Nước Mỹ chia đôi?
Hiện tại, người ta đang nói nhiều về sự chia cắt trong lòng nước Mỹ, và về khả năng Hợp chúng quốc Hoa Kỳ sẽ bị chia thành 2 hay nhiều quốc gia
Trong thế giới hiện tại, người ta đang nói nhiều về một sự chia cắt sâu sắc trong lòng nước Mỹ, và về khả năng Hợp chúng quốc Hoa Kỳ sẽ bị chia thành 2 hay nhiều quốc gia trong 1 đất nước. Những người bi quan nhất thậm chí còn tin rằng, trên thực tế thì nước Mỹ đã thực sự bị tách thành 2 quốc gia, đỏ và xanh, hiện đang tồn tại song hành cùng nhau.
Nghe thì có vẻ như nói quá lên hay là chuyện viển vông xa vời, nhưng câu chuyện về một siêu cường thế giới bị tách ra làm đôi không phải là chưa từng có trong lịch sử. Nó là việc đã xảy ra với đế quốc La Mã 1700 năm trước.
Vào năm 286 sau Công nguyên, hoàng đế danh tiếng Diocletian đã bổ nhiệm bạn mình là Maximian làm đồng Hoàng đế cấp cao; đồng thời chia đôi đế quốc La Mã khổng lồ về mặt hành chính.
Đế quốc phương Tây bao gồm phần lớn Tây Âu ngày nay và tây bắc châu Phi. Đế quốc phương Đông kiểm soát Đông Âu, một phần châu Á và đông bắc châu Phi.
Đến năm 330, Hoàng đế Constantine đã thể chế hóa sự phân chia này bằng cách chuyển thủ đô của La Mã từ Rome đến thành phố Constantinople, tên cũ là Byzantium thuộc Hy Lạp (nay là Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ).
Hai nửa hành chính của đế chế tiếp tục tách rời, và dần trở thành hai phiên bản ngày càng khác nhau; lịch sử gọi là Đế quốc Đông La Mã và Đế quốc Tây La Mã.
Đế quốc Tây La Mã cuối cùng đã sụp đổ trong hỗn loạn, sau khi bị một thủ lĩnh người Giéc-man hạ bệ vào cuối thế kỷ thứ 5; đó là điểm khởi đầu của thời kỳ Trung Cổ.
Tuy nhiên, Đế quốc Đông La Mã vẫn tồn tại gần một nghìn năm sau đó. Nó sớm được biết đến với tên gọi Đế quốc Byzantine, cho đến khi bị người Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman chinh phục vào năm 1453.
Các nhà sử học hiện vẫn không đồng thuận về lý do tại sao Đế quốc phương Đông tiếp tục tồn tại lâu dài trong khi Đế quốc phương Tây lại sụp đổ chóng vánh. Họ trích dẫn đủ các vai trò khác nhau từ địa chính trị, thách thức biên giới, đến những bộ tộc cừu địch và biến loạn nội bộ.
Nhìn từ bề mặt, thì vị trí địa lý và lịch sử đặc thù đã nhân lên sự khác biệt ngày càng tăng giữa một phương Đông có nền văn minh lâu đời hơn, nói tiếng Hy Lạp và theo đạo Cơ đốc Chính thống; và một phương Tây Latinh với văn minh Cơ đốc giáo ít nhiều là đa ngôn ngữ và thường phức tạp.
Đế quốc Tây La Mã sau cùng đã tan rã thành một hỗn hợp các bộ tộc trước đây của chính nó; nhưng Đế quốc Đông La Mã đã vững vàng trước các đối thủ Ba Tư, Trung Đông và Ai Cập cổ đại.
Chất keo kết dính Byzantine chống lại kẻ thù ngoại bang trong hàng thế kỷ, đó là ý tưởng tôn kính về một chủ nghĩa Hy Lạp cổ đại và son sắt, bao gồm việc bảo tồn chung một ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa và lịch sử Hy Lạp toàn diện.
Vào năm 600 sau Công Nguyên, tại thời điểm mà đế quốc La Mã phương Tây đã bị chia cắt từ lâu thành các bộ tộc và vương quốc tiền châu Âu, viên ngọc quý Constantinople chính là trung tâm của một trong những nền văn minh ấn tượng nhất trên thế giới, trải dài từ vùng Tiểu Á đến tận miền nam nước Ý.
Lịch sử trong nhiều trường hợp thường lặp lại một cách đáng kinh ngạc.
Vào thời điểm này, một số học giả cho rằng họ đã nhìn thấy những dấu hiệu ngày càng rõ ràng về sự chia tách tương tự trong lòng một siêu cường khác giống như La Mã thuở xưa, nhưng là ở trong thế giới đương đại – đó chính là nước Mỹ.
Chủng tộc hay sắc tộc là nền tảng cơ bản trong việc sinh thành mọi quốc gia trong lịch sử nhân loại, ngoại trừ Hoa Kỳ. Sự thành lập của quốc gia này dựa trên nguyên lý rằng tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng; và được Tạo Hóa ban cho những quyền bất khả xâm phạm mà chính phủ không thể bãi bỏ, như là quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Vì nước Mỹ không có các yếu tố gắn kết của chủng tộc hay sắc tộc, quốc gia này từ khi được sáng lập chỉ có thể tồn tại dựa trên sự lương thiện của người dân và trí tuệ cùng lòng chính trực của giai tầng thống trị.
Nhưng trong nhiều năm, nhiều công dân Hoa Kỳ đã cho phép, hoặc có thể nói, bị lừa dối để cho phép giai tầng thống trị suy đồi tự phục vụ chính bản thân họ thay vì phục vụ người dân; và hố sâu ngăn cách giữa người dân và chính phủ, giữa bang đỏ và bang xanh dường như đang càng ngày càng thêm nới rộng.
Những người bảo thủ đang tìm hướng đến vùng nội địa giữa hai bờ duyên hải, nơi thường có chính quyền bang nhỏ hơn, ít thuế hơn, tín ngưỡng tôn giáo sâu dày hơn và theo chủ nghĩa truyền thống kiên định.
Những người Byzantine hiện đại này có khuynh hướng bày tỏ lòng yêu nước của họ nhiều hơn bằng cách tôn vinh các phong tục và nghi lễ cổ xưa, như đứng hát Quốc ca, tham dự các buổi lễ nhà thờ vào Chủ nhật, thể hiện sự tôn kính đối với lịch sử nước Mỹ và các bậc anh hùng dân tộc, tin tưởng vào quyền tự vệ bất khả xâm phạm, đồng thời nhấn mạnh vào nền tảng gia đình một vợ một chồng.
Tại các bang đỏ nằm giữa nước Mỹ này, câu chuyện nhập cư vẫn được định nghĩa là sự hòa nhập của những người mới đến vào chính thể chính trị và khoan dung văn hóa của một nước Mỹ thiêng liêng và trường tồn. Trong khi hoan nghênh sự thay đổi, các bang đỏ tin rằng nước Mỹ không bao giờ phải hoàn hảo để trở nên tốt đẹp. Hoa Kỳ, hay xứ sở Cờ Hoa sẽ luôn trường cửu, nhưng chỉ khi quốc gia này tiến bước được vững vàng theo Hiến pháp đã 236 năm của họ, được thống nhất bởi Anh ngữ và hòa nhập người nhập cư vào một nền văn hóa Mỹ lâu dài, phi thường và đặc biệt.
Ngược lại, các bang xanh tả khuynh, cấp tiến hơn thì giàu có hơn đến từ bạc tiền theo chủ nghĩa toàn cầu. Bờ duyên hải phía Tây từ Seattle đến San Diego thu được lợi nhuận lớn từ giao thương với châu Á đang phát triển mạnh; và bờ phía đông từ Boston đến Miami thì giao thương với Anh quốc và Liên minh châu Âu.
Giống như Rome là trung tâm mang tính biểu tượng của toàn bộ đế quốc Tây La Mã, hiện tại Washington DC màu xanh chính là trụ sở trung ương của chính phủ lớn Mỹ quốc.
Mô hình nhập cư thì giống như một bát salad trộn. Những người mới đến có thể lưu giữ và tái khởi động bản sắc văn hóa cũ của họ.
Tôn giáo ít chính thống hơn; thuyết vô thần và thuyết bất khả tri đã trở nên gần như là tiêu chuẩn. Và hầu hết các cuộc vận động xã hội cực đoan gần đây tại Mỹ như chủ nghĩa nữ quyền, chủ nghĩa chuyển giới và lý thuyết chủng tộc phê phán … đều khởi sinh, phát triển từ các đô thị ven biển và trong giới hàn lâm học viện.
Người ngoại quốc coi các bang xanh nước Mỹ vùng duyên hải này là khu vực văn hóa sôi động, sành điệu, quốc tế chủ nghĩa và táo bạo; sự giàu có khổng lồ của nó dựa trên công nghệ thông tin, truyền thông, tài chính, giáo dục và giải trí.
Đổi lại, người ngoại quốc hiểu rằng vùng bang đỏ nội địa rộng lớn – với dân số tương đương các bang xanh nhưng có diện tích lớn hơn rất nhiều – là vùng đất đơn giản chất phác, thực tế và truyền thống, và là nơi sản xuất thực phẩm, nhiên liệu, quặng mỏ và vật liệu của nước Mỹ.
Vùng nội địa – giống như Byzantine/Đông La Mã – và hai bờ duyên hải – giống như Rome/Tây La Mã – đã và đang diễn giải khá khác nhau về di sản Mỹ được chia sẻ chung cho họ; và lúc này, hai màu xanh, đỏ vẫn tiếp tục lên kế hoạch cho các chuyến đi hoàn toàn trái ngược nhau để tiếp tục tồn tại qua thời đại đáng sợ này.
Bài học quá khứ cho thấy, viễn cảnh một cuộc nội chiến vũ trang giữa hai màu xanh – đỏ sẽ rất khó để trở thành hiện thực, nhưng nhiều khả năng một trong hai mô hình sẽ không bền vững và sụp đổ trước, giống như câu chuyện cũ về thành Rome và đế quốc Tây La Mã cách đây 1700 năm.
Nội dung và video được sản xuất dựa trên bài viết Is America Becoming Rome Versus Byzantium? của nhà sử học quân sự Victor Davis Hanson , đăng trên amgreatness.com
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Học giả: Bà Pelosi thăm Đài Loan, khả năng xảy ra xung đột Mỹ - Trung là thấp
Có cảnh báo chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sẽ có "sinh ra tác động tiêu cực nghiêm trọng" đến quan hệ Trung - Mỹ