Nữ sinh trung học Nhật Bản bị cấm cột tóc đuôi ngựa, vì sao?
Báo Mainichi của Nhật đưa tin một giáo viên đã "giật" tóc một nữ sinh 16 tuổi vì phát hiện tóc của cô bé không phải là màu đen theo quy định của trường ở thành phố Kobe.
Các trường học Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng với những quy định nghiêm ngặt về đầu tóc, trang phục và ngoại hình. Tuy nhiên, đang có làn sóng phản kháng yêu cầu nới lỏng các quy định dành cho nữ sinh trung học nước này.
Nữ sinh này sau đó chia sẻ với báo Mainichi rằng mái tóc của cô đã hơi ngả sang màu nâu sẫm do hóa chất tại một hồ bơi, nơi cô thường xuyên đến. Kể từ sau vụ bị "giật tóc", nữ sinh này được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu và phải nghỉ học 2 tuần.
Dư luận xã hội tại Nhật đã kêu gọi bỏ quy định bắt buộc nữ sinh phải để tóc đen, thẳng và không được cột tóc đuôi ngựa.
Lý giải cho việc cấm cột tóc đuôi ngựa, các nhà giáo dục cho rằng cổ của các nữ sinh có thể "kích thích tình dục" nam sinh.
Trước phản ứng của các phụ huynh đối với các quy định gò bó quá mức với học sinh, nhiều trường dần nới lỏng một số quy định. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại các giá trị bảo thủ đã ăn sâu và sẽ mất nhiều thời gian để khắc phục.
Ông Makoto Watanabe, giáo sư truyền thông và báo chí tại Đại học Hokkaido Bunkyo ở thành phố Sapporo, nói với Đài truyền hình Đức DW : "Phần lớn sinh viên năm thứ nhất trong trường đại học của tôi đã nhuộm tóc. Đó là một hành động phản kháng có ý thức. Các trường học vẫn còn quá bảo thủ và họ đang bám vào những giá trị cũ trong một xã hội đã hoàn toàn thay đổi".
Sinh viên Emi Izawa đang học năm nhất tại một trường đại học ở Tokyo và nhuộm đuôi tóc dài thành màu xám bạc, mốt thời trang của nhiều bạn trẻ Nhật Bản hiện nay, cho biết giờ đây cô rất vui vì mình đã có nhiều tự do hơn và được là chính mình, thay vì tất cả đều trông giống nhau.
Các công đoàn giáo viên của Nhật cũng chỉ trích việc áp dụng quá nghiêm ngặt các quy tắc về quần áo và kiểu tóc trong trường học.
Bà Tamaki Terazawa, phát ngôn viên của Liên đoàn Giáo viên quốc gia, nói với Đài DW rằng nhà trường không cần thiết phải trở lại kỷ nguyên Minh Trị - thời kỳ 44 năm công nghiệp hóa nhanh chóng cho đến tháng 7-1912.
Bà cho rằng hệ thống giáo dục mà Nhật Bản có ngày nay bắt đầu từ thời Minh Trị và sao chép một cách hiệu quả hệ thống quân sự, với sự đồng nhất về quần áo, cặp sách mà trẻ em mang đến trường cũng như kiểu dáng và màu tóc của chúng.
"Vào thời điểm đó, chính phủ nói rằng sự đồng nhất trong xã hội là cần thiết cho sự phát triển của quốc gia, nhưng đó là cách đây hơn 100 năm và Nhật Bản bây giờ rất khác", bà nói thêm.
Tuy nhiên, trước sự phản kháng liên tục từ các lãnh đạo trường học bảo thủ, bà nhận định sẽ mất nhiều thời gian cải tổ hơn.
Bà Terazawa đang hy vọng vào một thế hệ giáo viên trẻ mới đang bước vào trường học, những người này sẽ cởi mở hơn trong việc để những đứa trẻ được thoải mái một chút trong môi trường học đường,
Trong nhiều thập kỷ, các trường học Nhật Bản đã xác định phong cách và hành động của một học sinh qua 15 tiêu chuẩn. Quy định về trang phục của trường công thường buộc các nữ sinh phải để tóc đen, mặc đồ lót màu trắng và xõa tóc.
Chiều dài của váy được quy định nghiêm ngặt và tuyệt đối phải dài quá đầu gối.
Đối với nam sinh, họ không được để tóc 2 khối, gồm rất ngắn ở hai bên và phía sau đầu, nhưng lại dài ở đỉnh và phía trước đầu.
Một tỉnh ở Afghanistan cấm cạo râu và bật nhạc trong tiệm cắt tóc Chính quyền tỉnh Helmand ở Afghanistan cấm thợ cắt tóc cạo râu và bật nhạc trong tiệm. Ai vi phạm sẽ bị xử lý miễn khiếu nại.