Núi Chúa - rừng thiêng huyền bí - Kỳ 3: Ngủ đêm bên biển canh rùa đẻ
Nhìn từ vệ tinh, toàn bộ khối Núi Chúa mang hình dáng như một con rùa đầu quay về hướng nam, đuôi dài sâu vào vịnh Cam Ranh. Những bãi cát ven biển dưới Núi Chúa cũng là nơi mà rùa biển chọn làm bãi đẻ trứng.
Từ thôn... thịt rùa thành điểm giữ rùa
Nắng chiều từ biển vừa bớt gắt nóng, anh Nguyễn Tấn Danh ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, Ninh Thuận, đã dừng việc chăm sóc hơn hai sào nho chuẩn bị cho trái sau nhà, tranh thủ dọn cơm ăn trước khi ra biển.
Đêm nay, anh không ra biển giăng lưới kiếm cá, mà chỉ đi dọc bãi biển để đề phòng người lạ vào những bãi cát mà rùa thường lên đẻ để bắt rùa.
Từ nhỏ, những người dân thôn Thái An như anh Danh đã quen với việc những con rùa lên bờ từ biển khơi, bị người dân lật ngược để chúng không thể bò được rồi đem về... giết thịt.
Thịt rùa tươi lúc nào cũng có bán ở ngã tư chợ Thái An. "Thịt rùa biển tanh lắm, như tui từ nhỏ đã không ăn được. Nhưng cũng có những người rất ghiền. Thái An cũng từng là đầu mối cung cấp thịt rùa cho nhiều nơi khác", anh Danh kể.
Bãi cát dài khoảng 2km cách cửa biển thôn Thái An khoảng 4km về hướng Phan Rang là nơi rùa lên đẻ nhiều nhất. Đó cũng là nơi nhiều con rùa bị bắt giết đến độ người ta đặt tên là Bãi Thịt.
Nhưng việc ăn thịt rùa biển chỉ còn trong ký ức những người dân Thái An. Từ năm 2003, việc bảo vệ rùa biển luôn là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Vườn quốc gia Núi Chúa . Đó cũng là thời điểm anh Danh được mời làm thành viên tổ bảo tồn rùa biển do vườn thành lập, rồi lên làm tổ trưởng 17 năm nay.
Tổ có 6 thành viên đều là dân thôn Thái An. Anh Danh điều động người làm sao để khu vực bờ biển Bãi Thịt, Bãi Ngang và một số nơi rùa thường lên đẻ luôn có người canh chừng vào ban đêm.
Từ tháng 3 đến tháng 11 là mùa rùa thường lên đẻ, đó cũng là lúc cần phải canh gác chặt chẽ nhất các bãi đẻ của rùa.
Ban đêm, sau hai lượt đi bộ trên cát để tuần tra, anh Danh cùng đồng đội tình nguyện viên của mình giăng mùng ngủ ngay Bãi Thịt. "Trừ khi mưa thì vào nhà canh giữ núp thôi, chớ bình thường cứ ngủ trên bãi cát. Mát lắm. Ngủ quen rồi về nhà nóng nực không chịu được", anh Danh cười.
Những "ông đỡ" mát tay của rùa biển
Vào ban đêm, rùa mẹ sẽ thường bò lên bãi cát, dùng hai chân trước bới cát thành một hố sâu khoảng 30 - 40cm, đẻ trứng vào hố rồi lấp lại để giữ nhiệt cho trứng cũng như tránh việc ổ trứng bị xâm hại.
"Rùa thính lắm. Có động phát là nó nín đẻ, bò ra biển lại ngay. Đó là lý do mà bãi biển rùa thường lên đẻ phải được bảo vệ không cho người lạ vào để tránh tâm lý bất an cho rùa, giúp nó yên tâm tìm chỗ đẻ trứng", anh Danh cho hay.
Nhưng còn một vấn đề nữa khiến công việc của tổ bảo tồn rùa trở nên cực kỳ quan trọng để rùa biển duy trì giống nòi tiếp nối hàng triệu năm, là trứng rùa phải nằm trong độ ẩm thích hợp.
Nếu con rùa đẻ gần mép nước quá, thủy triều lên sẽ đánh bay cả ổ trứng ngay sau đó hoặc việc nước vào ổ sẽ khiến trứng bị hư. Còn nếu đẻ xa bờ quá, đôi khi rùa con nở ra, chưa đi ra tới biển đã bị vô số loài thiên địch khác tấn công giết chết.
Do đó, mỗi khi phát hiện dấu vết rùa bò lên, anh Danh và đồng đội phải tìm ngay ra vị trí của ổ trứng. "Thường thì rùa bò từ biển lên, kiếm chỗ đẻ rồi bò một vòng dọc biển khoảng 200m mới xuống lại. Nó lấp ổ rất khéo, chưa kể là nhiều con bới cả chục hố rồi lấp lại mà chỉ đẻ trong một hố. Kiểu như nó muốn đánh đố mình", anh Danh kể thêm.
Trước đây, khi phát hiện dấu rùa bò lên, anh Danh phải lấy một cành cây xăm nhẹ vào cát theo dấu đi của rùa để tìm ổ trứng mà rùa đã đẻ. "Giờ thì quen mắt rồi, với lại mình cũng tự rút ra kinh nghiệm. Nên chỉ cần nhìn dấu rùa trên cát, tui có thể biết được chính xác đến 90% vị trí ổ trứng", anh Danh nói bằng giọng tự hào.
Là người trực tiếp theo sát tổ bảo tồn rùa và cũng thường xuyên ngủ đêm trên biển, đi tuần tra, liên kết chặt chẽ với những tình nguyện viên này, anh Phạm Anh Dũng - phó phòng bảo tồn rùa biển Vườn quốc gia Núi Chúa - thừa nhận đến nay chỉ có anh Danh là người có thể dựa vào dấu vết rùa mẹ tạo ra mà có thể chỉ ra được trúng ổ trứng rùa lấp dưới bãi cát.
Khi phát hiện ra ổ trứng, nếu không phải di dời ổ đi nơi khác mà thấy vị trí rùa mẹ chọn đẻ đã thích hợp, anh Dũng là người chịu trách nhiệm tiếp tục theo dõi sát sao, ghi chép lại tư liệu để chờ ngày rùa nở.
"Thường mỗi ổ sẽ có khoảng 80 đến 120 trứng. Mình phải ghi lại chặt chẽ ngày tháng rùa đẻ để canh. Khoảng 45 ngày thì bắt đầu lấy một tấm vải mùng ủ lại phía trên ổ để không cho các con khác đến ăn thịt rùa con", anh Dũng nói thêm.
Rùa con vừa nở chui ra khỏi vỏ trứng thì việc đầu tiên là dùng hai chân trước chòi đạp trồi lên khỏi mặt cát và lao thẳng ra biển nhanh nhất có thể. Cũng chính đặc tính này của rùa con, nên gần tới ngày rùa nở, các "ông đỡ" của rùa phải canh chừng để kịp dỡ tấm vải mùng bảo vệ ra cho rùa con thoải mái đi về phía biển.
Với những con có thể trạng yếu, họ phải nâng niu nhẹ nhàng trong lòng bàn tay, đỡ cho chúng ra đến gần mép biển để yên tâm và chắc chắn có một con rùa biển bắt đầu hành trình sống dưới lòng đại dương.
Những thành viên của tổ bảo tồn rùa biển trong cộng đồng Thái An mỗi tháng hiện chỉ được phụ cấp 600.000 đồng. Nhưng chính nhờ tâm huyết của các "ông đỡ" mát tay này mà trong 5 năm từ 2016 đến 2021, có 215 lượt rùa lên đẻ được 81 ổ thì có đến 5.291 rùa con nở ra quay về với biển an toàn. Núi Chúa tiếp tục là một bãi đẻ được rùa chọn lựa sau hàng triệu năm.
Anh Nguyễn Thành Trung - phó phòng khoa học và hợp tác quốc tế Vườn quốc gia Núi Chúa - cho biết các bãi cát ven biển khu vực Núi Chúa hội đủ các điều kiện về loại cát, mực nước, thủy triều để rùa biển sinh sản.
Nơi đây cũng có hệ sinh thái ven bờ cung cấp rong biển và cỏ biển dồi dào cho rùa trưởng thành và các loài cá nhỏ thích hợp cho rùa con vừa nở có thể ăn.
Đặc biệt, đây cũng là một trong số khu vực rất ít tại Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện của đồi mồi nhờ lượng bọt biển dồi dào là nguồn thức ăn chính của loài đã được Liên minh bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào hạng cực kỳ nguy cấp.
Ngoài việc đỡ đẻ cho rùa biển, Trung tâm cứu hộ rùa biển Vườn quốc gia Núi Chúa trong giai đoạn 2016-2021 còn cứu được 29 con rùa xanh và đồi mồi trưởng thành.
Đa số chúng đều được đem về từ các nhà hàng, hộ nuôi nhốt, những người dân buôn bán ở khắp nơi. Hiện tại, ao nuôi của Trung tâm cứu hộ rùa biển đang nuôi 1 con rùa xanh, 2 con đồi mồi được cứu kịp thời khi mắc lưới, chuẩn bị giết thịt...
Đặc biệt, có một con đồi mồi dứa là loài rất hiếm gặp, được người dân nuôi từ nhỏ và nay tự nguyện giao lại. Do nuôi nhốt khác môi trường biển, đến nay con đồi mồi dứa trọng lượng khoảng 3kg này vẫn mới chỉ biết nổi trên mặt nước mà chưa quen với việc lặn sâu.
Anh Ngô Minh Quốc - người phụ trách nuôi rùa được cứu hộ - cho biết những con rùa này sẽ được chăm sóc đặc biệt bằng các loại thức ăn ưa thích, đến khi chúng thực sự khỏe mạnh và quen thuộc lại với môi trường biển mới có thể thả về lại đại dương.
Dãy Núi Chúa đổ ra biển tạo thành cảnh quan bán hoang mạc toàn cây bụi, xương rồng và đá tảng. Đó cũng là hệ sinh thái như "đặc sản" của Núi Chúa.
>> Kỳ tới: Công viên đá và thuỷ cung san hô