Nới visa: Khách Tây háo hức "gom tiền" chốt đơn du lịch dài ngày ở Việt Nam

Chia sẻ Facebook
02/06/2023 10:51:58

Wren James (người Australia) đã có 10 lần đến Việt Nam tuy nhiên, chính sách visa vẫn chưa được thay đổi. Du khách này khẳng định, nếu visa đến Việt Nam cởi mở hơn, anh sẽ "chốt đơn" du lịch dài ngày.


Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi ông đăng ký visa trực tuyến, hệ thống thường xuyên quá tải, phải đợi lâu. Thủ tục làm visa mất thời gian sẽ ảnh hưởng đến quyết định du lịch của khách quốc tế.

"Ngay bản thân tôi khi đăng ký visa trực tuyến cũng gặp tình trạng hệ thống thường xuyên quá tải, bị treo nên mất rất nhiều thời gian.

Nên khi mở cho người nước ngoài, cần nâng cấp hệ thống tốt hơn, tránh tạo ra rào cản", ông Nguyễn Mạnh Hùng, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, chia sẻ tại phiên họp Quốc hội chiều 27/5.


Khách Tây hào hứng chờ nới visa, vi vu du lịch Việt

"Cứ hết 30 ngày ở Việt Nam, tôi lại phải xin visa Campuchia hoặc Lào mất khoảng 50USD (khoảng 1,2 triệu đồng). Sau khi nhập cảnh, tôi lại phải đi bộ trở về Việt Nam để tiếp tục kỳ nghỉ của mình", ông Wren James, du khách Australia nói.

James là chủ thầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin gần 20 năm. Tài chính dư giả, ông thường dành 3-6 tháng trong năm để đi du lịch. Bên cạnh Indonesia, Việt Nam là quốc gia châu Á ông yêu thích và muốn tận hưởng kỳ nghỉ dài ngày.

Du khách người Australia chia sẻ, ông có xu hướng du lịch trải nghiệm, dành nhiều thời gian và nghỉ dưỡng một cách chậm rãi nên chính sách visa 30 ngày rất hạn chế đối với ông. Để có thêm ngày nghỉ, ông buộc phải nhập cảnh nước láng giềng và trở lại Việt Nam ngay sau đó.

Ông cho biết: "Các nước châu Âu cấp visa miễn phí khoảng 90 ngày. Bên cạnh đó, một số nước châu Á có chính sách visa khá cởi mở, từ 3-6 tháng. Như vậy, theo tôi, Việt Nam đang là quốc gia có chính sách visa chặt nhất. Đó là lý do vì sao dù rất thích khám phá Việt Nam nhưng tôi cũng ngại du lịch vì... visa".

Nhiều du khách nước ngoài mong ngóng chính sách mới về visa của Việt Nam (Ảnh: Tố Linh).


Theo Wren James, các du khách phương Tây thường không muốn gói gọn chuyến du lịch của mình trong 1 tháng. Họ muốn đi nhiều nơi, sống cuộc sống như người bản địa, tận hưởng ẩm thực, văn hóa một cách không vội vàng.

Bản thân James cũng rất mong đợi chính sách visa trong đề xuất sắp tới, nâng thời hạn e-visa lên tối đa 3 tháng. "Tôi sẽ đặt vé máy bay đến Việt Nam khi những chính sách về visa được triển khai, kéo dài thời gian lưu trú", Wren James khẳng định.

Năm 2022, con gái của bà Ruth Maloney (quốc tịch Australia) đến Việt Nam thăm mẹ. Cô gái này đã mất 3 ngày để cổng thông tin cấp e-visa chấp nhận thẻ tín dụng để thanh toán. Cuối tháng 4/2023, cô một lần nữa trở lại Việt Nam và phải thay đổi định dạng ảnh hộ chiếu 2 lần, khi nhập các thông tin về thủ tục.

"Hệ thống trên hiện đã lỗi kỹ thuật khá nhiều, tôi đã từng gửi liên kết cho bạn bè của mình để sử dụng và họ "không tin" đó là cổng thông tin chính thức dành cho người nước ngoài xin visa.

Tôi yêu Việt Nam và đã cư trú tại đây 4 năm. Nếu chính sách visa được thay đổi, bạn bè, người thân của tôi đến đây có thời gian thăm thú, du ngoạn lâu hơn.

Tuy nhiên, tôi nghĩ Việt Nam nên bắt đầu nâng cấp từ những điều nhỏ nhất, ví dụ như trang web xin visa. Hãy làm cho nó trở thành đường dẫn đầu tiên xuất hiện trên Google, khi khách quốc tế tìm kiếm phương thức được cấp visa tại Việt Nam", bà Maloney nói.


Cởi mở trong chính sách visa sẽ mang về "lợi ích kép"

Sáng 27/5, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã trình Quốc hội dự thảo sửa đổi luật, trong đó đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên tối đa 3 tháng, thị thực điện tử (e-visa) có giá trị nhiều lần thay vì một lần như trước, mở rộng diện cấp e-visa (hiện có 80 nước) và nâng thời hạn tạm trú từ 15 lên 45 ngày, nâng số nước đơn phương cấp thị thực (hiện 25 nước).

Nêu ý kiến tại phiên họp chiều 27/3, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn bày tỏ rất ủng hộ cấp visa điện tử và đây là điều quan trọng khi đang chuyển đổi số.


"Hiện các nước cũng đang mở rộng diện cấp visa thị thực điện tử, bởi tạo điều kiện cho công dân khắp mọi miền của thế giới tiếp cận được. Có người không có điều kiện đến các cơ quan đại diện hoặc chúng ta chưa có cơ quan đại diện thì họ có thể tiếp cận được vào để đăng ký, nhập cảnh vào Việt Nam", ông Sơn nói.

Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam vào quý I, giai đoạn cao điểm, ước đạt 2,7 triệu lượt, bằng 60% trước dịch. Trong khi đó, Thái Lan vượt mục tiêu về lượng khách du lịch trong quý I, với gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế.

Việt Nam cũng là quốc gia có tỉ lệ phục hồi du lịch chậm trong khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp thứ 7 với 19%, kém xa Campuchia (35%), Indonesia (34%), Singapore (33%).

Dù đã "đánh" trúng và đúng khi quyết định mở của du lịch sớm vào tháng 3/2022, thời điểm chưa nhiều nước làm điều tương tự.

Nhưng suốt một năm qua, chính sách về nhập cảnh, lưu trú cho khách quốc tế của Việt Nam gần như không đổi.

Chính điều này đã khiến sự phục hồi du lịch của nước ta chậm so với các nước trong khu vực.

Theo các dữ liệu của Eurocham, phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam cho thấy, visa là một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đối với du khách mà các quốc gia có thể sử dụng để thu hút đến nước mình.

Không phải là vấn đề phí, mà du khách sẵn sàng trả 10 USD, 15 USD hay 30 USD cho phí visa, miễn là thủ tục phải dễ dàng, thuận tiện và minh bạch.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, khách quốc tế thường xuyên phàn nàn rằng họ mất quá nhiều thời gian khi làm e-visa. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định du lịch của họ, dù họ rất thích Việt Nam.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi ông đăng ký visa trực tuyến, hệ thống thường xuyên quá tải, phải đợi rất lâu (Ảnh: Quốc hội).

"Việc nâng cấp thị thực sẽ giúp chúng ta tự tin hơn trong quá trình cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Thời gian lưu trú dài phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách quốc tế, nhất là thị trường xa như châu Âu, thường đi 3-4 tuần", ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group nhận định.

Theo ông Hà, không chỉ các đơn vị ở Việt Nam mà cả đối tác nước ngoài cũng đang chờ đợi việc sửa đổi. Độ mở về chính sách visa là tiêu chí để so sánh năng lực phát triển du lịch Việt Nam và lữ hành của điểm đến.

Cởi mở visa sẽ mang về "lợi ích kép" là vừa tăng số lượng khách, vừa tăng mức chi tiêu của khách tại Việt Nam.

"Khách ở càng lâu tiêu càng nhiều tiền, đây là mối quan hệ cấp số nhân, khách du lịch ở lại Việt Nam 7 ngày sẽ tiêu số tiền gấp đôi những người ở ít hơn 7 ngày. Từ góc độ kinh tế, nếu kéo dài được thời gian lưu trú của khách du lịch sẽ mang lại hiệu quả cao", Tiến sĩ Nuri F.Ribeiro phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, ĐH RMIT Việt Nam khẳng định.

Bên cạnh đó, việc nâng giá trị thị thực điện tử từ một lần lên nhiều lần, đảm bảo người nước ngoài có thể xuất nhập cảnh nhiều lần là điều kiện thích hợp để tung ra thị trường những sản phẩm du lịch mới, kết hợp với các quốc gia trong khu vực tạo thành một gói sản phẩm du lịch.

Chính sách visa thân thiện là sự khởi đầu để đón khách, nâng tỉ lệ khách quay lại Việt Nam. Ngành du lịch phải hành động ngay để có thể nắm bắt cơ hội sắp tới

Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã đón hơn 4,6 triệu lượt khách quốc tế, trong đó lượng khách đến bằng đường hàng không đạt 3,25 triệu lượt, khách đến bằng đường bộ chiếm 416.000 lượt, khách đến bằng đường biển đạt 30.000 lượt.

Kết quả này gần đạt hơn 50% mục tiêu cả năm mà ngành du lịch đặt ra (đón 8 triệu lượt khách quốc tế).

Chia sẻ Facebook