Nữ điều dưỡng khoa Sản và những câu chuyện nghề lạ lùng: Không sinh nở vẫn có sữa nuôi con...
Từng hỗ trợ cho hơn 1000 sản phụ nuôi con bằng sữa mẹ, nữ điều dưỡng Lê Thị Thảo gây ấn tượng với rất nhiều bác sĩ, điều dưỡng tại bệnh viện và là tấm gương sáng đầy kiên trì, đam mê nuôi con bằng sữa mẹ, luôn hết lòng vì bệnh nhân.
Khoa Sản luôn là một chuyên khoa đặc biệt tại bệnh viện. Đó là nơi những mong chờ hạnh phúc và áp lực bủa vây luôn đan xen đồng hành. Bước chân vào khoa Sản của Bệnh viện Hồng Ngọc, tiếng khóc oe oe của trẻ sơ sinh xen lẫn tiếng cưng nựng, dỗ dành và cả hát ru của người nhà tạo nên một bản "hòa ca" thú vị.
Tôi có cuộc hẹn với chị Lê Thị Thảo vào giờ nghỉ trưa, nhưng đã đến sớm 30 phút để có thời gian quan sát thật kỹ công việc của những nữ điều dưỡng khoa Sản.
Phải đến quá 12h, khi đã chắc chắn rằng tất cả sản phụ đều đã ăn trưa, và "dàn hòa ca" nhí đi ngủ, chị Thảo mới hối hả ra gặp tôi để trả lời lời phỏng vấn.
Cuộc phỏng vấn thi thoảng bị gián đoạn bởi các cuộc gọi từ khoa, tin nhắn báo máy rung liên tục. Cứ nghĩ rằng chỉ bác sĩ khoa cấp cứu mới như vậy, nhưng có lẽ đó là đặc điểm chung của những người làm nghề y.
Suốt buổi phỏng vấn, chị say sưa kể cho tôi rất nhiều câu chuyện làm nghề với đôi mắt luôn ánh lên niềm hạnh phúc và tự hào. Những câu chuyện của chị không gay cấn, cũng chẳng thót tim như các ca cấp cứu giữa lằn ranh sinh tử nhưng vẫn khiến người nghe ngạc nhiên trước những điều tưởng chừng như không thể, xúc động nghẹn ngào trước khát khao làm mẹ mãnh liệt của những người phụ nữ và niềm hạnh phúc vỡ òa mỗi khi chào đón một thiên thần chào đời.
Từ nỗi lo không có tiền mua sữa cho con đến đam mê nuôi con bằng sữa mẹ
Là một người mẹ giúp hàng nghìn đứa trẻ được uống sữa mẹ ngay sau sinh, hẳn chị có nhiều kinh nghiệm cho con bú mẹ hoàn toàn?
Không đâu! Cách đây 18 năm, lúc sinh bé thứ nhất, chị không có nhiều kinh nghiệm nuôi con, hai vợ chồng cũng không có điều kiện, trong đầu chỉ nghĩ là "Không có tiền mua sữa, nếu giờ đẻ con ra thì mình cho con ăn bằng gì?".
Lúc đó trong nhà tiền ăn còn eo hẹp, nói gì đến mua sữa cho con. Chị sinh con già tháng mà chỉ nặng có 2,8 kg; cũng muốn ăn uống tẩm bổ cho nhiều sữa mà kinh tế không có. Chị chỉ biết massage nhiều và tự dặn bản thân bớt lo nghĩ lung tung, chỉ nghĩ đến vì con. Không ngờ nhờ vậy mà sữa về nhiều, con đủ ti, phát triển khỏe mạnh, tháng đầu tiên tăng 1,9kg. Mẹ thì bớt áp lực phải mua sữa cho con.
Từ đó trở đi, mình nhận ra tự mình còn có thể vượt qua khó khăn để nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, thì mọi người cũng có thể làm được.
Đây hẳn là công việc không dễ dàng, vì mỗi người mẹ một hoàn cảnh. Trong quá trình hỗ trợ các mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, chị có gặp khó khăn gì không?
Không phải mẹ cứ cho con bú là có sữa. Nếu biết cách, việc cho con bú sẽ trở nên dễ dàng, không hề vật vã. Có một số ít mẹ không muốn cho con ti mẹ. Trong khi nếu được uống sữa mẹ hoàn toàn thì con có thể nhận được toàn bộ nguồn dinh dưỡng mà không có bất cứ một thứ gì có thể thay thế được, lại mang đến rất nhiều lợi ích cho cả mẹ và con.
Nên chị và các đồng nghiệp tại khoa đã tích cực hỗ trợ và tư vấn cho tất cả các mẹ ngay từ khi khám bầu cho đến khi sinh tại viện. Nhưng cũng do nhiều lý do, có một số ít các mẹ không muốn hoặc không thể cho con ti, nhiều mẹ bị tắc tia sữa rất đau đớn, phát sốt, thậm chí áp xe,...
Có mẹ thì chưa thực sự muốn nuôi con bằng sữa mẹ mà muốn nhàn hơn nên cho con ăn sữa công thức. Như vậy thì trách nhiệm của mình là tư vấn và giải thích cho mẹ hiểu rõ tác dụng của việc này đối với cả mẹ và con như thế nào.
"Bàn tay vàng massage gọi sữa về"
Chắc hẳn kinh nghiệm và kỹ thuật của chị rất tốt nên mới được ưu ái gọi như vậy?
(Cười tươi) Không dám nhận là bàn tay vàng đâu. Chỉ muốn làm sao cho con được uống những giọt sữa vàng của mẹ là mừng rồi! Chắc tại chị là người massage ngực cho các mẹ nhiều trong khoa. Chị thấy mình rất hợp tư vấn và massage cho sản phụ các vấn đề liên quan đến sữa mẹ như: gọi sữa về sớm, xử lý tắc sữa, áp xe...
Có trường hợp mẹ ở Hải Dương bị áp xe ngực, đến bệnh viện tuyến đầu TW điều trị kháng sinh 2 ngày, hút sữa và VLTL không đỡ. Đêm hôm ấy là một đêm trực đáng nhớ với chị. Bệnh nhân sốt cao 40 độ, cả nhà kéo nhau từ Hải Dương lên khá vất vả. Bạn ấy đau muốn chết vì bầu ngực căng cứng. Hôm đó, bác sĩ có cho làm xét nghiệm và khoảng 1-2h sáng hôm đó mới dùng hạ sốt, chờ đến sáng để dùng kháng sinh nhưng chị thức trắng đêm đó để massage cho bạn ấy. Sau khoảng hơn 1 tiếng là bạn ấy cắt sốt luôn, bầu vú mềm dần và đến sáng hôm sau cả nhà lại kéo nhau về mà không cần dùng đến kháng sinh nữa.
Bị "bắt đền" vì làm mất nhân xơ vú và chuyện hi hữu mẹ có sữa tự thân cho con nuôi
Trong suốt quãng thời gian làm nghề, câu chuyện nào khiến chị cảm thấy vui nhất?
Có mẹ ở Gia Lâm có 2 con rồi mới phát hiện ra u vú, nhân xơ vú. Sau sinh lần 3 bị tắc sữa, bầu ngực căng cứng. Chị massage cho bạn ấy 3 ngày, hướng dẫn cách cho con bú và vệ sinh bầu vú như thế nào. Sau 1 tuần đến viện, chị làm tiếp và kiểm tra lại thì thấy dần đỡ tắc sữa, cho con bú bình thường. Sau 3 tháng, 5 tháng đi kiểm tra sức khỏe đã không còn thấy nhân xơ nữa nhưng vẫn chưa tin. Một năm sau chụp CT và siêu âm lại thì 2 bầu vú hoàn toàn bình thường, không có vấn đề gì. Bạn ấy quay lại viện để tìm chị và "bắt đền" vì "Tại sao chị làm mất nhân xơ của em?". Đùa thế chứ bạn ấy cảm ơn chị nhiều, hai chị em mừng lắm!
Vậy câu chuyện nào khiến chị xúc động nhất?
Chị nhớ nhất là trường hợp hai vợ chồng hiếm muộn, chồng 58 tuổi, vợ 48 tuổi mới bắt đầu làm thụ tinh ống nghiệm khắp mọi nơi, sang cả Thái Lan nhưng không được. Lần thứ 8 ở Hồng Ngọc thì chị ấy nói chắc sẽ không làm nữa.
Chị khuyên chị ấy cố đặt cược vào lần cuối cùng này. Và may mắn đã mỉm cười với 2 vợ chồng chị ấy khi sinh được bé trai. Chị cũng vui lây vì cuối cùng, sau bao năm chờ đợi và vất vả, họ đã có trái ngọt.
Nhưng niềm vui cũng đi cùng với thử thách về việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Hai vợ chồng có tuổi chăm một đứa trẻ khá lúng túng và loay hoay. Mẹ thì chưa có sữa ngay, hồi đó ở viện chưa có sữa thanh trùng tặng miễn phí cho mẹ như bây giờ. Chị động viên chị ấy vì bé được 2,5kg cũng là khỏe mạnh bình thường rồi nên không cần lo lắng quá. Chỉ cần mình cố gắng một chút thì sẽ có sữa cho con thôi.May mắn tiếp tục mỉm cười khi buổi sáng chị ấy sinh thì buổi chiều đã có vài giọt sữa rồi và đến tối thì có khoảng 5-7ml. Thế là chị ấy nuôi con bằng sữa mẹ đến tận khi bé 3 tuổi.
Có trường hợp nào chị thấy hi hữu nhất mình từng gặp không?
Có một bạn trẻ vì mắc một số bệnh phụ khoa, phải đến 8 hay 10 năm làm IVF, IUI... mà vẫn khó có con. Cuối cùng gia đình quyết định xin con nuôi. Bé mới sinh ra, mẹ sợ mình không có sữa cho con bú sẽ thiếu đi sự kết nối tình mẫu tử, cũng lo con uống sữa công thức hoàn toàn sẽ dễ bị ốm và không tốt như sữa mẹ.
Chị khuyên bạn ấy nên dành tình cảm cho con, âu yếm con, ăn đủ chất, vệ sinh đầu vú và cứ cho con bú hằng ngày, 3 tiếng/lần, mỗi lần 20-30 phút. Cứ dần dần như vậy, thoải mái tinh thần, chơi với con và cho con bú đều thì sữa sẽ mau về. Hơn nữa, việc ôm ấp và cho con bú cũng giúp bồi đắp tình cảm giữa mẹ và bé
Đến ngày thứ 10 thì ti bạn ấy bắt đầu tiết sữa. Bạn ấy mừng quá gọi ngay cho chị khoe "Ôi chị ơi đầu ti em có sữa rồi này!"
Chị bảo: "Thế thì tốt quá rồi, em yên tâm rồi nhé! Giờ cho con bú kéo dài từng bữa ra khoảng 30-40 phút. Khi cho bú thì dùng tay massage từ trên bầu ngực xuống núm vú."
Và rồi dần dần bạn ấy có nhiều sữa hơn để cho con bú đến tận 2 tuổi. May mắn hơn là sau khi cho con bú thì 6 tháng sau bạn ấy có thai tự nhiên.
Thực tế thì có những người làm bà rồi vẫn có thể cho cháu bú được, nhưng với chị thì câu chuyện của người mẹ này là hi hữu trong quãng thời gian làm nghề.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi phải dừng lại giữa chừng vì chị có cuộc gọi gấp cần quay lại khu nội trú ngay. Tôi cũng chưa kịp nói lời chào và cảm ơn vì chị đã dành thời gian để kể cho tôi nghe những câu chuyện làm nghề đầy ý nghĩa.
Lắng nghe những chia sẻ của chị Thảo, mới càng thấu hiểu rằng cho con bú là bản năng thiêng liêng của người mẹ. Chỉ cần thực hiện đúng cách và kiên trì thì người phụ nữ nào cũng có thể nuôi con bằng sữa mẹ.