Nông dân 'khóc ròng' với mít Thái
Giá mít Thái tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm mạnh, chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg nhưng vẫn khó tìm được người mua. Thậm chí, nhiều nhà vườn phải hái bỏ chất đống ngoài vườn hoặc cho cá, dê ăn...
Ông Hoàng Văn Linh (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết mít chín đầy vườn nhưng thương lái không đến mua nên chỉ hái đem cho người thân, bạn bè.
Trước đó, ông Linh đã phá vườn sầu riêng do bị xâm nhập mặn vào năm 2016 để chuyển sang trồng mít Thái do bán được giá. "Giờ thấy người ta bán sầu riêng với giá 40.000 - 50.000 đồng mà mắc ham", ông Linh nói.
Theo ông Nguyễn Văn Tư (xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy), cách đây 3 năm khoảng 200 gốc mít Thái trồng xen đem lại cho gia đình ông 5 triệu mỗi tuần khi giá mít có thời điểm lên đến 40.000 đồng/kg. "Giờ mít chín rụng đầy vườn không ai thèm nhặt", ông Tư nói.
Tương tự, ông Tài (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang) cho biết người trồng mít đang điêu đứng do giá mít giảm sâu, nhiều người cắt bỏ mít cho cá ăn.
Khi giá mít thấp nhất cũng 8.000 đồng/kg và cao nhất là 30.000 đồng/kg cách nay mấy năm, nông dân An Giang đã ồ ạt trồng mít.
Riêng ông Tài đã trồng trên 1ha mít Thái. Vụ đầu tiên ông bán cho thương lái 15.000 đồng/kg, sau đó liên tục giảm mạnh và nay chỉ còn 2.500 - 3.000 đồng/kg. "Hai năm qua giá mít thấp nhưng chưa bao giờ thấp chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg như hiện nay. Mấy ngày nay, mấy anh em tui lấy mít cho cá ăn tại các ao, hầm. Chắc có lẽ phải chặt bỏ cây mít mà trồng nhãn…", ông Tài nói.
Ông Lê Quốc Điền - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp - cho biết giá mít rớt sâu do phía Trung Quốc chưa cho nhập khẩu, trong khi nhiều nông dân tự phát trồng mít không theo quy hoạch.
"Mấy năm trước, chúng tôi đã cảnh báo tình trạng trồng mít ồ ạt nhưng bà con vẫn tự phát trồng dẫn đến dội chợ. Địa phương đang vận động doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến mít để tiêu thụ, đồng thời khuyến cáo bà con chuyển đổi sang cây trồng khác", ông Điền nói thêm.
Phong trào trồng mít Thái xuất phát từ các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre nhằm thay thế những cây trồng trước đây bị nhiễm mặn như sầu riêng, chôm chôm, vú sữa… sau đó lan rộng ra các tỉnh thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu như Đồng Tháp, An Giang…
Thống kê sơ bộ, Tiền Giang là một trong những địa phương có diện tích trồng mít lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 15.000ha, sản lượng khoảng 270.300 tấn/năm. Đồng Tháp có 8.500ha mít, An Giang có trên 2.000ha mít…
Lượng vải về TP.HCM tăng mạnh, giá giảm nhanh
Theo ghi nhận tại thị trường TP.HCM, lượng vải thiều nhập về khá dồi dào, giá bán giảm nhanh. Cụ thể, dọc tuyến đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức)… nhiều xe tải trưng bán lượng lớn vải với giá 33.000 - 37.000 đồng/kg tùy nơi.
Tại các chợ lẻ và siêu thị, lượng vải bán ra đã khá dồi dào với giá 35.000 - 50.000 đồng/kg tùy loại.
Theo nhiều người bán, so với đầu tháng hiện nguồn cung vải đã tăng gấp nhiều lần, giá bán đã giảm 30 - 40% và khả năng giảm thêm khi vải Bắc Giang sắp vào chính vụ với lượng tăng mạnh. Nhiều siêu thị như Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, MM Mega Market… cho biết sẽ tập trung triển khai chương trình bán hàng để hỗ trợ tiêu thụ vải thiều khi vào chính vụ với lượng nhập dự kiến tăng mạnh so với thời điểm này.
Trong khi đó, đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết lượng vải nhập chợ thời điểm này đạt trung bình 200 tấn/đêm, tăng gấp hàng chục lần so với đầu tháng. Tính từ đầu vụ đến nay, tổng lượng vải nhập chợ đạt khoảng 7.500 tấn.
Giá bán vải hiện từ 22.000 - 32.000 đồng/kg với hàng vận chuyển bằng container lạnh và 44.000 - 50.000 đồng/kg với hàng máy bay, giảm khoảng 40% so với hơn nửa tháng trước nhưng cao hơn 15 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đà Lạt hết mưa, giá rau củ vẫn giữ ở mức cao trong nhiều năm; Doanh nghiệp bình ổn xin tăng giá trứng; Giá cua biển miền Tây tăng nhẹ; Khoai lang tím và khoai lang đỏ tại ruộng xuống dưới 5.000 đồng/kg... là những thông tin nổi bật.