Nước Anh, một mùa hè 'bất mãn'
Tại Southampton, khoảng 20 người đứng vây quanh Red Funnel, một công ty vận hành phà biển nối kết nối đất liền với đảo Wight, nằm ngoài bờ biển phía Nam nước Anh. Những người phản đối liên tục phàn nàn về vấn đề tiền lương và chế độ làm việc. Nhưng họ có một quan ngại lớn hơn: gánh nặng chi phí sống. Một người phụ nữ chia sẻ cô đã phải vay nợ để có tiền mừng cưới một người bạn, trong khi đó, một người đàn ông khác tỏ rõ sự quan ngại về khoản tiền điện mà anh phải chi trả mỗi tháng. “Mọi chuyện quá sức chịu đựng rồi”, anh nói.
Họ cùng nhau tụ tập đòi quyền lợi cho bản thân dưới cái nắng như thiêu như đốt. Nước Anh đang trải qua một mùa hè đỏ lửa, đặc biệt là khu vực phía Nam của quốc đảo này. Một trạm khí tượng nằm về phía Tây thành phố Southampton không ghi nhận bất cứ một trận mưa nào trong tháng 7, tháng đầu tiên không có mưa kể từ khi nó đi vào hoạt động vào năm 1957. Ngày 5/8, South Water, một công ty cấp nước địa phương, đã phải ra quy định người dân không được sử dụng nước để tưới cây hoặc rửa xe.
Thế nhưng, một mùa hè nóng nực không phải là vấn đề duy nhất. Nó đi liền với tình trạng lạm phát tăng cao, hoạt động sản xuất công nghiệp bị đình trệ, giao thông hỗn loạn và bất ổn chính trị. Trong tháng 7, Michael Gove, Cựu Bộ trưởng Bộ trưởng Nhà ở, Cộng đồng và Chính quyền địa phương, phải lên tiếng thừa nhận rằng nhiều bộ phận trong nền kinh tế-xã hội Anh không thể vận hành đúng chức năng của nó. Đây chính là một mùa hè “bất mãn”.
Lạm phát chính là chủ đề được quan tâm nhiều nhất lúc này. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Anh tăng 10,1% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm 2021, phần lớn do chi phí năng lượng tăng cao. Chính phủ Anh đã ngay lập tức có những động thái hỗ trợ khi bổ sung trợ cấp cho những hộ gia đình nghèo khó nhất, trái ngược hoàn toàn với trường hợp của Đức khi dỡ bỏ thuế năng lượng. Cách tiếp cận của anh đánh trúng vào các đối tượng cần hỗ trợ nhất đồng thời không mang tính khuyến khích người dân tiêu thụ thêm năng lượng. Lý do là bởi lạm phát năng lượng tại Anh hiện thuộc hàng cao nhất châu Âu, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)
Nhiều loại hàng hóa khác cũng trở nên đắt đỏ. Giá sữa tăng khoảng 21% tính đến tháng 6 vừa qua so với một năm trước đó. Nếu không tăng giá, các sản phẩm cũng sẽ bị cắt giảm về kích cỡ. Grocer, một ấn phẩm chuyên theo dõi giá của nhiều sản phẩm hàng hóa, chỉ ra rằng các suất ăn chế biến sẵn tại Tesco, chuỗi siêu thị lớn nhất nước Anh đã giảm từ 800g xuống 750g và 450g xuống 400g.
Tình trạng bất ổn trong lĩnh vực sản xuất ngày một lan rộng khi người lao động phải chạy đua với tình trạng giá cả tăng cao, hoặc ít nhất là để không bị thụt lùi lại phía sau. Trong năm 2019, có tới 234.000 ngày công bị hao hụt liên quan tới các cuộc xung đột lợi ích lao động. Riêng các cuộc đình công của công nhân ngành đường sắt trong năm nay cũng đủ để đẩy con số này lên cao. Hơn 40.000 công nhân đã ngừng làm việc trong ngày 21/6, mở đầu cho một chuỗi các cuộc đình công sau đó. Người lao động một số ngành nghề khác như bưu chính và y tá được dự báo cũng sẽ sớm tham gia phong trào này.
Trong khi nhiều người dân tỏ ra tức giận về chế độ lương thường, một bộ phận khác lại tỏ ra bất mãn với các dịch vụ công. Trong vòng 5 năm qua, tỷ lệ người dân London tin tưởng vào lực lượng cảnh sát giảm từ 79% xuống 57%. Chỉ hai năm trước, thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất, mức độ tín nhiệm của người dân Anh đối với các lãnh đạo địa phương có xu hướng gia tăng. Nhưng hiện tượng này không kéo dài khi trong tháng 6 vừa qua, chỉ có 52% số người được hỏi cho biết chính quyền thực sự quan tâm tới vấn đề của họ, mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ.
Còn đối với những “người hùng” Dịch vụ y tế quốc gia (NHS), chỉ có 36% người dân anh hài lòng với họ, thấp nhất kể từ năm 1997. Khoảng 6,6 triệu người dân Anh đang chờ được hỗ trợ, tăng hơn 2 triệu người so với thời điểm tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19. Theo lý thuyết, một đội hỗ trợ sẽ tới hiện trường các ca cấp cứu “loại 2”, ví dụ như đột quỵ, trong vòng 20 phút, nhưng con số trung bình trong tháng 6 là 52 phút.
Một bộ phận người dân Anh, những người đã quá chán nản với những gì đang xảy ra trong nước, muốn chạy trốn bằng cách ra nước ngoài. Nhưng các chuyến bay liên tục bị hủy vì thiếu nhân viên vận hành. Dover, thành phố cảng nổi tiếng có đường tàu biển nối tới nhiều nước châu Âu, từng hàng dài người xếp hàng chờ được kiểm duyệt hộ chiếu. Trong khi đó, chính phủ Anh gần như tê liệt. Boris Johnson, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ thủ tướng trong tháng 9, dành nhiều ngày nghỉ hè tại Slovenia trong khi cuộc chạy đua tới số 10 Downing giữa hai ứng cử viên Rishi Sunak và Liz Truss vẫn chưa ngã ngũ.
Những vấn đề mà nước Anh đang phải đối diện có thể chia thành hai loại. Thời tiết nắng nóng, tình trạng xét hộ chiếu chậm và tình trạng tê liệt chính trị là những khó khăn mang tính chất thời điểm, sẽ nhanh chóng thuyên giảm trong thời gian tới. Nhưng những vấn đề khác, ví dụ như lạm phát, đình trệ sản xuất và mức độ tín nhiệm của người dân vào các dịch vụ công, sẽ vẫn tồn tại và thậm chí có thể diễn biến xấu đi.
Phần lớn người dân Anh nhận định những vấn đề kinh tế mà quốc gia này phải đối mặt sẽ kéo dài.
Trong báo cáo chính sách tiền tệ công bố vào ngày 4/8, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cảnh báo nước này sẽ rơi vào một giai đoạn suy thoái kéo dài với lạm phát sẽ tăng lên ngưỡng 13% vào cuối năm nay. Cornwall Insight, một công ty tư vấn năng lượng, dự báo mức giá trần năng lượng tại Anh sẽ tăng gấp hơn hai lần từ 1.971 bảng lên 4.427 bảng trong tháng 4 năm nay. Và những người hùng NHS sẽ phải chịu áp lực lớn hơn khi mùa đông tới.
Một mùa đông “bất ổn” được dự báo sẽ tiếp nối một mùa hè “bất mãn”.