Nửa đêm xông vào nhà dân tát phụ nữ, Phó Trưởng Công an phường có vi phạm pháp luật?
Theo luật sư, nếu kết quả điều tra cho thấy việc bắt người được thực hiện trái luật, các cán bộ phường Sông Bằng không thực hiện công vụ thì hành vi của ông Đoàn có thể được xác định là hành vi cố ý gây thương tích.
Sáng 5/5, trao đổi với PV Infonet , Đại tá Vũ Hồng Quang, Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng cho biết: “Cơ quan Công an TP Cao Bằng, đã có kết quả xác minh vụ Phó trưởng Công an phường Sông Bằng đánh phụ nữ, chỉ đạo bắt giữ người trong đêm tại phường Đề Thám.
Nói về vụ việc nêu trên, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa (Hà Nội) cho biết: “Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn: giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lãnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.
Còn đối với việc bắt người là biện pháp ngăn chặn có tính cưỡng chế nghiêm khắc, thì việc bắt người nhất thiết phải tuân thủ các căn cứ, trình tự, thủ tục chặt chẽ mà pháp luật quy định.
Theo khoản 3 Điều 113 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015, biện pháp bắt người là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự được áp dụng với bị can, bị cáo, người đang bị truy nã và trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang thì áp dụng đối với người chưa bị khởi tố về hình sự nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội của họ, ngăn ngừa họ trốn tránh pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã.
Quyền con người và quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân là hai trong những quyền có giá trị cao nhất được pháp luật bảo vệ, được quy định chặt chẽ trong Bộ Luật tố tụng hình sự, để tạo cơ sở cho hoạt động bắt người đúng thực tiễn, tránh vận dụng biện pháp bắt người một cách tùy tiện, dẫn đến bắt oan người vô tội, bắt không đúng thủ tục, bắt trái thẩm quyền.
Biện pháp cưỡng chế bắt người bản chất là biện pháp cưỡng chế, tác động trực tiếp đến quyền tự do thẩn thể của công dân, tuy nhiên lại không nhằm xâm phạm tới thân thể họ như là sự trừng phạt hành vi họ đã thực hiện mà chỉ nhằm ngăn chặn tội phạm diễn ra và hạn chế sự nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, cơ quan tiến hành tố tụng không được xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm của người bị bắt”.
Liên quan đến vụ việc bắt người tại phường Đề Thám, TP Cao Bằng của ông Đặng Đình Đoàn, luật sư Hoàng Tùng cho rằng: “Hành vi bắt người của cán bộ Công an phường Sông Bằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Thời điểm thực hiện bắt người được xác định là 23 giờ, do đó cần làm rõ việc bắt người này đã thực hiện đúng quy định hay chưa? Có thuộc trường hợp được bắt người vào ban đêm hay không? Bởi trong quá trình tiến hành, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần có tài liệu, chứng cứ cần thiết chứng minh người bị bắt đó là đối tượng bị áp dụng biện pháp bắt người.
Kết luận điều tra về việc bắt người tại vụ việc này là căn cứ xác định trách nhiệm đối với hành vi đánh người của Phó trưởng Công an phường Sông Bằng. Hành vi đánh người của Phó trưởng Công an phường Sông Bằng xâm phạm trực tiếp đến quyền về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người phụ nữ được pháp luật bảo vệ, đáng bị phê phán và thể hiện sự thiếu khách quan và yếu kém trong nghiệp vụ của vị cán bộ này”.
Căn cứ tổn hại sức khỏe của người phụ nữ, tính chất của hành vi đánh người thì vị cán bộ này có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.
Liên quan đến vụ việc này, vào sáng nay (5/5), theo thông tin từ Công an TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, vào khoảng 22h30 ngày 28/4, ông Đặng Đình Đoàn, Phó trưởng Công an phường Sông Bằng, trực tại trụ sở thì nhận được tin báo từ ông Nguyễn Văn Mạnh, bác sĩ Bệnh viện 103 Cao Bằng, về việc bị một người đàn ông tên Nam nhắn tin lăng mạ, đe dọa.
Sau đó, ông Mạnh nhờ ông Đoàn - Phó Trưởng Công an phường Sông Bằng giúp đỡ và đến quán cắt tóc My Hair Salon (ở phường Đề Thám) để gặp Nam.
Trong quá trình làm việc với cơ quan công an, ông Mạnh và ông Đoàn cho biết có quan hệ với nhau từ trước nên ông Đoàn đã chỉ đạo một cán bộ công an phường, đi ô tô riêng đến đón bác sĩ Mạnh rồi cùng nhau đến tiệm cắt tóc của anh Nam.
Đến quán cắt tóc, ông Đoàn yêu cầu anh Nam về trụ sở Công an phường Đề Thám để làm việc nhưng người đàn ông này không đồng ý. Hai bên xảy ra cãi vã, xô xát. Ngay sau đó, ông Đoàn cho biết trước thái độ của nhóm người tại hiện trường mà ông đã thiếu kiềm chế, tát vào đầu chị Triệu Mùi Khe và anh Phùng Đức Nam.
Sau đó, tổ công tác Công an phường Đề Thám đã đến can ngăn, lập biên bản vụ việc. Sáng 29/4, Công an phường Đề Thám mời hai bên lên trụ sở để làm việc và được sự đồng ý hòa giải của các bên.
Công an tỉnh Cao Bằng đánh giá ông Đặng Đình Đoàn đã có một số vi phạm về quy trình công tác, quy tắc ứng xử của lực lượng công an. Vị Phó trưởng công an phường thiếu kiềm chế, có hành vi xâm hại đến sức khỏe công dân, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của lực lượng công an và cần xử lý nghiêm.
Công an tỉnh Cao Bằng yêu cầu lãnh đạo Công an TP Cao Bằng tiếp tục xác minh và thực hiện quy trình kiểm điểm xử lý kỷ luật với ông Đoàn, báo cáo trước ngày 10/5.
Đại tá Nông Văn Kiên, Giám đốc công an TP Cao Bằng khẳng định sẽ có hình thức xử lý nghiêm với ông Đặng Đình Đoàn. Bên cạnh đó, Đại tá Kiên cũng cho biết sẽ làm rõ chi tiết vị bác sĩ Bệnh viện 103 Cao Bằng gọi điện, rủ chị Khe đi khám bệnh lúc đêm. "Chúng tôi sẽ làm rõ tất cả các chi tiết để hiểu bản chất vụ việc. Nếu có vi phạm sẽ xử lý", Đại tá Kiên nói.
Sông Yên