Nữ tỷ phú giàu nhất châu Á mất một nửa tài sản vì bất động sản
Việc hàng loạt người mua nhà từ chối thanh toán thế chấp đã ảnh hưởng đến rất cá nhân và các công ty của Trung Quốc, đặc biệt là bà Dương Huệ Nghiên - đồng chủ tịch của nhà phát triển bất động sản Country Garden.
Đầu năm nay, đồng chủ tịch của Country Garden vẫn giữ danh hiệu là nữ tỷ phú giàu nhất châu Á. Khối tài sản 23,7 tỷ USD của Dương Huệ Nghiên cao hơn nhiều so với khối tài sản của 2 nữ tỷ phú khác là Phan Hồng Vy và Ngô Á Quân (với tổng giá trị tài sản là 13 tỷ USD), theo Bloomberg Billionaires Index.
Tuy nhiên, ngay cả Country Garden cũng đang phải đối mặt với những "cơn gió ngược", khi có nhiều dự án chưa hoàn thiện đang bị ảnh hưởng bởi việc nhiều người mua nhà từ chối thanh toán khoản thế chấp 2 nghìn tỷ NDT (269 tỷ USD). Công ty này từng là nhà xây dựng được mệnh danh là "hình mẫu" của Trung Quốc. Song, hôm 27/7, Country Garden lại cho biết họ đang tìm cách huy động 2,83 tỷ HKD (361 triệu USD) bằng cách phát hành cổ phiếu mới với giá chiết khấu.
Chỉ trong 7 tháng, khối tài sản của bà Dương Huệ Nghiên đã giảm hơn 1 nửa xuống còn 11,3 tỷ USD, chỉ riêng trong ngày thứ Tư vừa qua mất gần 2 tỷ USD. Theo đó, vị trí trên bảng xếp hạng tỷ phú của bà đang bị lung lay và hiện chỉ đứng trước bà Phan Hồng Vy – với 11,2 tỷ USD tài sản đến từ hoạt động kinh doanh ngành dầu khí.
Giá trị tài sản của bà Dương Huệ Nghiên sụt giảm mạnh làm dấy lên mối lo ngại về cuộc khủng hoảng thanh toán thế chấp của Trung Quốc có thể gây thiệt hại cho hệ thống tài chính cùng các kênh cấp vốn. Có thể thấy, ngay cả nhà phát triển lớn nhất là Country Garden cũng không thể né tránh tác động của những vấn đề đang diễn ra.
Kenny Ng – chiến lược gia tại Everbright Securities International, cho biết: "Các nhà đầu tư lo ngại rằng việc người mua nhà từ chối thanh toán thế chấp sẽ diễn ra cả ở Country Garden vì nhiều dự án của họ cũng đang vấp phải sự phản đối. Công ty này vẫn còn một số khoản nợ tương đối lớn chưa thanh toán và cũng ghi nhận đà tăng trưởng doanh số chậm hơn trong tháng 6."
Những nỗ lực của Trung Quốc trong việc kiểm soát giá bất động sản và mục tiêu "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Tập Cận Bình đang kìm cương một ngành tăng trưởng nhanh chóng, vốn chiếm khoảng 70% tài sản của các hộ gia đình. Cuộc khủng hoảng bất động sản nay đã có một bước ngoặt khác, khi hàng trăm nghìn người mua nhà không chấp nhận thanh toán các khoản thế chấp với những dự án đang bị tạm dừng.
Dù cổ phiếu của Country Garden vẫn tăng giá tương đối tốt ở thời điểm cuộc khủng hoảng bắt đầu diễn ra, nhưng nay lại chuẩn bị ghi nhận tháng có diễn biến tệ nhất kể từ năm 2011. Ngoài ra, một trong các trái phiếu của nhà phát triển này cũng giao dịch ở mức thấp kỷ lục vào tuần trước. Hôm 27/7, cổ phiếu Country Garden giảm 15% - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3, và kết thúc đà hồi phục kéo dài 2 ngày với kỳ vọng chính phủ sẽ có biện pháp hỗ trợ.
Một trong những thách thức lớn nhất của Country Garden là hầu hết các dự án mới ra mắt của họ đều ở các thành phố cấp 3 và cấp 2. Đây là nơi có nhóm người mua nhà thu nhập thấp hơn và có khả năng họ lỡ hạn thanh toán nếu nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Trong khi đó, doanh thu tính theo hợp đồng của Country Garden đã giảm gần 40% xuống còn 185,1 tỷ NDT trong 6 tháng đầu năm nay. Bloomberg Intelligence dự đoán, nhà phát triển này sẽ cần chi tới 337 tỷ NDT – nhiều hơn các công ty cùng ngành, để "bơm tiền" cho các dự án bất động sản được bán trước nhưng chưa được đặt mua.
Tháng trước, Moody’s Investors Service đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Country Garden xuống hạng "rác" và thay đổi triển vọng thành "tiêu cực", với lý do là tình hình tài chính xấu đi và khả năng tiếp cận nguồn vốn dài hạn sụt giảm.
Tuy nhiên, Country Garden thông báo họ không có bất kỳ dự án nào bị bỏ dở và tình trạng thiếu nhà hay nguồn cung vẫn đang ở mức độ hợp lý tại các thành phố hạng 3 và 4 mà họ phát triển.
Bà Dương Huệ Nghiên và ông Dương Quốc Cường thành lập Country Garden tại thành phố Phật Sơn. Nhà phát triển này đã mở rộng quy mô nhanh chóng trong 3 thập kỷ qua khi thị trường bất động sản Trung Quốc nở rộ. Câu khẩu hiệu "Hãy sở hữu một ngôi nhà 5 sao" đã giúp họ trở thành nhà phát triển nổi tiếng ở tỉnh Quảng Đông, Hồng Kông và cả quốc gia khác. Tính đến cuối năm ngoái, công ty có hơn 3.000 dự án ở 299 thành phố của Trung Quốc và một số ít ở Malaysia.
Ông Dương Quốc Cường đã chuyển nhượng cổ phần cho bà Huệ Nghiên - con gái thứ 2 của ông, vào năm 2005, sau khi bà gia nhập công ty với tư cách là trợ lý riêng của ông để tìm hiểu cách làm việc và trở thành người kế vị. Đến năm 25 tuổi, bà trở thành người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc. Năm 2012, bà đảm nhiệm chức phó chủ tịch của Country Garden và nhậm chức đồng chủ tịch vào năm 2018.
Bà Huệ Nghiên hiện sở hữu khoảng 60% cổ phần trong Country Garden và 43% cổ phần trong mảng cung cấp dịch vụ quản lý. Chồng, chị gái và em họ của bà đều là thành viên của HĐQT.
Để xoa dịu những căng thẳng trong bối cảnh hiện tại, cơ quan quản lý ngành ngân hàng của Trung Quốc đã cam kết đảm bảo các nhà phát triển bất động sản sẽ hoàn thiện các dự án được bán trước. Ngoài ra, Reuters trước đó đưa tin, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã thông qua kế hoạch thành lập quỹ hỗ trợ một số nhà phát triển và các công ty bất động sản.
Giới chức Bắc Kinh vẫn có hướng dẫn cụ thể đến các ngân hàng về cách xử lý khủng hoảng. Theo đó, các ngân hàng sẽ điều chỉnh mức độ tiếp xúc với ngành bất động sản và có cách tiếp cận thận trọng hơn nhằm tránh nợ xấu.
Tham khảo Bloomberg
Theo Chi Lan
Nhịp Sống Kinh tế