Núi lửa Bulusan tại Philippines tiếp tục phun trào dữ dội
Ngày 12/6, núi lửa Bulusan cách thủ đô Manila của Philippines khoảng 600 km về phía Đông Nam tiếp tục phun các cột tro bụi lên không trung.
Viện Nghiên cứu núi lửa và địa chấn Philippines (PHIVOLCS) cho biết, các chuyên gia đã ghi nhận vụ phun trào phreatic (hiện tượng magma nung nóng nước ngầm khiến hơi nước phun lên do áp lực) tại núi lửa Bulusan lúc khoảng 3h sáng và kéo dài trong 18 phút.
Tuần trước, núi lửa Bulusan đã phun trào dữ dội, khiến giới chức địa phương phải nâng mức báo động lên cấp 1 và sơ tán người dân các khu vực lân cận đến nơi an toàn. Cụ thể, hôm 5/6, chính quyền Philippines đã phải sơ tán hơn 200 cư dân sinh sống gần núi lửa Bulusan sau khi ngọn núi này phun tro bụi cao khoảng 1.000 m lên bầu trời.
Hiện hoạt động của núi lửa Bulusan vẫn được đặt ở mức báo động 1 trong thang báo động 5 cấp, điều này có nghĩa núi lửa vẫn đang trong "tình trạng bất thường."
PHIVOLCS cho biết, tro bụi núi lửa đã bay tới hai thành phố lân cận ở tỉnh Sorsogon, cách thủ đô Manila khoảng 500 km về phía Nam. Tại thành phố Juban, một lớp tro bụi dày đặc đang bao phủ hai ngôi làng, khiến tầm nhìn bị hạn chế. Nhà chức trách địa phương đã điều động một xe cứu hỏa đến để dọn dẹp tro bụi. Công tác sơ tán người dân, chủ yếu ưu tiên người cao tuổi và người mắc bệnh hen suyễn, được tiến hành khẩn trương.
Giới chức Philippines đã khuyến cáo cư dân không đến khu vực trong vòng bán kính 4 km xung quanh núi lửa, đồng thời cảnh báo nguy cơ núi lửa bất ngờ phun trào trong thời gian tới. Cư dân gần các thung lũng và sông cũng được lệnh cảnh giác với bùn và dòng chảy trong trường hợp xuất hiện mưa lớn.
Hiện sân bay ở thủ đô Manila không bị ảnh hưởng do tro bụi, nhưng các phi công được khuyến cáo thận trọng khi bay gần khu vực núi lửa.
Bulusan là một trong hơn 20 núi lửa đang hoạt động ở Philippines. Núi lửa này đã phun trào nhiều lần trong giai đoạn từ năm 2016 - 2018. Tháng 1/2018, núi Bulusan đã phun ra tro bụi cao khoảng 2.500 m lên bầu trời.
Philippines nằm trên "Vành đai lửa Thái Bình Dương" và thường xuyên phải hứng chịu các trận động đất và núi lửa phun trào .