Núi rác công nghệ của thế giới
Chạy theo công nghệ, người dùng có thói quen mua điện thoại mới chỉ sau vài năm sử dụng. Điều này sinh ra những núi rác thải điện tử.
Núi rác công nghệ của thế giới
Trong suốt nhiều thập kỷ qua, giới công nghệ luôn phải đối mặt với áp lực “đổi mới sáng tạo hoặc chết”. Chính suy nghĩ này đã khiến hàng loạt những sản phẩm dù hữu dụng, dù hào nhoáng nhưng vô ích, đã được ra đời.
Song, đa số thiết bị đều bị người dùng thay thế liên tục để chạy theo tốc độ phát triển của thị trường công nghệ. Họ lo ngại mình sẽ trở thành kẻ lạc hậu, đi sau thế giới.
Theo CNN , người dùng chạy theo công nghệ làm cho ngày càng nhiều thiết bị cũ bị vứt bỏ thay vì đem đi sửa chữa. Hành vi này về lâu về dài sẽ tạo nên một núi rác thải điện tử (e-waste), gây hậu quả nghiêm trọng đến thế giới.
Vòng đời ngắn ngủi của thiết bị điện tử
Theo Jim Puckett, Giám đốc điều hành của tổ chức giám sát rác thải điện tử Basel Action Network, tốc độ phát triển của giới công nghệ quá nhanh khiến các sản phẩm ngày càng dễ trở nên lỗi thời.
Người dùng ngày nay có thói quen đổi máy tính trong vòng 3-4 năm và mua điện thoại mới chỉ sau 2 năm sử dụng. “Núi rác điện tử mà họ tạo ra đang không ngừng cao lên”, ông nói.
Trong một nghiên cứu về e-waste của Liên Hợp Quốc, thế giới đã tạo ra 53,6 triệu tấn chất thải điện tử trong năm 2019 nhưng chỉ 17,4% trong số đó được tái chế. Điều đáng nói là người lãnh hậu quả của đống rác thải công nghệ này lại là những nước đang phát triển.
Cục Bảo vệ Môi sinh Mỹ chỉ ra một lượng lớn thiết bị điện tử đã qua sử dụng được vận chuyển từ Mỹ và các quốc gia phát triển khác đến các nước đang phát triển, buộc phải nhập khẩu nhưng chưa có cách xử lý những vật liệu này một cách phù hợp.
“Các nước giàu cứ tìm cách thải rác và những công nghệ cũ rích của mình cho các nước nhỏ hơn”, ông Puckett nhận định.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cảnh báo tình trạng thải và xử lý rác thải điện tử sẽ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trẻ em như thay đổi chức năng phổi, phá hủy ADN và tăng nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính như ung thư, tim mạch…
Nghiên cứu của WHO còn chỉ ra hơn 18 triệu trẻ em và trẻ vị thành niên đang tích cực tham gia vào ngành công nghiệp xử lý rác thải điện tử trái phép. Công việc của chúng là lùng sục vàng và đồng trong những đống rác cao nhất vì có bàn tay nhỏ bé và khéo léo hơn người lớn.
Cần sự tham gia của Apple, Samsung
Cuộc khủng hoảng môi trường ngày càng gia tăng đã thu hút sự chú ý của các nhà làm luật trên thế giới, đặc biệt là ở những nước đang phát triển bị đống rác thải đè nặng mỗi ngày.
Tháng trước, chính phủ EU vừa thông qua đạo luật yêu cầu tất cả điện thoại và thiết bị điện tử sử dụng chung bộ sạc tiêu chuẩn. Điều này giúp giảm thiểu số lượng dây kết nối, dây sạc được tiêu thụ.
“Chính sách của EU sẽ làm giảm đáng kể lượng rác thải điện tử. Đồng thời, người dùng nay chỉ cần một bộ sạc duy nhất, không cần phải đau đầu với ngăn kéo chứa đầy các cổng kết nối rối rắm”, các nhà lập pháp của Mỹ khẳng định trong thư gửi lên Bộ Thương mại.
Theo CNN , hiện những quy định liên quan đến xả thải điện tử chỉ mới manh mún. Do đó, giải pháp hiệu quả cho vấn đề này phụ thuộc lớn vào người tiêu dùng và các hãng sản xuất chủ động tìm cách giải quyết các thiết bị điện tử cũ.
“Rác thải công nghệ ra đời do thiếu kế hoạch cho toàn bộ vòng đời sản phẩm”, Corey Dehmey, Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Sustainable Electronics Recycling International (SERI), chia sẻ. Vì thế, việc các hãng cần làm là nghĩ cách xử lý chúng như thế nào khi khách hàng mua và hết giá trị sử dụng ngay từ khâu thiết kế đầu tiên.
Trong vài tháng trở lại đây, nhiều giải pháp tích cực đã được áp dụng, CNN nhận định. Cụ thể, tình trạng rác thải điện tử tăng cao đã khiến các nhà sản xuất nới lỏng quy định sửa chữa thiết bị đối với các cửa hàng và người dùng thông thường.
Hai ông lớn công nghệ Apple và Samsung đã ra mắt các cửa hàng cung cấp các linh kiện để người dùng tự sửa chữa smartphone của mình. Rất có thể Google sẽ học theo với dòng điện thoại Pixel của mình trong nửa cuối năm.
Thúy Liên