Nới room tín dụng, vốn có chảy tới doanh nghiệp, người dân?
Sau nhiều ngày mong chờ, ngày 7-9 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức nới room tín dụng cho một số ngân hàng.
Chỉ một số ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước xem xét nới room tín dụng, nên các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân vẫn chưa hết “khát vốn” - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Tuy nhiên, theo các ngân hàng, việc nới room tín dụng chỉ với một số ngân hàng nên vẫn chưa thể giúp các doanh nghiệp và người dân hết "khát vốn" .
Tính đến ngày 26-8, tín dụng tăng 9,91% so với cuối năm 2021, mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nay ở mức 14%. Nhiều tháng qua, các ngân hàng đều trong tình trạng hết hạn mức tín dụng, chỉ có thể giải ngân cho vay trên cơ sở thu nợ cũ.
Nhiều ngân hàng vẫn phải chờ
Trong thông cáo gửi các cơ quan báo chí hôm 7-9, NHNN cho biết đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với tổ chức tín dụng (TCTD) có đề nghị và gửi thông báo cho các đơn vị này. Việc điều chỉnh hạn mức (room) tín dụng, theo NHNN, dựa vào việc đánh giá tình hình hoạt động của TCTD và còn phải đảm bảo góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ...
Cũng theo NHNN, việc nới room tín dụng nhằm thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh. "Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế", thông cáo khẳng định.
Dù thông báo của NHNN không nêu rõ tên cũng như hạn mức được nới của từng ngân hàng, nhưng theo thông tin mà Tuổi Trẻ nắm được, có hơn 10 ngân hàng được tăng room như Sacombank, HDBank, OCB, VCB, VPB, BIDV, CTG, MBB, TCB, ACB, VIB, TPB… Mức tăng cao nhất khoảng 4%, thấp nhất khoảng 0,7%, trong đó có hai ngân hàng được nới room hơn 3%.
Trong khi đó, một số ngân hàng cho biết đã hết room và làm đơn đề nghị nới room nhiều lần nhưng không có tên trong danh sách được duyệt lần này. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết sẽ tiếp tục xin NHNN nới room chứ nếu không thì từ nay đến cuối năm sẽ rất khó khăn, ngay cả bán chéo dịch vụ cũng không phát triển được.
Chỉ mới giải quyết hồ sơ vay cũ!
Trao đổi với chúng tôi, một số ngân hàng cho rằng việc nới room lần này thực chất là NHNN phân lại hạn mức tăng trưởng tín dụng trong tỉ lệ còn lại của mục tiêu 14% của năm nay. Tuy nhiên, đây cũng là điều mà các ngân hàng đã chờ đợi trong nhiều tháng qua. Và ngay sau khi có thông tin này, nhiều ngân hàng cũng đã kịp thời giải ngân cho những hồ sơ đã được duyệt vay từ trước đây.
Ông Nguyễn V.H., giám đốc tài chính của một công ty chuyên xuất nhập khẩu gốm sứ ở Hải Dương, cho biết sáng 7-9 đã được giải ngân 24,5 tỉ đồng sau hai tháng mòn mỏi chờ đợi.
"Tuy nhiên, số vốn được giải ngân mới chỉ đáp ứng một nửa khoản vay trong hợp đồng. Mặt khác, lãi vay tăng lên 9,2%/năm, cao hơn 0,7% so với hồi đầu năm. Nhưng doanh nghiệp vẫn phải vay để nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất cho năm nay và năm sau" - ông Nguyễn V.H. nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại TP.HCM cho biết đến chiều 7-9 ngân hàng này vẫn chưa có thông báo chính thức cho chi nhánh nhưng đã cho phép giải ngân thêm 1% trên tổng dư nợ chốt đến ngày 31-8. Ngay khi có thông tin này, một số hồ sơ xếp hàng chờ trước đó đã được giải ngân.
Tuy nhiên, do ngân hàng đã cạn room từ hơn ba tháng qua nên danh sách chờ này rất dài, trong khi room được nới thêm rất hạn chế nên khả năng sẽ khó lòng giải quyết hết hồ sơ cũ. Với hồ sơ mới, ngân hàng vẫn làm nhưng giữa việc duyệt cho vay và giải ngân là hai câu chuyện khác nhau.
Nhiều hồ sơ khách hàng thỏa hết điều kiện, được duyệt nhưng không có room để giải ngân nên khách hàng cũng "xếp hàng" mòn mỏi. Nhất là khi đã gần đến cuối năm - thời điểm mà nhu cầu vốn của khách hàng tăng rất cao.
Nhiều cổ phiếu bị bán tháo, VN-Index giảm mạnh
Dù được hỗ trợ bởi thông tin khá tích cực là nhiều ngân hàng thương mại được nới room tín dụng nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng như hầu hết các cổ phiếu khác trên thị trường đều bị đem ra bán tháo trong phiên ngày 7-9.
Áp lực bán tăng cao vào phiên chiều, đặc biệt là phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa, khiến cho nhiều cổ phiếu trụ cột như GAS (PetroVietnam Gas), VHM (Vinhomes), MSN (Masan), HPG (Tập đoàn Hòa Phát)… đều lao dốc.
Những gương mặt nổi bật trong nhóm cổ phiếu ngân hàng như VCB (Vietcombank), BID (BIDV), VPB (VPBank), CTG (VietinBank), TCB (Techcombank)… cũng bị đưa ra bán tháo, giá giảm sâu. Kết thúc phiên, VN-Index giảm 34,24 điểm (-2,68%), xuống 1.243,17 điểm; HNX-Index giảm 9,22 điểm (-3,14%), xuống 284,05 điểm. Chỉ số sàn UpCOM cũng giảm 1,26 điểm (-1,37%), lùi về 90,38 điểm.
Theo một số công ty chứng khoán, việc thị trường giảm mạnh nhất hai tháng qua và thanh khoản tăng đột biến (tổng giá trị toàn thị trường đạt hơn 23.965 tỉ đồng) cho thấy áp lực bán gia tăng hoặc bán cắt lỗ sau chuỗi đi ngang kéo dài ba tuần vừa qua. Nhiều công ty chứng khoán khác cũng khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng, hạn chế mua đuổi.
BÔNG MAI
Liệu có đua lãi suất huy động?
Một diễn biến mới trên thị trường những ngày gần đây là lãi suất "dậy sóng" trở lại. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng, theo công bố của NHNN ngày 6-9, ở mức 5,71%/năm, lãi suất kỳ hạn 3 tháng ở mức 6,13%/năm, kỳ hạn 9 tháng ở mức 6,78%/năm.
Một số ngân hàng nhỏ đã đẩy lãi suất huy động lên rất cao, có ngân hàng đưa lãi suất gửi online kỳ hạn 12 tháng lên mức 7,3%/năm, kỳ hạn 6 tháng lãi suất cũng lên mức 6,9%/năm.
Ngày 1-10 tới đây, tỉ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 37% xuống 34%. Đó cũng là một trong những áp lực buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn nhằm đạt tỉ lệ theo yêu cầu của NHNN, nên lãi suất cho vay cũng sẽ nhích lên.
Theo A.HỒNG - LÊ THANH