Nữ CEO bỏ học Harvard để khởi nghiệp

Chia sẻ Facebook
20/04/2022 02:43:03

Trong nửa đầu những năm ở trường trung học, Sara Du, người Mỹ, dành phần lớn thời gian cho bóng rổ, bơi lội và chơi gôn.

Sara Du - Ảnh: Twitter


Cô chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ tham gia vào ngành khoa học máy tính. Du nói rằng chất xúc tác cho đam mê của cô chính là khi thấy em trai, người luôn dẫn trước cô trong kết quả học tập, bắt đầu được mẹ cho đi học ở các lớp khoa học máy tính.

Bắt đầu với C ++, Du tự học cách lập trình. Những ngày đầu tiên rất gian nan. Du đã dừng lại và thậm chí bắt đầu lại từ đầu nhiều lần. Cuối cùng, cô bắt đầu yêu thích logic của lập trình, trở nên giỏi hơn nhiều và thực tập với tư cách kỹ sư phần mềm tại nhiều công ty khởi nghiệp khác nhau trước khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Cũng từ đó về sau, lập trình đóng vai trò tiên quyết trong cuộc đời của Du. Chính kỹ năng lập trình đã giúp Du trở thành sinh viên ngành khoa học máy tính tại đại học danh tiếng Harvard. Nhưng rồi cũng chính ước mơ được lập trình phần mềm của Du đã thúc đẩy cô rời Đại học Harvard vào năm 2019, chỉ sau một năm nhập học.

"Tôi vào Harvard nhờ vào nền tảng khoa học máy tính của mình. Trớ trêu thay, việc học lập trình cũng khiến tôi nhận ra rằng mình có thể phát triển nhanh hơn thông qua việc xây dựng và trải nghiệm", Du nói.

"Tôi quyết định rời đi vì không muốn lãng phí những năm quan trọng trong một môi trường không phù hợp với mình", cô giải thích.

Vài tháng sau khi nghỉ học, Du và người bạn lâu năm Gregg Mojica đồng sáng lập Alloy Automation - một phần mềm cho phép bất kỳ thương hiệu nào trong lĩnh vực tiếp thị có thể thống nhất dữ liệu hoặc tự động hóa các chức năng trên công cụ thương mại điện tử của họ.

Khi vừa rời trường, Du thú thật cô không có ý tưởng mạnh mẽ về những gì mình muốn làm. Cô chỉ mong tạo ra được những công cụ khiến người khác yêu thích. Năm 2019, khái niệm API (giao diện lập trình ứng dụng) đã khá hoàn thiện. Trong khi đó, Du cũng bị thu hút bởi RPA (tự động hóa quy trình bằng robot) và các công cụ tự động hóa dựa trên API.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu là tuyển dụng những tài năng hàng đầu khi bị hạn chế về vốn và cạnh tranh với các công ty lớn hơn. Để vượt qua thách thức này, Alloy Automation đã thuê nhân viên đầu tiên trong thời gian xảy ra đại dịch và đã phát triển mạng lưới cả trực tuyến lẫn thị trường quốc tế. Hầu hết các công ty khởi nghiệp vẫn chưa nghĩ đến việc thuê các nhân sự tiềm năng từ nước ngoài khi mới bắt đầu thành lập. Chính vì vậy, công ty của Du có lợi thế nhờ bước đi đầu tiên.

Với nỗ lực tiếp cận được càng nhiều khách hàng càng tốt, Du xây dựng chiến lược cho phép bất kỳ ai sử dụng với gói miễn phí ban đầu để trải nghiệm. Việc định giá bắt đầu khi những tùy chỉnh về mức độ phức tạp của quy trình làm việc và quá trình tự động hóa tăng lên.

Một chiến lược khác mà Du và cộng sự đưa ra là đầu tư mạnh vào các đối tác công nghệ ngay từ đầu nhằm thiết kế các API hiệu quả hơn. Nhờ việc nỗ lực xây dựng các mối quan hệ này từ sớm, giờ đây hệ sinh thái đối tác của Alloy phát triển rất mạnh mẽ. Công ty cũng chú trọng vào thiết kế, vì Du tin rằng trải nghiệm người dùng tích cực làm giảm sự khó khăn trong quá trình học cách sử dụng ứng dụng.

"Chúng tôi là sản phẩm mới trong lĩnh vực thương mại điện tử, nên yếu tố này đặc biệt quan trọng. Người dùng có thể sẽ lo lắng khi thử tự động hóa, nhưng họ dễ bị thu hút bởi một giao diện đẹp và dễ tiếp cận", Du giải thích.

Anh Vũ Hải Nam đã quyết định từ bỏ suất học bổng tại Mỹ trên để chọn khởi nghiệp - với mong muốn tạo ra những sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng, thay đổi tư duy người dân về việc bảo vệ môi trường, chất lượng không khí.

Chia sẻ Facebook