Nóng chuyện ứng dụng AI để đảm bảo an toàn cho các phương tiện tự lái
Sử dụng AI để đảm bảo an toàn cho các hệ thống lái xe tự động sẽ là một chủ đề nóng cho nhiều cuộc thảo luận hơn trong tương lai gần.
VinAI công bố sản phẩm công nghệ hỗ trợ lái xe
Tại sự kiện Ngày Trí tuệ nhân tạo 2022 (AI Day 2022) diễn ra trong hai ngày 26-27/8/2022, Công ty Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo VinAI (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã công bố 2 sản phẩm mang tính đột phá trong công nghệ hỗ trợ lái xe, gồm Hệ thống Giám sát người lái (Driver Monitoring System - DMS) và Tính năng quan sát toàn cảnh 360 độ nâng cao (Advanced Surround View Monitoring - ASVM).
Đây là hai sản phẩm mới nhất được đội ngũ kỹ sư VinAI phát triển thành công trong năm qua, tiếp tục củng cố vị thế của VinAI là một trong những công ty công nghệ tiên phong về Trí tuệ nhân tạo không chỉ của Việt Nam mà còn trong khu vực. Theo bảng xếp hạng của Thundermark Capital công bố năm 2022, VinAI là đại diện duy nhất từ Việt Nam nằm trong top 20 công ty toàn cầu dẫn đầu về nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo.
Theo công bố tại hội thảo này, mỗi năm, khoảng 1,3 triệu người thiệt mạng trong các vụ tai nạn giao thông xe hơi, trong đó 60% nguyên nhân là do tài xế mất tập trung, 20% là do tài xế ngủ gật.
Với mục tiêu nâng cao trải nghiệm lái xe an toàn, Hệ thống Giám sát người lái và hành khách được VinAI phát triển với các giải pháp thông minh trong khoang xe, sử dụng các camera chất lượng cao và công nghệ Trí tuệ nhân tạo để phân tích hành vi của tài xế, qua đó giảm thiểu rủi ro do các hành vi thiếu tập trung gây ra.
Dựa trên công nghệ nhận diện khuôn mặt nằm trong top 6 thế giới (theo đánh giá của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Mỹ - NIST năm 2020), giải pháp của VinAI sử dụng camera hồng ngoại và hệ thống cảm biến trên xe để nhận biết các trạng thái của người lái như buồn ngủ, mệt mỏi và những hành vi nguy hiểm khác như mất tập trung hay sử dụng điện thoại, nhằm kịp thời đưa ra cảnh báo với các cấp độ khác nhau trong suốt hành trình. Đặc biệt, hệ thống giám sát người lái của VinAI có thể hoạt động tốt cả khi tài xế đeo kính râm hoặc trong điều kiện ban đêm với ánh sáng yếu.
Giải pháp do VinAI phát triển rất linh hoạt, có thể tương thích với nhiều nền tảng phần cứng khác nhau và hỗ trợ nhiều vị trí lắp đặt camera khác nhau, giúp các nhà sản xuất ô tô có thể tích hợp hệ thống DMS lên nền tảng phần cứng sẵn có mà không cần mất quá nhiều thời gian và chi phí cho việc chuyển đổi.
Nhằm giúp lái xe có được trải nghiệm dễ dàng và thuận tiện hơn, VinAI cũng phát triển tính năng điều chỉnh gương tự động. Với các sản phẩm xe truyền thống, tài xế phải điều chỉnh gương theo cách “thủ công”, sử dụng các nút bấm và phải thường xuyên điều chỉnh lại nhiều lần để có góc nhìn chính xác. AMA giải quyết vấn đề này với hệ thống điều chỉnh gương tự động, hiệu chỉnh gương chiếu hậu hai bên xe đến vị trí tối ưu dựa vào thông tin vị trí mắt của tài xế.
Đầu tiên, hệ thống ước tính vị trí mắt của người lái xe trong không gian ba chiều. Thông thường vấn đề này sẽ cần hai hoặc nhiều camera để giải quyết, nhưng với sự sáng tạo của đội ngũ kỹ sư, giải pháp mà VinAI sử dụng có thể dự đoán chính xác vị trí mắt chỉ với một DMS camera hồng ngoại duy nhất. Sau đó, dựa vào vị trí tương đối của mắt so với gương chiếu hậu, các kỹ sư xây dựng thuật toán để tính toán góc quay chính xác và gửi tín hiệu hiệu chỉnh nhằm tối ưu hóa góc quan sát qua gương chiếu hậu cho tài xế. Cuối cùng, gương nhận tín hiệu điều khiển từ bộ xử lý để xoay mặt gương đến vị trí mục tiêu. Tất cả những gì người lái cần làm là ngồi vào vị trí, bấm nút hiệu chỉnh gương và gương sẽ tự động được điều chỉnh. Người lái sẽ chỉ việc kiểm tra và xác nhận.
AI cho đảm bảo an toàn cho xe tự lái sẽ là chủ đề nóng
Tại phiên thảo luận tại sự kiện này về vấn đề ứng dụng AI để đảm bảo an toàn cho các phương tiện tự lái, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dương Trưởng bộ phận hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao của Panasonic đã kể lại lịch sử của xe tự hành, có từ những năm 1980 khi hệ thống của Ernst Dickmanns chỉ sử dụng camera và thời gian để xử lý mỗi khung hình lên tới 1-10 phút. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một khoảng cách lớn giữa thứ mà chúng ta muốn với những gì mà xe tự hành thực sự có thể làm được. Trong khi nhiều công ty muốn cung cấp nhiều tính năng hơn cho các hệ thống tự hành của họ, thì rất ít thực sự có thể giới thiệu chúng với sản phẩm của mình vì sử dụng nhiều cảm biến phức tạp hơn khiến cho chi phí cao hơn.
Tiến sĩ Dương cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề an toàn và bảo mật trong ô tô tự lái. Nhiều lo ngại được đưa ra liên quan tính toán tập trung, quá nhiều thông tin liên lạc có nguy cơ bị tin tặc tấn công, hoặc thậm chí là khả năng giải thích và diễn giải của các hệ thống tự động. Chúng ta có chấp nhận một hệ thống mà không có khả năng giải thích và diễn giải không?
Hoạt động của xe điện có thể gây ra các mối đe dọa an ninh lớn vì nhiều thông tin, ví dụ như lộ trình hoặc thông tin về công trình xây dựng cần được gửi đến cho người lái xe để kiểm soát thích hợp. Điều này có thể khiến các bộ điểu khiển điện tử tập trung có nguy cơ bị tấn công.
Cuối cùng, diễn giả đề cập rằng đối với các loại hình xe dịch vụ, việc chứng minh tính khả thi trong kinh doanh là cần thiết. Đối với xe cá nhân, bước đi phù hợp hiện nay là phát triển một số chức năng thông minh để sản xuất hàng loạt và giảm giá thành. Việc này sẽ cần thời gian để có được sự tin tưởng của xã hội.
Cũng tại buổi thảo luận này, Giáo sư Wolfram Burgard, Đại học Kỹ thuật Nuremberg nói rằng, chúng ta đã phải đối mặt với quan niệm như vậy trong nhiều năm. Không có cái gọi là cảm biến “không có sai số”. Các phương pháp tiếp cận như dự phòng (hai cảm biến cho cùng một thứ) sẽ hữu ích, nhưng chúng ta cần phải suy nghĩ lại về khái niệm an toàn, kiểm thử và xác minh về độ an toàn của hệ thống AI.
“Tôi không thể băng qua đường ở Hà Nội, và tôi tự thuyết phục mình chỉ cần đi bộ để sang bên kia đường. Đối với phương tiện tự hành, rất khó cho hệ thống hiểu được ý định của một người và chúng ta có thể sử dụng các phản hồi tích cực trong học tăng cường để huấn luyện hệ thống để nó có khả năng tự khám phá” Giáo sư Wolfram Burgard nói.
Còn tiến sĩ Nguyễn Văn Dương đưa ra nhận định, về mặt kỹ thuật không có hệ thống nào có thể chính xác 100%, tất cả các hệ thống đều có một số xác suất và độ không tin cậy nhất định. Cũng có những hệ thống AI có độ tin tưởng cao trong kết quả dự đoán nhưng thực tế kết quả lại chưa chính xác.
Nguyễn Thái