sự thất bại”.
Tổng thống Macron đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc cho đến ngày 8/4. Điện Elysee (Văn phòng Tổng thống Pháp) từ chối nhận trách nhiệm về việc đàm phán thất bại, và đổ lỗi cho các nghiệp đoàn, đặc biệt là nghiệp đoàn CFDT ôn hòa, về việc “không muốn thỏa hiệp” với chính phủ.
Lãnh đạo các nghiệp đoàn và những người biểu tình cho biết, cách duy nhất để nước Pháp thoát khỏi cuộc khủng hoảng này là hủy bỏ luật, một lựa chọn mà chính phủ Pháp đã nhiều lần bác bỏ.
“Không có giải pháp nào khác ngoài việc rút lại cải cách”, lãnh đạo mới của nghiệp đoàn CGT theo đường lối cứng rắn, Sophie Binet, cho biết khi bắt đầu cuộc biểu tình hôm 6/4 ở Paris.
Các nghiệp đoàn đã kêu gọi biểu tình ngày thứ 12 vào ngày 13/4 tới, một ngày trước khi Hội đồng Hiến pháp Pháp ra quyết định cuối cùng về luật cải cách hưu trí, bao gồm tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 .
Minh Đức (Theo France24, Reuters)