Nước Mỹ: lạm phát, việc làm và lãi suất

Chia sẻ Facebook
15/08/2022 13:51:10

Thật không dễ gì để đưa ra một cái nhìn nhất quán về kinh tế Mỹ lúc này.

Nước Mỹ: lạm phát, việc làm và lãi suất

Gần 530.000 công việc mới được tạo ra trong tháng 7, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống 3,5%, thấp nhất kể từ năm 1969.

Báo cáo việc làm tốt lại là tin xấu?

Chỉ hai tuần trước, khoảng cuối tháng 7-2022, nếu bạn đọc Bloomberg, Wall Street Journal, hay CNBC, bạn sẽ thấy toàn những bài viết về “nước Mỹ khó tránh suy thoái”, “suy thoái thì đầu tư gì”…, sau khi số liệu công bố cho thấy nước Mỹ có tăng trưởng GDP âm quí thứ hai liên tiếp. Thị trường tài chính lại tăng điểm và có một trong những tuần tăng điểm tốt nhất kể từ năm 2020. Cụ thể, chỉ số S&P 500 tăng 9,1% tính từ đầu tháng 7 đến ngày giao dịch cuối tháng 7, mức tăng tính theo tháng mạnh nhất kể từ tháng 11-2020. Giải thích cho phản ứng này: do nhiều vị thế bán khống đang được đóng lại vì nghĩ rằng với số liệu GDP như vậy, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không “diều hâu” quá đối với việc tăng lãi suất; phần khác do người ta bắt đầu tin chu kỳ tăng lãi suất sắp đạt đỉnh vì kinh tế xấu nhanh hơn dự kiến.

Thế rồi đột nhiên một báo cáo việc làm “không thể tốt hơn” xuất hiện. Với gần 530.000 công việc mới được tạo ra trong tháng 7, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống 3,5%, thấp nhất kể từ năm 1969. Với nhiều nhà kinh tế cũng như từ chính các phát biểu trước đây của Chủ tịch Fed, kinh tế không thể nào đang ở trong một đợt suy thoái với những số liệu việc làm như vậy.

Áp lực lên lãi suất của Mỹ sau hai tháng nữa có thể không đáng sợ như người ta đang nói. Nhưng lúc đó, chưa hẳn tin lãi suất Mỹ tăng chậm lại đã là tin tốt, vì nó có thể đồng nghĩa kinh tế toàn cầu tăng chậm lại. Câu chuyện suy thoái lúc đó có thể lại được nêu lên.

Số liệu việc làm này giúp giải thích một số vấn đề, nhưng đồng thời cũng mang lại nhiều tranh cãi mới. Thứ nhất, nó chấm dứt những tranh luận về chuyện kinh tế Mỹ đã suy thoái hay chưa. Số liệu việc làm này khẳng định “chưa” vì việc làm vẫn tăng, và nó phù hợp với diễn biến số liệu lợi nhuận không tệ như dự đoán của hầu hết doanh nghiệp Mỹ công bố trong mùa công bố kết quả kinh doanh này. Nhiều nhất, người ta thấy được một nền kinh tế giảm tốc nhưng không suy thoái. Kinh tế Mỹ không ở trạng thái “đã” hay “đang” ở trong một đợt suy thoái như một vài tuyên bố mạnh miệng. Còn tương lai có “sẽ” suy thoái hay không thì chưa rõ.

Những số liệu này cũng chấm dứt những đồn đoán hay hoạt động đầu cơ vào việc Mỹ sẽ sớm phải bơm tiền ra lại hay giảm lãi suất trong năm 2023 vì kinh tế khó khăn hơn dự đoán. Thị trường việc làm còn tốt thì Fed vẫn còn dư địa tăng lãi suất như kỳ vọng, thậm chí là hơn kỳ vọng.

Vậy kỳ vọng của Fed trước đây là bao nhiêu? Báo cáo sau cuộc họp lãi suất kỳ trước cho thấy các quan chức Fed dự đoán mục tiêu lãi suất năm nay khoảng 3,4% và năm sau là 3,8%. Những giao dịch của Fed ở New York với các tổ chức tín dụng đang có mức lãi suất bình quân 2,33% vào ngày 28-7, tăng từ mức bình quân 1,58% của nhiều ngày trước. Từ 2,33% lên 3,4% chỉ còn khoảng 1%, tương đương với chỉ hai lần tăng lãi suất 0,5% nữa. Vì vậy, quan điểm được tiết lộ của Chủ tịch Fed rằng chính sách tiền tệ của Fed có thể hướng tới “trung lập” (nghĩa là không quá thắt chặt, hay nới lỏng) được nhắc tới.

Gần 530.000 công việc mới được tạo ra trong tháng 7, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống 3,5%, thấp nhất kể từ năm 1969.

Thế nhưng, con số hơn 500.000 việc làm mới tạo ra đang khiến nhiều người tin rằng quan điểm hướng tới trung lập của Fed là “chuyện buồn cười”. Trả lời câu hỏi “Làm thế quái nào mà chúng ta có thể đạt được vị trí trung lập với số liệu việc làm này?” trên chương trình Bloomberg Markets and Finance, chuyên gia Mohamed El Erian đã dứt khoát nói “Chúng ta không thể!”, hàm ý nói lãnh đạo Fed lại sai một lần nữa. Từ hơn một năm nay, ông El Erian đã đúng khi chỉ ra rằng Fed đã phản ứng quá chậm với lạm phát và do đó đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Lần này Fed sẽ phải “đấm vỡ nền kinh tế” (break the economy) để khống chế lạm phát sau số liệu việc làm vừa rồi, ông El Erian nhận định.

Vấn đề là vì sao Fed phải ám ảnh với chuyện khống chế lạm phát đến mức phải “đấm vỡ nền kinh tế” như vậy? Chúng ta có thể tìm được câu trả lời trong một bài nói chuyện của Ben Bernanke cho NBER, tổ chức sẽ tuyên bố kinh tế Mỹ có đi vào suy thoái hay không.

“Kỳ vọng lạm phát” chính là vấn đề. Nếu để lạm phát kéo dài, mỗi một người dân sẽ có một con số ước tính lạm phát trong đầu mình, và điều quan trọng là nhiều người dân trước nay không mấy khi quan tâm đến lạm phát khi đưa ra quyết định chi tiêu và tiết kiệm của mình thì giờ phải đưa một con số lạm phát do mình dự đoán vào các quyết định đó. Nếu lạm phát không thể khống chế, những người dân đó có thể phản ứng quá mức bằng cách dự đoán những con số lạm phát rất cao, và do đó hành xử tương ứng. Họ có thể đẩy mặt bằng giá cả hàng thiết yếu lên cao trong một thời gian dài trong khi cắt giảm các khoản chi tiêu không thiết yếu. Kết quả của điều này có thể là tình trạng đình lạm đáng lo ngại.

Fed không muốn điều này, quyết không để lạm phát cao trở thành một cái mỏ neo cố định kỳ vọng lạm phát của người dân, nhất là những thành phần trước nay ít chú ý đến kinh tế vĩ mô. Vì vậy, họ phải hạ nhiệt nó. Báo cáo việc làm vừa rồi có thể là tin tốt cho một vài chính trị gia, nhưng là thứ mà Fed không muốn nhất. Vì nó chẳng những thể hiện nền kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh, nó còn cho thấy lương tăng 5,2% so với năm ngoái, tiếp tục đi lên từ mức tăng 5,1% của tháng 6. Lương vẫn tăng là tin xấu với nỗ lực chống lạm phát của Fed. Đây là tình thế “tin tốt lại là tin xấu” cho Fed, cũng như cho thị trường tài chính.

Lúc này phe “diều hâu” trong Fed sẽ lại có thể lên tiếng, với lời kêu gọi tăng lãi suất tiếp 0,75% trong tháng 9 và tháng 11. Dự báo đỉnh lãi suất năm 2022 của Fed sẽ bị phá vỡ, trong khi vẫn còn có thể có một đợt tăng lãi suất vào tháng 12 nữa. Điều này lý giải cho việc thị trường tài chính giảm điểm trở lại sau một báo cáo việc làm rất tốt.

Có thật cần phải “đấm vỡ” nền kinh tế Mỹ để chống lạm phát?

Chưa chắc như vậy!

Vấn đề của lạm phát lần này phần lớn có nguồn gốc từ những cú sốc cung do nhiều nguyên nhân, có phần là do chiến tranh Nga – Ukraine, các nước phương Tây trừng phạt Nga, chính sách zero Covid của Trung Quốc làm trì trệ chuỗi cung ứng toàn cầu. Nói như kinh tế gia Joseph Stiglitz, tăng lãi suất không tạo ra nhiều lương thực hơn.

Có một vài tín hiệu khả quan hơn từ phía cung, bao gồm giá dầu giảm đáng kể trong tháng 6 và tháng 7, xuống dưới 90 đô la Mỹ/thùng vào đầu tháng 8. So với dự báo 150-180 đô la/thùng cách đây vài tháng, thì kịch bản hiện tại tốt hơn nhiều. Ngoài ra, việc Trung Quốc gỡ bỏ phong tỏa các vùng trọng điểm kinh tế cũng dẫn tới chi phí vận tải tiếp tục đi xuống. Chỉ số Drewry index cũng như các chỉ số thành phần giảm từ 12-30%. Chỉ số lương thực FAO giảm 8,6% trong tháng 6, trong đó ngũ cốc giảm hơn 11%. Nhìn chung, tín hiệu lạm phát sắp chạm đỉnh trên toàn cầu là khá rõ ràng khi những nguồn tăng giá đang quay đầu giảm lại.

Một điều cần chú ý khác là nếu nhìn lại mức tăng lương và tăng việc làm của Mỹ thì ta có thể thấy tốc độ tăng lương đã chậm lại. Hơn nữa, theo thống kê thì một lượng lớn việc làm mới tạo ra là trong khu vực dịch vụ, nhờ sự quay lại của hoạt động nhà hàng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ xây dựng (các khu vực dịch vụ này chiếm tới hơn 200.000 việc làm mới, nghĩa là gần một nửa số việc làm tăng lên trong tháng 7). Kết hợp các số liệu này với các chỉ số sản xuất, thì có thể thấy có một sự suy giảm trong hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, và mở rộng tiếp tục trong doanh nghiệp dịch vụ, nhất là dịch vụ lưu trú và giải trí do tác động của mùa vui chơi đầu tiên sau khi dịch Covid-19 có phần giảm. Sự vững mạnh của khu vực dịch vụ nhiều khả năng sẽ trì trệ trở lại vào các tháng tới, và mức tăng lương sẽ giảm đi.

Nói cách khác, áp lực lên lãi suất của Mỹ có thể không đáng sợ như người ta đang nói. Sau hai tháng nữa, có thể câu chuyện sẽ khác. Nhưng lúc đó, chưa hẳn tin lãi suất Mỹ tăng chậm lại đã là tin tốt, vì nó có thể đồng nghĩa kinh tế toàn cầu tăng chậm lại. Câu chuyện suy thoái lúc đó có thể lại được nêu lên.

Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol, Anh


TBKTSG

Chia sẻ Facebook