Nóng vì học và nóng vì thi
Nóng vì học phải là cảnh trong gia đình: bố học, mẹ học, con học, ông bà học.
Ở ta chỉ có thi cử mới nóng lên còn việc học chưa bao giờ… nóng cả. Nó cứ nguội ngắt mới chán! Nóng vì học là thế nào? Là thế này này:
Buổi đọc sách người đông như hội
Kì bình văn khách đến như mưa
(Thơ văn Đông Kinh nghĩa thục)
Chủ đề trong các câu chuyện bên bàn ăn, bàn uống nước sẽ là văn chương, nghệ thuật, khoa học, cải tạo xã hội, bảo vệ môi trường… chứ không phải lô đề, tài xỉu, chứng khoán, phân lô, hoạn lộ, lương bổng, thăng thưởng, đánh quả, chạy trường, chạy lớp…
Nóng vì học là cái nóng đều đều, sôi nổi và bền bỉ. Nóng vì thi là cái nóng rừng rực bốc cao ngùn ngụt nhưng sau đó lụi đi thành một đám tro tàn.
Từ xưa đến nay chỉ có các trường thi và gia đình có người đi thi là nóng!
Hãy đọc sách để thấy trường thi hương ngày xưa hót hòn họt như thế nào! Xuyên suốt lịch sử vẫn cứ hót hòn họt như thế. Xong rồi hết mùa thi lại vắng tanh vắng ngắt. Chẳng ai nói chuyện gì tới sách vở, văn chương, học thuật cả.
Ngày xưa các cụ nhà nho gặp nhau hay nói chuyện văn chương, kinh sử. Một cụ nào hay thơ đọc một bài thơ lên thì các cụ khác xin họa lại tưng bừng. Khoa cử Nho giáo có cái dở là dễ đưa người ta vào khuôn mẫu, tư duy cứng nhắc, nệ cổ… nhưng cái hay của nó là tạo ra sinh hoạt thanh nhã của tầng lớp có học. Đi học mà ai không có cái thanh nhã này thường bị coi là “vô học” chưa đủ tư cách tham gia vào tầng lớp nho sĩ cho dù làm tới vị trí nào đi nữa.
Bây giờ điều đáng buồn nhất chưa chắc đã phải là chuyện thế kỉ 21 rồi mà Việt Nam ta chưa có giải Nobel nào (trong khi Nhật Bản có gần 30 người giành giải này rồi).
Cũng không phải đáng buồn là Việt Nam chưa có nhiều phát minh, sáng chế hay dẫn dắt thế giới về công nghệ.
Mà có khi cái đáng buồn nhất là những người có học, có bằng cấp, có thời gian đi học rất dài, thậm chí là cán bộ, quan chức văn hóa, giáo dục, giáo viên… gặp nhau chỉ nói những chuyện tầm phào, những chuyện liên quan đến thời trang, ăn uống, hoạn lộ, phân lô bán nền, tài xỉu, xổ số, lô đề, tranh danh đoạt lợi…
Không ai làm thơ.
Không ai nói chuyện nghệ thuật.
Không ai nói chuyện sách.
Không ai bàn chuyện học thuật.
Không ai đọc thơ và tất nhiên không ai xướng họa. Tỉ lệ người có học vấn có thể làm thơ xướng họa bây giờ rất thấp cho dù có người vẫn bảo ta là “cường quốc thơ”.
Trong bầu không khí đó, ai nói chuyện trên trở nên lạc lõng thậm chí là bất thường.
Thế mới lạ.
Ai không tin lời tôi cứ thử kín đáo quan sát câu chuyện ở nhà, ở đường, ở cơ quan, ở các đám cỗ bàn xem người ta nói chuyện gì thì thấy tôi nói chẳng hề sai.
Làm thử việc này các bác nhé.
Nguyễn Quốc Vương
Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
“Căn bệnh giáo dục” và thông điệp đừng lóa mắt bởi hào quang giáo dục
Mời xem video :