Nữ sinh lớp 6 bị đánh hội đồng ở quận Hà Đông: Cần trang bị cho học sinh kỹ năng giải quyết mâu thuẫn
Mới đây, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một nữ sinh quỳ gối, bị nhóm bạn tát, đánh dã man.
Đoạn clip ghi lại cảnh một nữ sinh quỳ trên nền đất và bị một nhóm bạn tát, đạp vào người. Ngay cả khi nữ sinh vừa quỳ khóc vừa chắp tay xin lỗi nhưng nhóm bạn vẫn không chịu tha, đồng thời vừa chửi bới văng tục và lao vào xé áo nạn nhân.
Đặc biệt, dù xung quanh có nhiều người chứng kiến vụ bạo lực nhưng không ai can ngăn, thậm chí còn hò reo cổ vũ.
Ngay sau khi clip được tung lên mạng xã hội, nhiều người rất bức xúc trước vấn nạn bạo lực học đường và đề nghị cơ quan chức năng xác minh vụ việc để có hình thức xử lý.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội), xác nhận những học sinh trong đoạn clip này đang học tại Trường THCS Biên Giang.
Sự việc xảy ra vào trưa 18/8, các em đánh nhau ngoài khu vực trường học sau khi nhà trường tổ chức cho học sinh các khối lớp tập trung nhận lớp, chuẩn bị cho năm học mới.
Nữ sinh bị đánh học lớp 6A3, Trường THCS Biên Giang, còn hai nữ sinh tham gia đánh người là N.B.Ng. (lớp 7A4) và C. P. A. (lớp 8D).
Sau khi nhận được phản ánh vụ việc nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp liên quan làm việc với học sinh và phụ huynh để tìm hiểu nguyên nhân. Theo đó, mâu thuẫn giữa ba nữ sinh xảy ra từ khi các em học tiểu học.
"Ban đầu, các gia đình đồng ý hòa giải vì nữ sinh lớp 6 không biết mình bị mâu thuẫn, đến khi nhà trường mời đến mới nắm được. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, khi xem được clip con bị đánh, gia đình nạn nhân không đồng ý hòa giải và trình báo sự việc tới Công an phường Biên Giang. Hiện nay, vụ việc đang được công an xác minh, làm rõ", đại diện Phòng GD&ĐT Hà Đông cho biết thêm.
Nhận diện bạo lực học đường thế nào?
Các chuyên gia giáo dục và nhiều nhà giáo cho rằng bạo lực học đường ngày càng phức tạp, khó nhận diện. Nguyên nhân là tâm lý học sinh ngày nay khác trước rất nhiều, các em dậy thì sớm nên tâm lý cũng phát triển theo; học sinh cũng được tiếp cận với nhiều luồng thông tin từ internet, trong đó không ít những thông tin vô bổ, lệch lạc.
Khi không có sự quan tâm, uốn nắn kịp thời từ gia đình và nhà trường thì các em sẽ bắt chước, hành động y như vậy và cho đó là "oai", mới xứng đáng là chơi trội, "anh hùng". Một ánh nhìn bình thường cũng có thể bị cho là "nhìn đểu", một bình luận vô tình trên Facebook cũng bị quy kết rồi mâu thuẫn, thêm chuyện học trò yêu đương, ghen tuông… đều rất phức tạp.
Đặc biệt, khi mâu thuẫn nảy sinh, người trong cuộc thường thiếu sáng suốt vì đang nóng giận, khó mà chịu nghe đối phương thuyết phục.
Vì vậy, cần một người thứ ba sáng suốt thuyết phục. Nếu những lời hay lẽ phải được truyền đạt từ một người khác có đủ cả uy tín và thành ý thì sẽ dễ giảng hòa hơn.
Các trường cũng cần tuyên truyền cho học sinh nhận diện mâu thuẫn và trong những trường hợp nào, mâu thuẫn có tính chất nghiêm trọng thì nên nhờ đến sự can thiệp của người lớn như thầy cô, bố mẹ để kịp thời giải quyết.
Tất nhiên, nếu những mâu thuẫn của học trò được quan tâm giải quyết đến cùng thì sẽ có tác động tích cực và cũng sẽ không xuất hiện những vụ học sinh đánh hội đồng dẫn đến hậu quả đau lòng.
Đó là chưa kể, quá trình tìm cách hóa giải mâu thuẫn sẽ làm cho các học sinh gần nhau hơn, thân nhau hơn. Những mối quan hệ hay tình bạn một khi đã có mâu thuẫn mà không giải quyết thì quan hệ sẽ ngày càng xấu đi và hậu quả là vô cùng khôn lường.
Vì thế, ngoài việc được tuyên truyền về kỹ năng nhận diện mâu thuẫn, học sinh cũng cần được giáo dục quản lý cảm xúc của mình, để khi xảy ra xung đột có thể kiểm soát được bản thân.
Bắt đầu từ những va chạm rất nhỏ thường ngày, hãy thay đổi suy nghĩ, phân tích sự việc theo hướng tích cực để có thể thông cảm với người khác. Từ những chuyện nhỏ, nếu kiểm soát được cảm xúc thì khi gặp sự cố lớn, bạn cũng có thể dễ cảm thông và sẽ hành xử khôn ngoan hơn.
Nhận thấy tính chất nghiêm trọng, nguy hiểm của bạo lực học đường đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, thời gian gần đây, các nhà trường đã quan tâm và tích cực trong công tác giáo dục đạo đức, văn hóa học đường cho học sinh.
Trong đó hầu hết các trường đã thành lập các Tổ tư vấn tâm lý học sinh, giúp các em có nơi để tâm sự, sẻ chia, giải tỏa những thắc mắc, vấn đề khó nói của tâm sinh lý lứa tuổi. Cùng với đó là tăng cường các hoạt động ngoại khóa, các tiết học tập thể, giáo dục kĩ năng sống... nhằm tạo sân chơi lành mạnh, giúp học sinh có cơ hội thể hiện mình, giao lưu chia sẻ, tăng mối đoàn kết trong cộng đồng học sinh, góp phần ngăn chặn bạo lực học đường.
Mặt khác, các nhà trường cũng thành lập và đẩy mạnh hoạt động của các câu lạc bộ như: Tiếng Anh, Nghệ thuật, Tin học, Kĩ năng sống, TDTT… với hình thức hoạt động phong phú, bổ ích, giúp học sinh nhiệt tình tham gia, thấy bổ ích, không sa đà vào thế giới ảo của game online và hạn chế đáng kể những tác động xấu từ các trò chơi bạo lực.
Hoàng Thanh