Nông nghiệp cần làm gì sau "giấc mơ xưa nay chưa từng có"?
Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 50 tỷ USD là một cột mốc đáng nhớ, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Trước những tác động của dịch bệnh Covid-19, ngành nông nghiệp, đặc biệt là thương mại nông sản dù được đánh giá là có khả năng chống đỡ cao hơn so với nhiều ngành hàng khác, mặc dù vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Dịch bệnh đã tác động đến các mô hình sản xuất, thương mại và tiêu dùng, làm thay đổi hành vi và xu hướng tiêu dùng, do đó định hình lại các chuỗi cung ứng.
Đây là những gì được đề cập tại Hội thảo Triển vọng thị trường nông sản Việt Nam diễn ra sáng 4/11. Sự kiện diễn ra với mục đích nhằm cung cấp thông tin cập nhật về dự báo sản xuất, tiêu dùng và thương mại nông sản thế giới và Việt Nam trong bối cảnh diễn biến phức tạp của khu vực và thế giới, tập trung vào 3 ngành hàng chủ lực là lúa gạo, thủy sản và cà phê.
Cơ hội mở ra từ thách thức
Ông Tony Harman - Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cho biết triển vọng của thị trường nông sản là chủ đề quan trọng hiện nay, đặc biệt sau sau khi thế giới vừa trải qua những khó khăn từ dịch bệnh. 3 năm trở lại đây, nền kinh tế đang định hình lại hành vi của người tiêu dùng thông qua sự biến đổi của chuỗi cung ứng, đây sẽ là cơ hội mở ra cho các quốc gia có chiến lược và chính sách cụ thể.
TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT đánh giá: “Đại dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực đến thị trường kinh tế - xã hội toàn cầu, cùng với đó là những tác động đến từ các cuộc xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu dẫn đến giá lương thực, nông sản thế giới tăng cao. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến chuỗi cung cầu nông sản tại Việt Nam.
Với vị thế là một trong những nước xuất khẩu lương thực lớn trên thế giới với các nền hàng chủ lực như lúa gạo, cafe, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức trong sản xuất, ứng biến với những thay đổi trên thế giới nhằm thích ứng với xu thế chung của thị trường”.
TS. Trần Công Thắng cho biết, trước bối cảnh đầy khó khăn và thách thức trên, tình hình xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tại Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng cao. Ước tính kế hoạch năm 2022 kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt khoảng 10 tỷ USD. Tính đến hết tháng 9/2022, hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đều có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, đem lại nhiều nét tích cực cho bức tranh tổng thể của nông sản Việt.
Theo đó, yếu tố tạo sự tăng trưởng trong xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam là do nước ta đã chủ động mở cửa sớm sau đại dịch Covid-19. Nhu cầu thị trường thế giới về lương thực thực phẩm tăng trong thời gian tới, đồng thời xuất hiện thêm một số thị trường mới cho thuỷ sản và gỗ.
Đồng thời, nước ta đã tận dụng được các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, kết hợp cùng công nghệ sản xuất hiện đại, đạt chuẩn chất lượng.
Định hướng trong thời gian tới, Việt Nam cần thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, tăng cường sản xuất theo hướng giảm phát thải, đáp ứng nhu cầu quốc tế, đồng thời đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc gia, nhãn hiệu, bảo hộ.
Bên cạnh đó, ngành thuỷ sản cần tuân thủ các điều kiện của IUU nhằm gỡ thẻ vàng của EU trong thời gian sắp tới, điều này sẽ đem lại thêm nhiều cơ hội lớn, rộng mở cho xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. Song song với đó là phát triển logistics hỗ trợ cho thương mại nông sản, thúc đẩy mở cửa cho thị trường nông sản.
Theo TS. Trần Công Thắng, để thúc đẩy câu chuyện sản xuất bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thực hiện rất nhiều đề án, các chương trình chuyên canh để làm sao có thể đáp ứng thêm được nhu cầu của thị trường trong nước nhưng cũng đảm bảo điều kiện cho việc xuất khẩu.
Ước tính trong thời gian tới, triển vọng của nông sản Việt Nam sẽ rất rộng mở. Cụ thể, trong năm tới nguồn cung nông sản trên thế giới dự tính tiếp tục tăng trưởng ổn định, đây sẽ là tín hiệu tốt để thúc đẩy xuất khẩt các ngành hàng của Việt Nam, không chỉ với các sản phẩm chủ lực mà còn tạo điều kiện cho nhiều loại nông sản khác.
Giải pháp để thoát khỏi tình trạng sản xuất gia công
Đặng Kim Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp nhận xét: “Nguồn cung trên thế giới thời gian vừa qua đã tăng rất đều đối với các nông sản chính. Điều làm lo ngại với người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam đó là giá thành sản phẩm đang tăng lên cao vì giá vật tư, giá vận chuyển. Đây là điều chúng ta cần phải cân nhắc, phải tính đến trong tương lai, không chỉ từ phía người sản xuất mà còn từ phía của Nhà nước, Chính phủ”.
Theo ông Đặng Kim Sơn, thành tích của Việt Nam đã quá rõ ràng, thể hiện qua những con số xuất khẩu thời gian vừa qua. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 50 tỷ USD là giấc mơ xưa nay chưa từng có của Việt Nam. “Cá tra và gỗ là 2 mặt hàng đón nhận nhiều tín hiệu vui mừng nhất. Không chỉ dừng lại ở việc tăng số lượng, chúng ta còn đa dạng được thị trường, không còn phụ thuộc nhiều vào các thị trường chính”, ông Sơn cho hay.
Đáng lưu ý, trong khi Việt Nam đang đẩy mạnh, tăng xuất khẩu thì thặng dư thương mại của Việt Nam lại giảm, điều này thể hiện rõ qua việc tăng vật tư, sản phẩm nhập khẩu để chế biến vì tăng giá là khá rõ. Vậy nên phần đóng góp trong nước trong thời gian tới cần phải nghiên cứu, thống kê nhằm tìm ra giải pháp phù hợp.
Ông Đặng Kim Sơn cho rằng nên tìm ra giải pháp để thoát khỏi tình trạng sản xuất gia công, nhất là trong nhóm ngành chăn nuôi, thuỷ sản và trồng trọt. Bởi nếu nguyên liệu đầu vào như phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng thì phần phần đóng góp trong nước sẽ giảm, dù số lượng xuất khẩu ở mức cao. Đây cũng là từng bước phát triển trong chiến lược nông nghiệp mới.
Phó Chủ tịch Đặng Kim Sơn khuyến nghị, để làm được những điều trên, cần tăng cường đẩy mạnh xây dựng phát triển mô hình chuyên canh, hợp tác xã cùng với các chiến lược trong công nghiệp chế chiến, đặc biệt với các ngành công nghiệp chế biến.
Về diễn biến, triển vọng và rủi ro của thị trường hàng hóa trong thời gian tới, ông John Baffes - đại diện đến từ Ngân hàng Thế giới dự báo, tăng trưởng toàn cầu giảm mạnh sẽ gây áp lực lên giá cả của hàng hóa. Cụ thể, giá năng lượng dự kiến sẽ giảm 11% vào năm 2023 và 12% vào năm 2024, trong đó, giá dầu Brent được dự báo sẽ ở mức trung bình là 92 USD/thùng vào năm 2023, trước khi giảm xuống còn 80 USD/thùng vào năm 2024.
Vị đại diện từ Ngân hàng Thế giới cho biết thị trường năng lượng cũng sẽ đối mặt với nhiều lo ngại về nguồn cung cho mùa đông sắp tới tại châu Âu trước những ảnh hưởng gây ra do xung đột địa chính trị.
Bên cạnh đó, giá năng lượng cao hơn dự kiến có thể làm tăng giá hàng hóa khác, đặc biệt là lương thực, làm tăng thách thức cho việc đảm bảo an ninh lương thực. Theo đó, giá nông sản và kim loại được dự báo sẽ giảm lần lượt 5% và 15% vào năm 2023 trước khi ổn định vào năm 2024 .
Phương Anh - Thu Sao