Nữ thạc sĩ bỏ lương "9 chữ số", về Việt Nam khởi nghiệp với trang sức thiết kế
Bỏ mức lương hấp dẫn ở tập đoàn Philips Hà Lan, về Việt Nam bắt đầu từ số 0, cô gái trẻ Nguyễn Thị Bảo Châu quyết định khởi nghiệp và gắn bó với công việc kinh doanh trang sức tự thiết kế.
Sinh ra và lớn lên tại TP. HCM, từng tốt nghiệp cử nhân ngành Quản trị và kinh doanh quốc tế tại HAN University of Applied Sciences (Hà Lan); học bổng Erasmus Exchange Program - ESSCA Ecole de management (Angers, Pháp); tốt nghiệp thạc sĩ ngành Quản trị chiến lược quốc tế tại University of York (Anh), nhưng Nguyễn Thị Bảo Châu (sinh năm 1995) lại chọn trở về Việt Nam khởi nghiệp kinh doanh trang sức tự thiết kế. Sau hơn 4 năm vượt mọi khó khăn, bỏ ngoài tai sự phản đối của gia đình, cô gái trẻ giờ đây đang bước những bước đầu tiên trong hành trình kinh doanh trang sức đá quý theo "tiếng gọi đam mê" của mình.
Bỏ mức lương nghìn đô tại Philips (Hà Lan), tiếp tục đến Anh học lên thạc sĩ
Trong quá trình học chương trình cử nhân tại HAN, Châu là thực tập sinh tại các tập đoàn lớn chuyên nghiệp thuộc Forbes 500 như ASML và Paccar. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Quản trị và kinh doanh quốc tế tại Hà Lan - đất nước có hệ thống giáo dục hàng đầu trên thế giới (năm 2018), Châu chọn tập đoàn Philips - tập đoàn điện tử đa quốc gia hàng đầu ở Hà Lan là nơi đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp của mình. Tại đây, Châu đảm nhiệm vị trí "IT control and service manager", trở thành quản lý người Việt nhỏ tuổi nhất sau hơn 2 tháng làm việc chính thức và nhận một số giải thưởng "nhân viên xuất sắc" của Philips, với mức thu nhập lên đến "9 chữ số" một tháng và được nhiều đãi ngộ tốt từ công ty.
Đến tháng 9-2020, cô gái trẻ có những dự định phát triển sự nghiệp khác. Châu quyết định tạm gác lại công việc ở Philips và nhận 2 học bổng thạc sĩ tại Bournemouth University (Anh). Tuy nhiên, cô chọn University of York (Anh) để tiếp tục học lên cao học ngành Quản trị chiến lược quốc tế. Cô cũng là thành viên IAM năm 2020-2021 (Institute of Administrative Management, London, Anh) - thành viên học viện quản lý lâu đời nhất tại Anh dành cho nhà quản lý và quản trị kinh doanh chuyên nghiệp.
Châu tốt nghiệp thạc sĩ loại giỏi năm 2021 tại University of York, sau đó được một số công ty và tập đoàn lớn mời về làm việc như Cognizant, Global Enterprise Partners, Portera (Hà Lan); Inxigma (Luxembourg); Fisher Investments Europe, Crown Holdings, Joe Browns (Anh), deVere (Dubai)... Trong số đó, cô tiếp tục được Philips mời về làm việc với những đãi ngộ cao hơn lúc trước. Châu đã có thể có công việc với mức thu nhập đáng mong ước và cuộc sống ổn định tại nước ngoài, dù vậy, cô không chọn làm việc ở các công ty lớn mà chọn trở về quê hương.
Nữ thạc sĩ về Việt Nam… bán trang sức
Sau những nỗ lực và hành trình học tập 6 năm tại Hà Lan, Pháp và Anh, đến tháng 10/2021, Châu quyết định trở về nước với mong muốn xây dựng thương hiệu trang sức thiết kế cho riêng mình. Từ niềm yêu thích với trang sức khi còn là một cô bé, cho đến một lần vô tình xem qua các mẫu mã vòng đá trên Internet vào năm 2018, cơ duyên này đã đưa Châu đến với con đường khởi nghiệp kinh doanh.
"Mình vô tình xem được bài viết giới thiệu sản phẩm vòng đá trên mạng và cá nhân nhận thấy nó hơi đắt tiền, nên mình mua đá riêng ở Châu Âu về, tự xỏ dây làm vòng. Sau đó mình mới hỏi bạn bè ở Hà Lan, ai cần thì mình giúp họ làm vòng, chủ yếu là giúp đỡ thôi chứ chưa buôn bán gì. Dần dần, mình tự kinh doanh online sản phẩm vòng đá tự thiết kế. Trong một lần về Việt Nam, thời điểm này, mình vừa học thạc sĩ, làm việc ở Philips cho đến hết hợp đồng, vừa bán trang sức handmade trên mạng. Lúc đó, ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh đã xuất hiện trong đầu, nhưng mình chưa đủ vốn để tự mở một cửa hàng riêng"
"Nhà mình không ủng hộ mình kinh doanh lắm, thế nên lúc đầu mình phải tự xoay sở vốn để mở cửa hàng. Sau khi tự mình gây dựng sự nghiệp ổn định ở bước đầu, ba mẹ mình mới giúp mình một ít. Kinh doanh trang sức cần vốn khá nặng vì đây là lĩnh vực thời trang cao cấp, nên ban đầu mình gặp khá nhiều khó khăn khi phải tự thân làm hết tất cả.
Mình muốn mọi người ai cũng có thể tiếp cận với lĩnh vực thời trang cao cấp này. Mình hiểu rằng, nhắc đến trang sức đá quý, mọi người sẽ thường nghĩ đến hai chữ "đắt tiền" thôi. Biết được tâm lý đó, nên mình quyết định tạo ra các sản phẩm từ đá thiên nhiên chất lượng nhưng giá thành cũng phải "mềm" để phù hợp cho tất cả đối tượng từ học sinh - sinh viên cho đến người đi làm. Vì đã có kinh nghiệm làm hơn 4 năm, nên mình hoàn toàn tự tin mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất",
Với một ít vốn tích cóp từ những năm đi làm ở Philips, Châu khởi sự kinh doanh, tạo nên thương hiệu cho chính mình bằng sản phẩm trang sức thiết kế với đa dạng mẫu mã và màu sắc độc đáo, được chính tay cô thiết kế nhờ vào kinh nghiệm học tập, quan sát từ các nền văn hóa Châu Âu. Cô làm chủ một cửa hàng trang sức mang màu sắc riêng mình tại quận 3, TP. HCM có tên Golden River Jewelry. Tất cả các khâu từ ý tưởng thiết kế, quảng bá thương hiệu, chiến lược tiếp thị sản phẩm... đều do chính tay Châu đảm nhiệm. Sản phẩm được nhen nhóm từ mong ước mang đến cho tất cả mọi người ở nhiều độ tuổi khác nhau được tiếp cận với lĩnh vực thời trang cao cấp này có giá dao động từ vài chục nghìn đến vài triệu trên một sản phẩm.
Mong muốn đưa thương hiệu Việt Nam lan tỏa nhiều hơn đến bạn bè các nước
Là người dám nghĩ dám làm, có niềm tin mạnh mẽ vào chính mình, Châu hy vọng bản thân có thể đóng góp chút ít cho quê hương những sản phẩm trang sức đá mang thương hiệu Việt Nam vươn tầm đến nước bạn. "Là một người con đất Việt, mình muốn làm một điều gì đó có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước mình".
. "Mình đi qua nhiều nước Châu Âu, nhận thấy các mẫu mã trang sức đá ở các quốc gia này rất đẹp. Mình học hỏi và quan sát được khá nhiều thứ từ những nước này, do đó các sản phẩm của mình luôn có cập nhật các xu hướng phương Tây. Đây là điều khá khá biệt so với các sản phẩm trang sức Việt Nam mang phong cách Á Đông khác. Mình nghĩ rằng, muốn tiếp cận rộng hơn đến các thị trường khác, mình phải cố gắng tạo một sự mới mẻ hơn, khác biệt trong sản phẩm của mình"
Nhớ lại quá trình dấn thân vào lĩnh vực trang sức, từ những ngày đầu tiên với các vị khách "đặc biệt" ở Hà Lan, sau hơn 4 năm, đến nay Châu đã có cho mình nguồn khách hàng kha khá ở Việt Nam. Đây là động lực để bản thân cô không ngừng nâng cao và cải thiện dịch vụ. Khách hàng tìm đến thương hiệu trang sức của cô bởi sự uy tín và chất lượng do chính tay cô tự xây dựng. Bởi, khi làm bất cứ điều gì, Châu luôn tâm niệm đặt sự uy tín và mong muốn của người tiêu dùng lên hàng đầu.
"Mình muốn xây dựng thương hiệu không chỉ cho riêng mình, mà còn cho thị trường trang sức của Việt Nam nữa. Trong thời gian tới, mình sẽ xem xét, cân nhắc và học hỏi nhiều điều từ các nhãn hàng trang sức lớn khác của Việt Nam, vì đây là lĩnh vực trang sức - cần sự công phu, tỉ mỉ và tốn khá nhiều thời gian, công sức để tạo lòng tin với khách hàng. Mình xác định, đã theo nghề này thì phải theo đến cùng, không thể bỏ ngang"
Cô gái trẻ khá tâm đắc với câu nói của Khổng Tử, "không quan trọng việc bạn đi chậm thế nào, miễn là đừng bao giờ dừng lại". "Nếu quay lại lựa chọn, mình vẫn chọn con đường kinh doanh trang sức, dù sớm hay muộn" , Châu kết luận.
Ảnh: NVCC.
Phương Uyên
Theo Trí Thức Trẻ