Novaland: Nợ vay các tổ chức tín dụng 72.000 tỷ, tương đương 30% doanh thu chưa ghi nhận
Trong thời gian gần đây, sức khỏe tài chính của các Doanh nghiệp địa ốc là một trong những điểm mà thị trường quan tâm.
CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va ("Novaland" - mã NVL) vừa công bố Báo cáo tài chính cùng các thông tin tổng hợp hoạt động kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2022 với điểm đáng chú ý là kết quả bán hàng có nhiều điểm sáng trong giai đoạn khá thách thức của thị trường bất động sản.
Novaland cho biết trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị ký kết với các khách hàng đạt 73.000 tỷ đồng, tương đương 87% kết quả đạt được trong cả năm 2021. Tính từ năm 2019, tổng giá trị ký kết với khách hàng đạt 238 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 10 tỷ USD).
Tiến độ thanh toán của các hợp đồng thường có thời hạn từ 2 đến 3 năm, dòng tiền sẽ giúp Công ty có thể bảo đảm hoạt động kinh doanh, hạn chế những tác động từ các biến động trên thị trường tài chính, lãi suất cũng như chi phí nguyên vật liệu đầu vào.
Chi phí tài chính trong 9 tháng đầu năm 2022 ghi nhận ở mức xấp xỉ 3.500 tỷ đồng, đây là là con số khá hợp lý cho phép Công ty có cơ sở để tiếp tục giới thiệu các chính sách ưu đãi hấp dẫn, kích cầu thị trường, đồng hành và chia sẻ cùng với các khách hàng cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh.
Với công tác xây dựng được triển khai như cam kết, Novaland sẽ hạch toán doanh thu các hợp đồng nói trên từ Quý 4 năm 2022 và dự kiến sẽ có tỉ lệ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận lớn hơn trong năm 2023, giúp các chỉ số tài chính của Công ty trở nên tốt hơn.
Nợ vay các Tổ chức tín dụng xấp xỉ 3 tỷ USD, tương đương 30% doanh số bán hàng tích luỹ
Tính đến 30/9/2022, tổng tài sản của Novaland đạt 259.000 tỷ đồng, tăng trưởng 29% so với đầu năm.Trong đó, "của để dành" là các bất động sản đang phát triển đạt khoảng 130 nghìn tỷ, tương đương 50% tổng tài sản. Giá trị hàng tồn kho ghi nhận ở mức tương xứng với quy mô sản phẩm cùng chiến lược kinh doanh linh hoạt của Novaland trong những năm vừa qua.
Nợ vay các tổ chức tín dụng tại thời điểm 30/9 tăng 19% so với đầu năm lên mức 72 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 3 tỷ USD), tương đương 27.7% tổng tài sản và 30% doanh thu chưa ghi nhận được công bố là 238 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 10 tỷ USD).
Số doanh thu chưa ghi nhận này cũng là dòng tiền mà khách hàng sẽ thanh toán theo tiến độ cho Chủ đầu tư và sẽ được kết chuyển ghi nhận doanh thu khi Novaland bàn giao sản phẩm.
Cơ cấu nợ có sự phân bổ hợp lý khi nợ vay dài hạn chiếm xấp xỉ 60% tổng dư nợ, phù hợp với tiến độ phát triển tương đối dài hạn của các khu đại đô thị mà Novaland đang phát triển. Vốn chủ sở hữu sẽ cho thấy nhiều sự tăng trưởng khi Công ty tiến hành bàn giao sản phẩm và ghi nhận lợi nhuận, làm gia tăng khoản mục lợi nhuận chưa phân phối, từ đó cải thiện tỉ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu.
Trái phiếu và trái phiếu chuyển đổi chiếm 70% cơ cấu nợ (tương đương 50 nghìn tỷ đồng). Trên thực tế, đa số trái chủ của các khoản trái phiếu được Novaland phát hành là các Tổ chức Tín dụng, Ngân hàng uy tín trong nước và quốc tế và được đảm bảo bằng dòng tiền hoạt động kinh doanh và giới thiệu sản phẩm của Công ty.
Về hoạt động huy động vốn, Novaland là một trong số ít các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể đáp ứng các tiêu chí khắt khe để có thể phát hành thành công các công cụ tài chính trên các thị trường tài chính quốc tế, khẳng định sự tin tưởng của các tổ chức tài chính đối với hoạt động kinh doanh của công ty.
Nợ đến hạn thanh toán của Novaland trong 12 tháng tới ở mức 30 nghìn tỷ VND, tương đương 41% tổng giá trị bán hàng 9 tháng đầu năm 2022 hay 13% tổng giá trị bán hàng từ 2019, và với tiến độ xây dựng và bàn giao hiện nay, dòng tiền thu từ người mua nhà có thể bảo đảm khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính của Novaland.
Thị trường bất động sản đang có những diễn biến không thuận lợi, tạo ra các thách thức cho các Doanh nghiệp nói chung và Novaland cũng ko ngoại lệ, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội để có thể chứng minh vị thế của công ty trong ngành.