Nới room tín dụng, nắn dòng tiền vào sản xuất, kinh doanh
Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định nới chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Việc nới hạn mức được xác định trên nguyên tắc các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Các chuyên gia đánh giá, động thái nới room của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm này là hoàn toàn phù hợp, khi những tháng cuối năm là cao điểm về nhu cầu tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, bối cảnh vĩ mô đang có nhiều thuận lợi.
"Giá cả hàng hoá như xăng dầu, sắt thép, thịt lợn… đã hạ nhiệt so với cách đây 3 - 4 tháng. Áp lực lạm phát đã bớt rủi ro hơn so với trước kia. Cũng tương tự, tỉ giá một tháng nay đã có dấu hiệu hạ nhiệt, khi chỉ số USD Index đã giảm từ đỉnh 114.8 xuống 104, trước kỳ vọng Fed sẽ chậm lại tốc độ tăng lãi suất. Song song với đó Ngân hàng Nhà nước cũng đã hạ giá bán USD cho các ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây. Cùng với đó là nhu cầu về tín dụng tăng cao trong những tháng cuối năm. Do vậy, đó Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng là hoàn toàn phù hợp", ông Trần Đức Anh - Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược đầu tư, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam đánh giá.
Theo các chuyên gia, câu chuyện tăng trưởng tín dụng năm sau sẽ tiếp tục phụ thuộc vào hai yếu tố là lạm phát và tỉ giá. Mức tăng trưởng 14% tương tự như giai đoạn trước COVID-19 là phù hợp.
Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định: "Năm tới lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát 4 - 4,5%. Áp lực về thanh khoản với hệ thống tổ chức tín dụng sẽ được cải thiện, người dân sẽ quay trở lại gửi tiền vào ngân hàng. Thứ 3 là áp lực với lãi suất, tỉ giá sẽ giảm nhiều, trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương, trong đó có Fed giảm dần tốc độ tăng lãi suất. Họ có thể dừng tăng lãi suất đầu quý II của năm tới, thậm chí cuối năm 2023 có thể cân nhắc để giảm nhẹ lãi suất".
Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10 đạt 11,5% so với cuối năm 2021. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…