Nữ sinh 2k7 học vượt cấp, nhận học bổng 7,6 tỷ đồng từ Đại học Harvard
Nữ sinh Trần Ngọc Hân sinh năm 2007, quê gốc TP.HCM và hiện đang sinh sống tại New Zealand, vừa giành được học bổng 7,6 tỷ đồng ngành Tâm lý học của Đại học Harvard - một trong những ngôi trường hàng đầu thế giới.
Theo đó, Ngọc Hân được Đại học Harvard cấp học bổng 325.000 USD (tương đương khoảng 7,6 tỷ đồng) cho 4 năm học, trong đó bao gồm học phí, sinh hoạt phí. Từ New Zealand sang Mỹ theo học tại Harvard, bố mẹ của Ngọc Hân cũng không cần đóng thêm khoản chi phí nào cho con bởi cô bạn đã nhận được việc làm thêm tại trường với mức lương 3.500 USD/năm học (khoảng 82 triệu đồng).
Đại học Harvard là một ngôi trường có tỷ lệ chọi rất cao, bởi, mỗi năm có khoảng 40.000 hồ sơ xin nhập học, trong đó có 8.000 ứng viên đạt điểm tuyệt đối điểm GPA và khoảng trên dưới 3.000 người đạt điểm tuyệt đối SAT ở bài thi Toán và Tư duy ngôn ngữ. Tuy nhiên, trường chỉ nhận 2.000 sinh viên mỗi năm. Không chỉ đòi hỏi điểm SAT, GPA cao, ứng viên còn phải có bài luận, thư giới thiệu, thành tích hoạt động ngoại khóa để thuyết phục nhà trường.
Ngọc Hân sang New Zealand sinh sống cùng gia đình vào năm 2016. Bắt đầu hành trình học tập tại xứ người, cô bạn sinh năm 2007 vẫn giữ được nếp học tập chăm chỉ, phát huy niềm đam mê với các môn khoa học xã hội và học vượt cấp. Tiến sĩ Lý Ngọc Điệp chia sẻ với Thanh Niên : " Ngọc Hân đã học xong chương trình lớp 12 của môn toán, xác suất thống kê, xã hội học và văn học Anh từ hồi đầu năm học, trong khi các môn khác thì vẫn học bình thường ".
Nữ sinh tích cóp tiền học bổng để mua vàng tặng mẹ.
Từ năm lớp 6, Ngọc Hân đã xác định có đam mê với ngành Tâm lý học và phấn đấu theo học ngành này trong tương lai. Nữ sinh Sài thành tự tìm tòi đọc thêm nhiều sách, tài liệu liên quan đến ngành và tự chọn học các môn học về tâm lý.
Cũng bắt đầu từ cấp 2, Ngọc Hân liệt kê ra danh sách 5 trường Đại học dạy Tâm lý học tốt nhất trên thế giới, trong đó có Harvard. Ngành học này hoàn toàn là ước mơ của Ngọc Hân, mẹ chỉ đóng vai trò định hướng và giải thích thêm khi con cần sự giúp đỡ.
Tiến sĩ Lý Ngọc Điệp chia sẻ với Thanh Niên, chị và ông xã thống nhất cách dạy con không đòn roi, mắng mỏ hay ép buộc con làm những điều con không thích. Mọi sự việc, phụ huynh nên nhẫn nại giải thích cho con hiểu.
Chị cố gắng tạo cho con một thời khóa biểu, thói quen sinh hoạt có nề nếp từ bé bằng cách đồng hành cùng con. Đến giờ ăn, cả gia đình sẽ cùng nhau ăn cơm, đến giờ học, chị cũng tranh thủ ngồi vào bàn học cùng con. Từ những điều vô cùng nhỏ nhặt đó, Ngọc Hân dần hình thành được nếp sống kỷ luật.
Tương tự câu chuyện của Ngọc Hân, một nữ sinh gốc Việt tên Nguyễn Nam Huyên (SN 2003, hiện sống tại Mỹ) cũng khiến dân tình không khỏi ngưỡng mộ với thành tích học tập xuất sắc của mình. Sang Mỹ cùng mẹ năm 4 tuổi, Nam Huyên học vượt 2 lần và đỗ vào Đại học năm 16 tuổi. Cô bạn tốt nghiệp Cử nhân chỉ sau 3 năm và nhận được suất học bổng toàn phần khóa học Tiến sĩ mà không cần học Cao học trước đó.
Cô bé Alisa Phạm cũng khiến dân tình không khỏi trầm trồ khi vào Đại học từ năm 11 tuổi, trở thành sinh viên nhỏ tuổi nhất tại trường Đại học Công nghệ Auckland (AUT) - ngôi trường xếp hạng top 1% thế giới. Bên cạnh đó, Alisa cũng nhận được thư đồng ý tại các trường khác như: Đại học Canterbury, Đại học Waikato, Đại học Massey và Học viện Công nghệ Unitec... Phải nói, đây là một thành tích hiếm thấy.
Trở lại với Ngọc Hân, có thể nói, nhờ sự cố gắng không ngừng của bản thân và nhận được nền tảng giáo dục tốt từ bố mẹ, cô bạn đã sớm hình thành được niềm đam mê với sách vở, nghiên cứu, đặc biệt là ở lĩnh vực Tâm lý học. Tin rằng nữ sinh người Việt sẽ có khoảng thời gian học tập tuyệt vời tại Đại học Harvard, cống hiến được nhiều giá trị cho xã hội. Bạn nghĩ sao về câu chuyện của Ngọc Hân? Hãy chia sẻ cùng Bestie nhé!
Xem thêm nhiều bài viết hấp dẫn tại Bestie!
5 CÂU HỎI KHI ĐỀ RA MỤC TIÊU CHO CUỘC ĐỜI!
Từ năm cấp 2, Ngọc Hân đã đề ra mục tiêu theo học ngành Tâm lý học tại một trong những ngôi trường tốt nhất thế giới. Đó là động lực giúp cô bạn sớm phấn đấu và đạt được thành công ngoài mong đợi. Ai trong chúng ta cũng cần có những mục tiêu và trước khi đề ra những điều muốn đạt được, chúng ta cần tự hỏi bản thân 5 câu hỏi sau:
Trước hết, đừng ngần ngại hỏi bản thân liệu rằng ta có hoàn thành được mục tiêu ấy không? Đừng dại ôm đồm những điều quá cao siêu, nằm ngoài khả năng của mình để rồi cảm thấy thất vọng mỗi khi vấp ngã. Hãy cứ ước mơ, nhưng cũng đừng xa rời thực tế bạn nhé. Nếu mục tiêu của bạn quá lớn, hãy thử chia nhỏ thành các giai đoạn và xem xét liệu mình có hoàn thành tốt hay không?...