Nông dân Mỹ gặp khó vì hạn hán kéo dài

Chia sẻ Facebook
19/08/2022 21:04:12

Nông dân Mỹ có lẽ là người mong mưa nhất lúc này với hy vọng diện tích lớn đất canh tác của mình sẽ không bị bỏ phí vô ích.


Brian Kemp, chủ một trang trại bò hữu cơ tại Sudbury, đã quá quen với việc đồng cỏ của mình ở trang trại Mountain Meadows phát triển chậm hơn vào những tháng cuối hè nóng nực. Tuy nhiên, năm nay, hạn hán kéo dài khiến cỏ trên cánh đồng anh thậm chí không thể mọc.

Chăn thả 600-700 con gia súc, Kemp cho biết mọi thứ đang “rất căng thẳng”, nhất là khi điều kiện thời tiết gần đây rất cực đoan và gây ra nhiều hệ lụy.

“Tôi nghĩ mọi thứ không còn bình thường nữa”, Kemp nói.

Trước đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu được cảm nhận rõ trên khắp vùng Đông Bắc nước Mỹ khi mực nước biển bắt đầu dâng cao; mưa lớn và triều cường khiến lũ lụt và xói mòn thường xuyên xuất hiện dọc bờ biển. Năm nay lại khác. Đợt hạn hán nghiêm trọng vừa qua đang làm giòn thêm các bãi cỏ khô úa. Nông dân có lẽ là người mong mưa nhất lúc này với hy vọng diện tích lớn đất canh tác của mình sẽ không bị bỏ phí vô ích.

Theo báo cáo của Văn phòng Thời tiết Quốc gia tại Norton, Massachusetts, Đảo Rhode và Boston ghi nhận lượng mưa thấp kỷ lục trong tháng 7 vừa qua. Thống đốc Rhode Island sau đó đã phải khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm nhất có thể. Giới chức phía bắc của hồ chứa Hoppin Hill tại Massachusetts cũng có động thái tương tự.

Các quan chức tại Maine cho biết tình trạng hạn hán bắt đầu từ năm 2020. Ở Auburn, Maine, nhân viên cứu hỏa địa phương thường xuyên phải giúp đỡ nông dân đổ đầy nước vào các bể chứa phục vụ đàn bò do mực nước giếng cạn xuống mức quá thấp hồi cuối tháng 7. Khoảng 50 chiếc giếng khô đã được ghi nhận kể từ năm 2021.

Brian Kemp, chủ một trang trại bò hữu cơ tại Sudbury

Theo Cơ quan Giám sát Hạn hán Mỹ, các khu vực phía đông Massachusetts và phần lớn phía nam và phía đông Rhode Island hiện đang trong tình trạng cực kỳ khắc nghiệt. New England trước đây cũng đã trải qua nhiều đợt hạn hán nghiêm trọng, song điều bất thường là chúng đang xảy ra liên tiếp kể từ năm 2016. Trong khi đó, Massachusetts trải qua các đợt hạn hán hồi năm 2016, 2017, 2020, 2021 và 2022, với nguyên nhân chủ yếu do biến đổi khí hậu.

“Chúng tôi hy vọng đây có thể là giai đoạn hạn hán đỉnh điểm và lượng mưa sẽ quay trở lại mức bình thường trong nhiều năm nữa. Tuy nhiên, đây cũng có thể chỉ là sự khởi đầu của một xu hướng dài sắp tới’’, bà Rao, giám đốc chính sách nước ở Massachusetts cho biết, đồng thời dự báo đợt hạn hán hiện tại sẽ kéo dài thêm vài tháng nữa.

“Tôi nghĩ tình trạng này sẽ kéo dài một thời gian. Những gì chúng tôi thực sự hy vọng lúc này là một mùa thu có độ ẩm cao và một mùa đông có tuyết để các tầng chứa nước và mạch nước ngầm được hồi sinh”, Ted Diers, trợ lý giám đốc bộ phận cấp nước của Sở Dịch vụ Môi trường New Hampshire cho biết.

Trong khi đó, ông Ben Arnold, kiểm lâm của Rhode Island lại đang lo lắng về khả năng hạn hán kéo dài đến mùa thu. Các đám cháy rừng xuất hiện ngày càng nhiều và cần rất nhiều thời gian và nỗ lực để dập tắt vì bề mặt đất quá khô.

Một nông dân tên Milan Adams đã chia sẻ với tờ The Journal về tình trạng cánh đồng khô héo của mình. Anh cho biết đợt hạn hán bắt đầu từ tháng Ba và đất khô đến nỗi anh đã rất lo lắng cho lần cắt cỏ đầu tiên của mình.

Sản lượng và chất lượng cỏ khô giảm đồng nghĩa với việc sẽ không có nhiều thức ăn cho bò vào mùa đông tới

“May mắn là chúng tôi đã có một chút mưa vào đầu tháng Năm, qua đó giúp chiều cao của cỏ tăng lên. Tuy nhiên, kể từ đó, mưa không còn xuất hiện nữa’’, Adams nói, đồng thời cho biết rất nhiều nông dân khác đang phải chống chọi với đợt hạn hán kéo dài, trong khi lạm phát đẩy cao chi phí cho động cơ diesel, phân bón và thuốc trừ sâu.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Vermont Anson Tebbetts, sản lượng và chất lượng cỏ khô đang giảm. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không có nhiều thức ăn cho bò vào mùa đông. Hiện tiểu bang này có khoảng 600 trang trại bò sữa - ngành công nghiệp trị giá 2 tỷ USD mỗi năm.


Theo: The Journal

Báo cáo nóng của tổ đặc biệt liên quan khu bảo tồn biển Phú Quốc


Vũ Anh

Chia sẻ Facebook