Núi Chúa - rừng thiêng huyền bí - Kỳ 1: Đỉnh núi 1.039m bên bờ biển

Chia sẻ Facebook
13/04/2022 11:42:39

Từng có dịp leo nhiều ngọn núi cao, nhưng chưa từng một lần leo lên đỉnh Núi Chúa ngay tỉnh nhà, tôi sắp xếp ngay một chuyến trở về Ninh Thuận trước ngày Núi Chúa nhận danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển đặc biệt từ UNESCO vào ngày 14-4.

Đỉnh Núi Chúa nằm ven biển nhưng thường xuyên có mây mờ che phủ do độ dày của rừng nguyên sinh - Ảnh: SƠN LÂM


Nghe tôi nói ý định leo núi, một người quen nhắn cho tôi số của hướng dẫn viên Út Nhỏ - một thanh niên dân tộc Raglai (Rắc Lây) sinh ra và lớn lên ngay trong lòng Núi Chúa. Út Nhỏ giới thiệu mình tên Cao Văn Hiệp và nói gọn: "Anh chỉ cần có sức khỏe, còn lại em lo hết!".


"Rừng núi dang tay"

Sáng hôm sau, Út Nhỏ đã đón tôi tại ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải với một balô đầy đủ lều, võng, đồ ăn, xoong nồi... Cậu thanh niên Rắc Lây cao chỉ 1,5m, người nhỏ thó, da cháy nắng quẩy chiếc balô to hơn cả thân mình một cách nhẹ nhàng xăm xăm đi trước dẫn đường.

Từ thôn Đá Hang, một làng Rắc Lây bên hồ Nước Ngọt lớn nhất trên Núi Chúa, con đường rừng 5km len theo vách núi dựng đứng ngược theo con suối Bàng Cơ đều đã được xây dựng bậc đá lên đến độ cao hơn 500m. Những bậc thang đá ngoằn ngoèo né những khối đá núi chồng lên nhau san sát, luồn qua các rừng cây gai găng đặc trưng vùng khô hạn với gai tủa chi chít từ gốc đến nhọn đang mùa thay lá, lòn dưới những vòm cây chuối khỉ đang mùa trổ bông thơm như hương ổi chín vàng rực, các cây rụng lá đặc trưng của vùng bán khô hạn... đã phải xây dựng trong hai năm 2014, 2015 mới hoàn tất.

Sau một ngày lội rừng 8km từ biển lên, chúng tôi dừng lại trên đồi Ô Lim ở độ cao 800m. Điểm nghỉ chân là một trảng cỏ tranh có bề ngang chừng 200m, vắt ngang từ dãy núi này sang dãy núi khác như một dải lụa xanh trắng thấp thoáng xen giữa màu xanh đậm đặc trưng của rừng nguyên sinh.

Nhiều chuyên gia cho rằng trảng cỏ tranh này là vết tích của một đợt rải thảm bom vào thời chiến tranh. Từ đây nhìn xuống vẫn có thể nhìn thấy từng đợt sóng bạc từ biển xanh mênh mông vỗ vào hỏm cát giữa các chân núi thò ra biển.

Giấc ngủ đêm trên núi của chúng tôi sau đó trở nên chập chờn khi trời nổi gió lớn. Trong tiếng hú liên hồi của gió, chiếc lều cắm nơi khe suối thấp, nép bên một sườn đồi có nhiều cây gỗ lớn thi thoảng rung lắc như muốn bị giật quăng đi.

Đêm không yên giấc đã khiến hành trình hôm sau trở nên khó khăn đối với tôi. Phải mất 2 giờ đồng hồ bám theo các rễ cây cổ thụ để vượt qua nhiều đoạn dốc gần như dựng đứng, những đồi cỏ tranh mà người đi trước chỉ 2 bước chân đã ở trên đầu người đi sau, luồn qua những thân cây gốc to bằng 3 vòng tay người lớn... chúng tôi mới thấy được phiến đá rêu xanh, phía trên có đặt một trụ bêtông vuông cao chừng 1 thước nằm lọt thỏm giữa các tán cây cổ thụ.


Đó là cột mốc đánh dấu độ cao 1.039m trên đỉnh Núi Chúa.

Cột mốc trên đỉnh Núi Chúa ở độ cao 1.039m - Ảnh: SƠN LÂM


Khối núi chắn bão

Hành trình xuống núi gian nan hơn nhiều so với đường lên. Chúng tôi phải xuống gần chục con dốc dựng đứng khác cho một đoạn đường 14km từ đỉnh núi.

Những cây vừng sâm đang mùa trổ hoa trắng hồng, những đồi hoa sim xen lẫn hoa mua tím biếc cả một trảng đồi, hình ảnh thiên nhiên độc đáo không dễ được thưởng thức đó cũng không giúp bước chân tôi bớt nặng nhọc. Nửa đường, Út Nhỏ đã phải choàng thêm cái balô nặng gần chục ký của tôi, cả hai mới có thể xuống được đến con suối Lồ Ồ dưới dân núi kịp trước khi tắt nắng.

"Đây là con đường ngắn nhất để xuống núi rồi. Trước đây, đường xuống núi vòng qua một hướng khác ít độ dốc nhưng dài hơn 9km. Mỗi lần đi về từ đỉnh phải đến hơn 9 giờ tối, rất khó khăn nên mới chọn con đường mới này", anh Trần Văn Tiếp - giám đốc Vườn quốc gia Núi Chúa - nói khi đón chúng tôi tại bãi biển có tên là Bãi Hỏm.

"Chắc không có một hành trình leo núi nào từ biển lên đến đỉnh núi cao cả ngàn mét như ở đây. Nếu đi vào khoảng hai tháng nữa, sim, nhót rừng, say vào mùa, vừa ăn vừa đi chắc sẽ bớt mệt hơn", anh Tiếp cười tếu táo như muốn xoa bớt cơn đau đang âm ỉ hai chân của tôi.

Cây hoàng đàn giả, một loài thông lá kim cổ thụ nằm gần đỉnh Núi Chúa cho thấy sự đa dạng của tất cả kiểu rừng Việt Nam hội tụ nơi đây - Ảnh: SƠN LÂM

Lý giải về tên gọi Núi Chúa, anh Tiếp cho biết cả vùng này là một dãy núi tảng vòm rộng khoảng 300km2 và có độ cao trung bình 800m đến 1.000m. Người Pháp khi vào Đông Dương đã từng chọn vùng này làm cứ điểm để ngăn chặn các cuộc cách mạng chống thực dân. Đỉnh núi cao nhất trong hệ thống núi này đã được người Pháp đặt tên là đỉnh Cô Tuy. Một tấm bảng gỗ đánh dấu độ cao của đỉnh Cô Tuy được người Pháp dựng còn tồn tại đến năm 2005, Cục Đo đạc và bản đồ Việt Nam trong một chuyến khảo sát mới thay thế bằng cột mốc bêtông mà chúng tôi đã thấy trên đỉnh.

"Nhưng với bà con Rắc Lây và cả những người Việt về sinh sống ở vùng này từ sớm, cứ ngọn núi nào cao nhất thì người ta hay gọi là Núi Chúa. Dần dần tên gọi Cô Tuy cũng lui vào dĩ vãng, Núi Chúa cũng trở thành tên chính thức thay thế trên hệ thống bản đồ Việt Nam và trở thành tên gọi chung cho cả khối núi này. Đỉnh Núi Ông cao 970m mà chúng ta có thể nhìn thấy từ chân núi, người ta cũng gọi là Núi Chúa Em", anh Tiếp giải thích thêm.

Anh Nguyễn Thành Trung - phó phòng khoa học và hợp tác quốc tế Vườn quốc gia Núi Chúa - còn cho biết thêm nếu chỉ tính riêng các hệ thống núi ven biển Việt Nam, thì Núi Chúa là khối núi có đỉnh cao nhất.

"Chính nhờ có khối núi to lớn, chắn ngay cửa biển như vậy nên tỉnh Ninh Thuận rất ít mưa bão. Biển nổi gió thì trên núi này lại có gió to như đêm qua các bạn leo núi gặp phải", anh Trung nhận định.

Cũng theo anh Trung, vì là khối núi cao đặc thù ven biển, góp phần tạo địa thế "lòng chảo" nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt đã khiến Ninh Thuận trở thành vùng nắng nóng, khô hạn và ít mưa nhất trong cả nước. Đó cũng là lý do Vườn quốc gia Núi Chúa không chỉ mang trong mình hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng của Đông Nam Á, mà khối núi cao hơn 1.000m nằm sát biển còn mang trong mình tất cả các kiểu rừng của Việt Nam, từ bán khô hạn chuyển tiếp đến rừng kín thường xanh và kiểu rừng hỗn giao cây lá rộng - lá kim nhiệt đới.

Núi Chúa nhìn từ Hang Rái, nơi đặt ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa - Ảnh: SƠN LÂM


Đàn voọc bên đường

Ngày 14-4, Ninh Thuận tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận.

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa rộng hơn 106.000ha cả đất liền và biển thuộc các huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, TP Phan Rang Tháp Chàm và Ninh Phước của tỉnh Ninh Thuận. Trong đó có vùng lõi là khu vực 15.000ha rừng và biển được canh giữ nghiêm ngặt 36 năm qua.

Theo hồ sơ được UNESCO công nhận, vùng dự trữ sinh quyển Núi Chúa đại diện cho hệ sinh thái rừng khô hạn nhiệt đới đang có 54 loài thực vật và 46 loài động vật quý hiếm.

Chuyến đi này của chúng tôi được đánh giá là rất may mắn, khi gặp đến 4 đàn voọc chà vá chân đen sinh sống ở các khu rừng khác nhau. Trong đó, đàn voọc chà vá chân đen trên suối Ô Lim có đến hơn 30 con. Những đàn khác từ 10 đến hơn 20 con. Từ độ cao khoảng 300m trở lên, vùng rừng này được giữ nguyên sinh, không thấy bất cứ dấu vết nào của con người ngoài lối mòn đi lên đỉnh đã được vườn quốc gia tổ chức thành tour lên đỉnh Núi Chúa từ năm 2009 đến nay.

"Cứ tìm thấy chỗ nào không dốc quá, dễ phát rừng thì dọn lại đốt một khoảnh rồi gieo hạt thôi. Có điều mỗi lần ăn rừng như vậy chỉ là


Kỳ tới: Người con Núi Chúa đã bỏ “ăn rừng”

Tối 15-9 (giờ Việt Nam), hai khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam là Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) đã chính thức được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Chia sẻ Facebook