Nông nghiệp Việt: Nhập khẩu 60% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, 42% phân bón
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho hay Việt Nam vẫn phải nhập từ giống cây, vật nuôi, đến nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón...
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho hay là một nước nông nghiệp nhưng Việt Nam chưa chủ động được từ giống cây trồng, vật nuôi, đến nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư. Năm 2021, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nhập khẩu 60%; phân bón, nhập khẩu 42%. Trong khi xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn.
Sáng 8-6, sau phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã báo cáo một số vấn đề đại biểu quan tâm.
Ông Thành cho hay trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh (dịch viêm phổi Vũ Hán – COVID-19), trong 5 tháng đầu năm 2022, ngành nông nghiệp tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.
Trong đó nổi bật nhất là xuất khẩu nông sản đạt 23,2 tỷ USD, tăng 16,8%. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực tiếp tục duy trì được vị trí thương hiệu trên thị trường quốc tế như xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới, tăng 25,7%, xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới, đạt gần 2 tỷ USD, tăng 54%; xuất khẩu gạo đạt gần 3 triệu tấn, tăng 10,3%; xuất khẩu rau quả đạt 1,4 tỷ USD; xuất khẩu thủy sản đạt 4,79 tỷ USD, tăng 46,3%; xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, tăng 6,9%.
“Đây là những kết quả rất đáng khích lệ, tiếp tục khẳng định nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế”, ông Thành nhận định.
Tuy nhiên, ông Thành thừa nhận ngành nông nghiệp Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế. Nền nông nghiệp nước ta có đặc thù là sản phẩm rất đa dạng, phong phú như lúa gạo, trái cây, sản phẩm chăn nuôi, thủy hải sản nhưng việc xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tại các thị trường lớn, thị trường đòi hỏi chất lượng cao. Nguyên nhân chủ yếu là chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, công nghệ cao, đáp ứng các tiêu chuẩn về điều kiện của thị trường. Còn nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp do sản xuất còn manh mún và tự phát.
“Là một nước nông nghiệp nhưng chúng ta chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp như giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư đã ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất. Năng suất lao động của ngành nông nghiệp còn rất thấp, chỉ bằng 50 -60% của các nước tiên tiến trong khu vực”, ông Thành nêu.
Dẫn số liệu thống kê, ông Thành cho hay Việt Nam phải nhập tới 60% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, năm 2021 đã nhập khẩu 22,3 triệu tấn với giá trị nhập khẩu là 10 tỷ USD; trong đó có hơn 10 triệu tấn ngô, 5 triệu tấn khô dầu đầu tương. Phân bón nhập khẩu tới 42% nhu cầu, năm 2021 đã nhập khẩu khoảng 4,5 triệu tấn, giá trị 1,4 tỷ USD. Giống cây trồng vật nuôi nhập khẩu là chủ yếu.
Mặt khác, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu của sản phẩm nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Nông sản của Việt Nam, nhất là rau, quả vẫn chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Tình trạng được mùa, mất giá, ùn ứ nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc xảy ra thường xuyên hàng năm, gây nhiều thiệt hại về kinh tế và xã hội.
Nói về giải pháp, ông Thành cho biết Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, từ khâu đầu tư nghiên cứu, chọn tạo giống đến quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ hai, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, về hàng rào thương mại để các sản phẩm nông nghiệp chưa có thị trường sớm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn có giá trị như thị trường châu Âu, Mỹ và Trung Quốc, từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa diễn ra tại các khu vực cửa khẩu như giai đoạn hiện nay.
Thứ ba, có cơ chế mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ tín dụng, miễn giảm các loại phí, thuế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất vật tư nông nghiệp, phân bón, nhất là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, khắc phục tình trạng dư thừa sản phẩm nông nghiệp theo mùa vụ.
Thứ tư, rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, thức ăn chăn nuôi, từ đó quy hoạch xây dựng các vùng sản xuất phục vụ ngành công nghiệp, thức ăn chăn nuôi, từng bước tự chủ nguồn cung, giảm nhập khẩu để không bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới, góp phần ổn định và giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.
Thứ năm, tập trung chỉ đạo tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, xây dựng cơ chế chính sách phát huy nguồn lực đất đai, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai phục phục vụ sản xuất nông nghiệp, khắc phục tình trạng người dân bỏ ruộng tại một số địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp: ‘Nền nông nghiệp Việt Nam ‘manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”
Vào chiều 7/6, các đại biểu Quốc hội đã nêu loạt vấn đề đối với ngành nông nghiệp, như có loại phân bón tăng 200%, giá xăng dầu tăng khiến nông dân phải bỏ hoang đất vì thua lỗ (đại biểu Lê Thị Song An – đoàn Long An); tình trạng ùn tắc nông sản tại cửa khẩu phía bắc (đại biểu Hoàng Anh Công – đoàn Thái Nguyên); giá vật tư nông nghiệp tăng vào mùa sản xuất, điệp khúc “được mùa mất giá” (đại biểu Trần Thị Hoa Ry – đoàn Bạc Liêu)…
Trước các chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan lặp lại nhiều lần rằng vấn đề giá vật tư do Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời. Nhưng ông Hoan thừa nhận Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, từ phân bón, thuốc cho tới nguyên liệu chế biến thức ăn; cho rằng 14 triệu nông dân cần vào kinh tế tập thể để có đơn vị trung gian đàm phán giá, đồng thời khi mua khối lượng lớn thì sẽ được chiết khấu nhiều, từ đó giảm giá nguyên liệu đầu vào.
Ông Hoan cho rằng ùn ứ nông sản ở phía Bắc chỉ là hệ lụy khi nông dân vẫn quen rằng thị trường Trung Quốc là dễ tính, phải đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
“Nền nông nghiệp Việt Nam mang 3 “lời nguyền”, xin đại biểu Quốc hội thông cảm, đó là “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”. Không tổ chức lại được một ngành hàng là chúng ta còn rủi ro”, ông Hoan nói.
Tuy nhiên, trước chất vấn giá vật tư nông nghiệp tăng vào mùa sản xuất, điệp khúc “được mùa mất giá” và đến bao giờ khắc phục được những điều này, ông Hoan cho hay “Tôi sợ nhất ở Quốc hội là câu hỏi đến bao giờ”, nói rằng những vấn đề này chỉ giải quyết được khi chính quyền địa phương vào cuộc.
Câu trả lời này bị Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phản bác, rằng Quốc hội đang chất vấn trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. “Nếu trả lời giải quyết điểm nghẽn ách tắc ở đâu mà bảo hỏi địa phương thì vai trò của Bộ NN-PTNT ở đâu, Bộ trưởng NN-PTNT thế nào?”, ông Huệ nói, yêu cầu ông Hoan trả lời thẳng thực trạng thế nào, Bộ định làm gì và làm thế nào. “Như đại biểu Trần Thị Hoa Ry nói là giá vật tư cao, được mùa mất giá thì điểm nghẽn ở đâu, khi nào giải quyết được? Chứ bảo ở địa phương thì không cần phải có buổi chất vấn này” , ông Huệ nói.
Tranh luận với bộ trưởng, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng không thể nói do yếu tố thị trường nên khó xác định được kết quả; đồng thời cũng không thể nói do yếu tố liên ngành nên cũng không thể xác định. Còn những câu hỏi liên quan đến “khi nào, bao giờ”, đó không chỉ đơn thuần là câu trả lời mà nó là hy vọng và “chúng ta cũng không nên để những hy vọng của người dân trở thành vô vọng khi không có câu trả lời” .
Nguyễn Minh
Bộ trưởng Bộ Công thương: 'Ùn ứ thì phải giải tỏa, không được thì phải tự trách mình'
Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết dù tham gia tới 17 Hiệp định thương mại nhưng hàng hóa vẫn khó xuất khẩu do hàng hóa chưa đạt chất lượng.