Nông sản ĐBSCL chinh phục thị trường Australia

Chia sẻ Facebook
08/08/2022 08:06:07

Ngoài dừa, hiện có 4 loại trái cây tươi của Việt Nam là xoài, nhãn, vải thiều, thanh long được xuất khẩu vào thị trường Australia.


Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Australia vượt ngưỡng 12,4 tỷ USD. Việc hai nước là thành viên của nhiều hiệp định càng bổ trợ mạnh mẽ cho quan hệ thương mại, đầu tư, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp.


Nhận xét về thị trường Australia, các doanh nghiệp ĐBSCL cho rằng đây là thị trường khắt khe nhưng cũng đầy tiềm năng. Cũng nhờ sự khắt khe đó mà các quy chuẩn kỹ thuật được tìm hiểu, đáp ứng ngày càng tốt hơn. Tất cả nhằm mang nhiều tôm, cá, trái cây ĐBSCL vào thị trường khó tính này.

Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú có kinh nghiệm 21 năm xuất khẩu tôm vào thị trường Australia. Mấy năm nay, dù ảnh hưởng COVID-19 nhưng doanh số của doanh nghiệp không ngừng tăng. Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng năm 2022 của công ty là hơn 50 triệu USD - vượt cả năm trước đó cộng lại.

"Sản phẩm làm ra phải đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc nên được khách hàng tin tưởng, doanh số luôn tăng cao", chị Liêu Kim Thúy - Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú cho hay.

Năm 2021, nông sản Việt đã tạo nên cơn sốt ở xứ sở chuột túi. Ảnh minh họa.

Năm 2021, nông sản Việt đã tạo nên cơn sốt ở xứ sở chuột túi. Đó là lô sầu riêng và 2.000 trái dừa sáp được tiêu thụ nhanh chóng với giá khá cao. Để có sự ưa chuộng này, các loại trái cây phải được xử lý nghiêm ngặt, đúng kỹ thuật từ giống, canh tác cho tới đóng gói, bảo quản và vận chuyển.

Anh Nguyễn Doãn Giang - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà cho hay: "Tiêu chuẩn của Australia là họ áp dụng cho tất cả bao gồm trong và ngoài nước nên đây không phải là hình thức gây khó dễ cho nông sản của mình. Doanh nghiệp của họ cũng phải chấp hành và Australia là quốc gia đặt yêu cầu cao nhất về an toàn vệ sinh thực phẩm".

"So với tiềm năng của Việt Nam tôi cho rằng còn dư địa rất nhiều để xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Australia", ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá.

Nửa đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ. Trong số này có sự đóng góp của các mặt hàng nông, thủy sản ĐBSCL như tôm, gạo, trái cây.


Vẫn còn khó khăn

Ông Nguyễn Đình Mười - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T cho biết: "Vận chuyển thời gian quá lâu và thứ hai là khi cập cảng, hải quan, thông quan cũng chậm, sau 4 - 5 ngày, thậm chí là 10 ngày mới lấy được hàng ra".

"Trong các quá trình sản xuất cho đến lưu thông hàng hóa qua quá nhiều công đoạn, sự kiểm soát của từng công đoạn đó chưa được chặt chẽ và đồng độ, làm cho nông sản lúc này lúc kia gặp các trở ngại về hàng rào kỹ thuật", ông Lê Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL cho hay.


Cần mở cửa cho nhiều loại trái cây sang Australia

Trong cuộc gặp mới đây với Tổng lãnh sự Australia tại TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp ĐBSCL đã đề xuất mở cửa thêm cho nhiều loại nông sản thế mạnh, trong đó chủ yếu vẫn là trái cây.

Sóc Trăng là địa phương có diện tích trồng vú sữa lớn nhất ĐBSCL, với khoảng 1.900 ha. Theo các doanh nghiệp, đây có thể là loại trái cây tiềm năng ở thị trường Australia. Bởi với việc bao trái và tuân thủ các quy trình canh tác nghiêm ngặt, sản phẩm hoàn toàn có thể đáp ứng về chất lượng và truy xuất nguồn gốc.

Nhiều doanh nghiệp ĐBSCL đã đề xuất mở cửa thêm cho nhiều loại nông sản thế mạnh. Ảnh minh họa.

Không chỉ vú sữa, thông qua các diễn đàn thường niên, Bộ NN&PTNT đã đề xuất mở cửa thị trường cho nhiều loại trái cây khác của Việt Nam vào thị trường Australia.

"Các mặt hàng nông sản giữa hai quốc gia chúng ta không có sự trùng lắp về loại hình nông sản nào đó như các quốc gia lân cận mình. Ví dụ như về trái cây, chúng ta là trái cây nhiệt đới, Australia là trái cây ôn đới. Chúng ta có nhiều tiềm năng để đưa trái cây qua Australia như bưởi, chanh leo, thanh long…", ông Lê Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL cho hay.

Cánh cửa cho nhiều loại trái cây sẽ được mở trong thời gian tới. Vấn đề còn lại là đảm bảo cho chuỗi sản xuất, sơ chế, xuất khẩu. Ngoài vấn đề chất lượng, người tiêu dùng Australia còn chú trọng bao bì, mẫu mã và thương hiệu.

Một vấn đề khác mà doanh nghiệp trong nước cũng cần quan tâm đó là nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm đông lạnh, chế biến, thay vì chỉ xuất thô, giá trị thấp.

Chia sẻ Facebook