"Nóng" mùa đại hội cổ đông năm 2022

Chia sẻ Facebook
10/05/2022 10:10:34

Nhiều doanh nghiệp lớn "thận trọng" về năm 2022 trong khi một số doanh nghiệp có đang "tự tin" thái quá? Nhiều câu chuyện đang làm "nóng" hội trường mùa đại hội cổ đông.


Tháng 4 - tháng 5 vẫn là giai đoạn "nóng" của thị trường chứng khoán khi vừa là mùa công bố kết quả kinh doanh quý I vừa là mùa tổ chức Đại hội cổ đông , nơi có các câu hỏi thẳng thắn của nhà đầu tư dành cho doanh nghiệp, và với nhiều doanh nghiệp là thời điểm duy nhất trong năm lãnh đạo sẽ có sự xuất hiện trước truyền thông và trả lời trực tiếp câu hỏi của cổ đông.

Đại hội cổ đông ngân hàng "nóng" chuyện nợ xấu, trái phiếu

Chứng khoán và sức khỏe của doanh nghiệp niêm yết vẫn được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế, vậy nên, đại hội cổ đông cũng là nơi mà các lãnh đạo doanh nghiệp nhận được nhiều câu hỏi "khó", nhất là sau một thời gian nền kinh tế bị ảnh hưởng từ đại dịch.

Ngân hàng là một trong những ngành nhận được nhiều quan tâm, nhất là từ câu chuyện liên quan đến việc bình ổn, lành mạnh hóa thị trường trái phiếu gần đây hay là mối quan tâm về tiềm ẩn nợ xấu khi doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn sau thời kỳ ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Trước các câu hỏi từ cổ đông, đại diện ngân hàng đều có những khẳng định khiến cổ đông an tâm.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín nói: "Khoản nợ của doanh nghiệp được đảm bảo bằng cổ phiếu nhưng đằng sau đó là còn rất nhiều dự án bất động sản, chúng tôi đã đòi được 2.600 tỷ đồng rồi, còn 600 tỷ đồng đang hoàn thành nốt, để cổ đông thấy là chất lượng khoản vay chúng tôi làm vẫn ổn".

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam cho biết: "Nói là siết trái phiếu hơi quá, nó là sự thanh lọc và bình ổn thị trường, tôi tin nó tốt, mở ra triển vọng và cơ hội cho các khoản đầu tư trái phiếu vào các nhà phát hành tốt, được đánh giá xếp hạng".

Cổ tức cổ phiếu trong giai đoạn thị trường biến động chưa chắc là một món quà

Lãnh đạo ngân hàng thì có vẻ vẫn tự tin với khả năng kiểm soát nợ xấu, nhiều ngân hàng vẫn đặt kế hoạch kinh doanh khả quan trong năm 2022. Một vấn đề là nhiều cổ đông ngân hàng cũng đang háo hức đó là kế hoạch tăng vốn của rất nhiều ngân hàng bằng phát hành cổ phiếu, đồng nghĩa là cổ đông được chia cổ tức, liệu đây có là món quà?

Theo thống kê, năm 2022 có 16 ngân hàng đã có kế hoạch tăng vốn, ngoài bộ 3 Ngân hàng quốc doanh thì ấn tượng nhất là VPBank với kế hoạch tăng 79 nghìn tỷ (tăng 76% so với năm ngoái). Động lực chính ngân hàng dồn dập tăng vốn là họ phải đáp ứng yêu cầu an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II, xa hơn là Basel III. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong ngắn hạn, số cổ tức của các ngân hàng chuẩn bị phát ra trong đợt này lại chưa chắc là món quà.

Ông Lã Giang Trung, Tổng Giám đốc Passion Investment, nhận định: "Triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm nay vẫn tốt, động lực tăng trưởng lợi nhuận của năm nay, tuy nhiên trong bối cảnh thị trường đang điều chỉnh thì cổ tức phát hành ra lại không thực sự tốt cho các cổ đông".

Hình minh họa.

Cổ tức cổ phiếu trong giai đoạn thị trường biến động chưa chắc là một món quà. Nhiều doanh nghiệp còn tặng quà hiện vật cho cổ đông như sản phẩm dịch vụ doanh nghiệp cung cấp hay thậm chí nhiều bên còn tặng tiền, tặng vàng. Ngoài tri ân, đó cũng là một hình thức marketing, cho thấy năng lực của doanh nghiệp để từ đó thu hút cổ đông, nhưng có lẽ điều thu hút cổ đông nhất vẫn là khả năng tăng trưởng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Đại hội cổ đông cũng là mùa để các cổ đông có góc nhìn về kế hoạch kinh doanh năm 2022 của doanh nghiệp để từ đó có những quyết định đầu tư phù hợp.

Bất động sản, xây dựng là những nhóm có nhiều doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh khá lạc quan trong năm nay. Cienco 4 (Cienco4) với mức tăng dự kiến 348%, Xây dựng Hòa Bình với tốc độ tăng 329%, KBC đang dẫn đầu mức tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường với tốc độ tăng 474%. VHM đầu ngành lại đang để kế hoạch giảm.

Nhóm doanh nghiệp xuất khẩu cũng đa phần đặt kế hoạch lợi nhuận cao trong năm 2022 như TCM tăng trưởng 91%. Nhóm bán lẻ tăng trưởng trung bình 25% trong năm 2022. Ở chiều ngược lại, hầu hết các doanh nghiệp dầu khí đều đặt mục tiêu kinh doanh thụt lùi so với năm 2021: BSR giảm 79%, GAS giảm 20%.

Tương tự, nhóm thép, HPG giảm 14 - 28% HSG của Tập đoàn Hoa Sen giảm 42%. Thực phẩm có MSN đặt mục tiêu lợi nhuận khoảng 6,8 - 7,5 nghìn tỷ giảm 20 - 30% trong năm 2022, Vinamilk giảm 8%.

Nhìn vào kế hoạch kinh doanh 2022 trên, ngoài các kỳ vọng khá rõ ràng từ nhóm bán lẻ, xuất khẩu ăn theo câu chuyện phục hồi kinh tế và tiêu dùng, có sự khá mâu thuẫn giữa các nhóm doanh nghiệp: các doanh nghiệp lớn có vẻ đang khá thận trọng trong khi nhóm doanh nghiệp vốn hóa vừa và nhỏ hơn lại lạc quan.

Mỗi doanh nghiệp sẽ có những lí do riêng để đặt một kế hoạch cao hay thấp. Có những doanh nghiệp thuộc khối nhà nước thì hay có truyền thống đặt kế hoạch kinh doanh thấp, ví dụ như dầu khí chẳng hạn dù triển vọng hưởng lợi theo giá dầu khá cao. Theo chuyên gia, một số ngành ví dụ như xây dựng đang bị tự tin thái quá so với bối cảnh. Tuy nhiên, với các chủ doanh nghiệp này, đôi khi đặt một kế hoạch cao cho cổ đông an tâm còn hơn là cho họ một sự thật phũ phàng.

Phần lớn các chủ doanh nghiệp lớn đều thẳng thắn nhìn nhận lúc này các ngành nghề mà chi phí đầu vào nặng về nguyên liệu đều sẽ có 1 năm 2022 kém khả quan do diễn biến lạm phát, giá cả hàng hóa leo thang trên toàn cầu nhưng không phải là 1 câu chuyện lớn để thay đổi các giá trị nền tảng của doanh nghiệp.

Ông Danny Le, Tổng Giám đốc, CTCP Tập đoàn Masan, cho biết: "Việc chi phí tăng cao, chuỗi cung ứng toàn cầu gặp khó không riêng gì là thách thức với Masan mà là cả cộng đồng doanh nghiệp, để bảo chúng tôi có giải pháp giải quyết triệt để gì ngay bây giờ thì câu trả lời là Không nhưng chúng tôi cũng đang nỗ lực làm việc với các bên để ổn định vấn đề logistic, tìm các nguồn cung ứng nội địa thay thế. Nhưng tôi tin đây là câu chuyện mang tính chu kỳ, nó là ngắn hạn còn khi ta đầu tư vào 1 doanh nghiệp là trung và dài hạn".

Câu hỏi về giá cổ phiếu cũng liên tục làm nóng các hội trường đại hội cổ đông thời gian qua khi giá cổ phiếu chịu điều chỉnh theo bối cảnh thị trường chung và cũng nhiều nhà đầu tư có quan điểm là doanh nghiệp tốt thật đấy mà giá cổ phiếu cứ giảm.

Việc thanh lọc và chấn chỉnh thị trường sẽ tạo những xáo trộn khiến dòng tiền đầu cơ ngắn hạn co lại, nhưng sẽ thu hút dòng tiền lớn và dài hạn tìm đến. Theo SGI Capital, chúng ta đang có mức định giá trượt cho VN30 năm 2022 ở mức 11 lần, thấp hiếm thấy, gần tương đương các giai đoạn khủng hoảng.

Sự cực đại của dòng tiền rẻ và dễ dãi đã đi qua, nền kinh tế và TTCK đang chuyển tiếp sang một trạng thái mới. Ở đó, cơ hội đến nhiều hơn từ sự vận động nội tại của từng doanh nghiệp, vươn lên trong môi trường kinh tế phục hồi. Từ đây, năng lực cạnh tranh và khả năng tận dụng cơ hội để tăng trưởng sẽ là chìa khóa tạo sự khác biệt với từng doanh nghiệp cũng như cổ phiếu mà họ đại diện.

Chia sẻ Facebook