''Nụ cười USD'' xuất hiện trong giao dịch tiền tệ: USD khó đảo chiều?
Đồng USD quá mạnh đang gây nhiều bất ổn trên thế giới. Trong bối cảnh đó, tiền VNĐ sẽ chịu tác động như thế nào. Đây sẽ là những chủ đề kinh tế - tài chính toàn cầu được chúng tôi trao đổi với GS.TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.
''Nụ cười USD'' xuất hiện trong giao dịch tiền tệ: USD khó đảo chiều?
PHÓNG VIÊN: - Đồng USD siêu mạnh đang tạo ra sự tàn phá toàn cầu trên nhiều lĩnh vực. Vậy GS có thể nhận xét ngắn gọn vì sao, sau việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,75% lần thứ 3 liên tiếp vào ngày 21-9, dẫn tới việc đồng USD ngày càng tăng thêm sức mạnh và các thị trường phản ứng quá tiêu cực?
GS.TS TRẦN NGỌC THƠ: - Chúng ta nên bàn chuyện hậu trường có khi hiểu rõ hơn. Số là trong phát biểu tại cuộc họp ngày 21-9, có 2 người thân cận của Chủ tịch Fed ông Jerome Powell tiết lộ với tờ Wall Street Journal, rằng ông đã quyết định thay đổi phần lớn bài phát biểu dạng mơ hồ chiến thuật thường thấy bằng thứ ngôn ngữ “tiếng Anh” đơn giản nhất: Chống lạm phát vô điều kiện, chống cho đến khi sứ mệnh hoàn thành, chấp nhận bất kỳ giá nào kể cả suy thoái để tiêu diệt lạm phát… Nói thẳng thừng vậy để không bất kỳ ai hiểu lầm thông điệp của ông như lần tăng lãi suất 0,75% đầu tiên vào tháng 7-2022.
Vào tháng 7, thị trường cảm nhận những thông điệp của Powell thực sự chưa dứt khoát. Điều này làm dấy lên hy vọng ở Phố Wall, rằng Fed sẽ sớm nới lỏng lãi suất sau khi thắt quá chặt. Và thị trường chứng khoán Mỹ tràn ngập sắc xanh sau đó. Nhưng Fed rất phiền lòng khi nhà đầu tư hiểu sai ý định của họ. Thế là trong phát biểu sau lần tăng lãi suất 0,75% lần thứ 3, Powell như thể ám chỉ đang quăng “dây thòng lọng” ra rồi nói, đây quý vị hiểu rõ ý tôi nói rồi chứ.
Lãi suất Fed hiện đang ở mức 3-3,25%, tăng ba điểm phần trăm kể từ đầu năm đã là quá sốc. Thế nhưng Powell nói chưa kết thúc đâu, “dây thòng lọng” còn siết chặt hơn nữa với dự báo lãi suất có thể tăng 4,5-4,75% vào cuối năm 2023, cao hơn nhiều so với dự kiến.
- Thưa GS, so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Nhật Bản và nhiều nước giàu khác chỉ có một mục tiêu ổn định lạm phát, còn Quốc hội Mỹ lại giao Fed với mục tiêu kép là ổn định lạm phát và toàn dụng lao động. Vậy Fed chống lạm phát thế nào được khi còn phải bảo đảm nhiệm vụ thứ hai là tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp 4%? Trong khi thị trường đang nhìn vào vế thất nghiệp là phương trình kiểm soát lạm phát của Fed để đồn đoán có khả năng lãi suất sẽ không thể tăng quá cao như vậy được?
- Fed có 2 nhiệm vụ: Toàn dụng lao động và giá cả ổn định; Fed xác định nhiệm vụ thứ hai với mục tiêu lạm phát chính thức 2%. Trong hầu hết 2 thập niên qua, Fed tập trung vào toàn dụng lao động vì lạm phát hiếm khi chệch khỏi mức 2%. Tuy nhiên, hiện nay với lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm qua, Fed khẳng định chỉ cho đến khi lạm phát giảm thật mạnh mới trở lại mục tiêu kép, còn hiện tại nhiệm vụ duy nhất là giảm lạm phát với bất kỳ giá nào.
Do vậy không còn cái gọi là hạ cánh mềm theo nghĩa lạm phát giảm mà không tạo nỗi đau lớn trong làn sóng thất nghiệp. Powell đã giải trình quyết tâm này trước Quốc hội với thông điệp, rằng những gì đang diễn ra có thể không phải là một chiến thuật chính xác hoàn toàn, nhưng điều quan trọng nhất là ông can đảm để tin rằng ông đủ quyết tâm làm những gì ông cho rằng đó là điều đúng. Và Powell không nhận được sự phản đối đáng chú ý nào từ Quốc hội.
Fed bây giờ sẽ dám chấp nhận tỷ lệ thất nghiệp tăng lên khoảng 5%, từ mức 3,7% hiện tại. Mức độ gia tăng này chưa bao giờ đạt được nếu không tạo ra một cuộc suy thoái. Nghiên cứu do Bank of America công bố cho thấy, từ năm 1980 đến năm 2020, khi lạm phát tăng trên 5% ở các nền kinh tế giàu, trung bình phải mất 10 năm để giảm trở lại mức 2%. Khả năng về một cuộc suy thoái kinh tế dai dẳng ngày càng hiện hữu vào năm 2023.
- Bây giờ chúng ta quay sang chủ đề đồng USD . Những diễn biến trên cho thấy khả năng một cuộc suy thoái kinh tế Mỹ ngày càng cao. Đồng USD đáng lý sẽ yếu hoặc có dấu hiệu yếu đi? Thế nhưng bất chấp mọi diễn biến, mỗi phiên giao dịch, mỗi ngày trôi qua, đồng USD liên tục lập kỷ lục tăng giá đỉnh mới. Phải giải thích điều này như thế nào, thưa GS?
- Đây là câu hỏi thú vị, đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ mọi giới. Có rất nhiều cách giải thích tại sao đồng USD quá mạnh. Nhưng mới đây tôi chú ý một manh mối đến từ phân tích trên tờ Wall Street Journal. Đó là không loại trừ giới đầu tư toàn cầu đang xem xét nghiêm túc lý thuyết đồng USD cười ( USD Smile Theory) trong các giao dịch tiền tệ.
Hãy tưởng tượng 2 khóe miệng nụ cười (ảnh minh họa), ta sẽ thấy lý thuyết rất đơn giản. Ở khóe bên phải miệng biểu hiện USD thường tăng giá khi kinh tế Mỹ khỏe mạnh. Nhưng ở khóe miệng bên trái, biểu hiện kinh tế Mỹ suy thoái, rồi kéo theo kinh tế toàn cầu suy thoái theo, USD lại trở thành tài sản an toàn của giới đầu tư toàn cầu. USD chỉ suy yếu khi kinh tế Mỹ suy yếu, trong khi phía còn lại là kinh tế toàn cầu tăng trưởng phải đồng bộ, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Những điểm đánh dấu này được khái quát trong lý thuyết đồng USD cười, và đã được kiểm chứng khá chính xác trong suốt chiều dài lịch sử của đồng USD .
Chính xác là vào tháng 7, đồng USD bắt đầu cho thấy một nụ cười rất tươi khi lần đầu tiên sau 20 năm đạt mức ngang giá với đồng Eur. Có thể nói đây là mức tăng đột biến, vì mức tăng này thường phải diễn ra dần dần trong 2 hoặc 3 năm.
Có thể sắp tới đây USD sẽ ngang giá với bảng Anh. Hiện USD đã tăng khoảng 20% so với rổ tiền tệ toàn cầu và đang ở mức cao nhất trong 20 năm. Cho đến giờ không có bất kỳ ai biết được khi nào chu kỳ này kết thúc.
- Vậy thì đồng USD cười hiện nay và tương lai sẽ có diện mạo thế nào?
- Dù ở cực nào của “nụ cười”, USD luôn hấp dẫn các nhà đầu tư, vì đây là đồng tiền dự trữ quốc tế chính toàn cầu với 7.000 tỷ USD đang được dự trữ ở 149 quốc gia. Các nhà đầu tư thích đồng USD vì nó ổn định. Họ tin rằng Fed sẽ luôn tham gia vào việc củng cố thị trường và can thiệp vào nền kinh tế bằng bất cứ giá nào để tránh USD sụp đổ.
Khi nền kinh tế khỏe mạnh, giá USD ở trên cùng bên phải (hình minh họa). Các nhà đầu tư hào hứng và tin rằng tăng trưởng kinh tế tăng tốc, nền kinh tế phát triển nóng làm lãi suất tăng theo. Nếu mua ngoại tệ, ai cũng muốn chọn loại tiền mang lại lợi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm.
Mặt khác, khi nền kinh tế gặp khó khăn, các nhà đầu tư cũng tìm đến USD vì đây là tài sản an toàn. Đây là tâm lý sợ hãi và cũng là tình huống cả thế giới đang gặp phải lúc này, ở cực bên trái (hình minh họa). USD tăng giá gần đây là kết quả kết hợp của biến động thị trường, lo ngại về tăng trưởng, các vấn đề về chuỗi cung ứng khi Trung Quốc vẫn đang đối mặt với đại dịch Covid, khủng hoảng năng lượng châu Âu cũng như lạm phát toàn cầu.
Tất cả khiến mọi người coi đồng USD như một nơi trú ẩn an toàn, theo nghĩa nó phải là một tài sản có thể tự duy trì hoặc tăng giá trị trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Một mô hình của Ngân hàng Standard Chartered cho thấy, khoảng 45% sức mạnh gần đây của đồng USD bắt nguồn từ trạng thái trú ẩn an toàn của nó. Chúng ta hãy thử tưởng tượng, theo cảnh báo của World Bank, làn sóng tăng lãi suất quá nhanh, quá nguy hiểm hiện nay ở các nước, nhất là các nước giàu sẽ đưa kinh tế toàn cầu vào suy thoái. Chiến sự Nga-Ukraine thì không biết lúc nào kết thúc. Vậy còn tài sản an toàn nào hơn đồng USD ?
- Vậy theo GS khi nào đồng USD suy yếu?
- Các nhà kinh tế cho rằng, để USD suy yếu cần phải thỏa mãn 3 điều kiện. Thứ nhất, khoảng cách tăng trưởng giữa Mỹ và thế giới phải được thu hẹp. Điều này đòi hỏi Mỹ phải có một cuộc hạ cánh mềm, kết hợp đồng thời với tăng trưởng ở hầu hết các nước. Bởi nếu không chúng sẽ khơi mào cho một cuộc suy thoái đồng bộ ở tất cả các khu vực trên thế giới, càng kích hoạt làn sóng tìm đến tài sản an toàn đồng USD .
Thứ hai, áp lực giá cả và tiền lương phải giảm nhanh ở Mỹ. Điều này sẽ cho phép Fed giảm bớt lực thắt chặt tiền tệ, tức là rút bớt một số động lực hỗ trợ đà lên giá của đồng USD . Thứ ba, liên quan đến hai điều kiện đầu tiên: đồng USD yếu hơn đòi hỏi những tin tốt lành về năng lượng toàn cầu, nhất là ở châu Âu.
Nếu cuộc khủng hoảng năng lượng không được giải quyết ở châu Âu, chúng ta sẽ rất khó để thấy châu Âu thu hẹp khoảng cách tăng trưởng với Mỹ. Vả lại, khủng hoảng năng lượng là những cú sốc về các điều kiện thương mại có lợi cho các nhà xuất khẩu năng lượng, và là một cuộc trừng phạt tiền tệ cho các nhà nhập khẩu năng lượng.
Nhờ cuộc cách mạng đá phiến, kể từ năm 1952 Mỹ lần đầu tiên trở thành nhà xuất khẩu năng lượng ròng vào năm 2019, điều này càng làm cho nhu cầu USD trên thế giới tăng mạnh.
Song cho đến hiện tại, không có bất kỳ điều nào trong số 3 điều kiện trên thỏa mãn hay giảm nhiệt. Chỉ nhìn vào cái dễ kiểm chứng nhất là điều kiện thứ hai. Với việc nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp Mỹ quá cao như hiện nay, tốc độ tăng tiền lương đang quá cao, Fed đã phát đi thông điệp cho rằng họ không thể dựa vào giả thuyết sẽ có làn sóng lao động mới tham gia vào thị trường, để hy vọng làm giảm nhiệt nhanh chóng vòng xoáy giá cả-tiền lương: Fed không thể in người.
Nếu vậy, USD vẫn tiếp tục hùng mạnh. Một số bình phẩm quen thuộc về đồng USD giúp chúng ta hiểu thêm về nó: “chiếc áo sạch nhất trong giỏ đồ”; “người đàn ông một mắt trong vương quốc người mù”. Dường như ngày càng không nhiều người yêu USD ; họ chỉ thực sự không thích các lựa chọn thay thế. Ác cảm đó dường như ngày càng lớn khi USD thì cười tươi, nhưng không đem lại hạnh phúc cho nhiều người.
- GS có bình luận như thế nào về tỷ giá VNĐ/USD?
- Nếu áp cả 3 điều kiện đồng USD mạnh lên ở phần trên, hiện chưa thấy lý thuyết đồng USD cười đúng đối với tiền VNĐ. Điều kiện thứ nhất, khoảng cách tăng trưởng của Việt Nam đang ở vị thế không tệ so với Mỹ, chúng ta được đánh giá là nước có thành quả tăng trưởng tốt nhất châu Á và trên thế giới.
Điều kiện thứ hai, Việt Nam đang kiểm soát rất tốt lạm phát, kinh tế vĩ mô ổn định, làn sóng dịch chuyển vốn FDI vào Việt Nam đang ở mức rất cao. Điều kiện thứ ba, tác động khủng hoảng giá năng lượng đã được kiềm chế ở Việt Nam nhờ chính sách giảm thuế kịp thời của Chính phủ. So với phần còn lại của thế giới, trong số các điều kiện trên, chúng ta thấy ít có sự phân kỳ quá xa giữa Việt Nam và Mỹ.
Trong khi đó, so với phần còn lại của thế giới, chúng ta lại có phần trội hơn so với các đối tác thương mại chính là EU, Nhật Bản, Trung Quốc. Như vậy nếu so sánh tuyệt đối, tiền VNĐ hiện mất giá 4% so với USD , nhưng nếu so sánh tương đối với giỏ tiền tệ các đối tác thương mại lớn bị mất giá đến vài chục phần trăm, về tổng thể tiền VNĐ đang lên giá thực.
Giả dụ tỷ giá VNĐ so với USD có mất giá thêm vài phần trăm nữa cũng còn định giá thực rất cao.
- Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện này.
TRẦN HẢI thực hiện
SGĐTTC