Nới room tín dụng có giải được 'cơn khát vốn'?

Chia sẻ Facebook
09/12/2022 23:06:21

Việc tăng hạn mức tín dụng phần nào hỗ trợ được thanh khoản, đáp ứng nguồn vốn lưu động cuối năm cho các doanh nghiệp, song vẫn không thể “thỏa cơn khát vốn”.

Nới room tín dụng có giải được 'cơn khát vốn'?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 12,2%. Như vậy hạn mức tín dụng ( room) theo phân bổ chỉ tiêu cả năm là 14%, vẫn còn dư 1,8%, cộng gần 2% tăng thêm thì có khoảng 3,8% hạn mức dành cho thời gian tới, tương đương với 400 nghìn tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế.

NHNN tiếp tục hướng dòng tiền vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là phục vụ cho lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế lúc này. Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện, khơi thông nguồn vốn cho người dân mua nhà ở xã hội.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, đây là biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, nền kinh tế, trong bối cảnh nhu cầu vốn cuối năm rất lớn và Tết năm nay sớm hơn mọi năm. Như vậy, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ vào khoảng 15,5 - 16% so với cuối năm 2021, sẽ đáp ứng nguồn vốn lưu động cuối năm cho các doanh nghiệp.

Nhu cầu vay vốn vào cuối năm rất cao. Ảnh Hoàng Hà.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhận định, nới room tín dụng hiện tại tuy không đủ “thỏa cơn khát vốn”, nhưng phần nào hỗ trợ được thanh khoản cho các doanh nghiệp, vì nhu cầu vay vốn vào cuối năm rất cao.

Còn chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim cho rằng, nới room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa để cho vay. Đồng thời sẽ làm giảm bớt nợ xấu phát sinh, lãi cũ thu được và dư nợ cho vay tăng, từ đó giúp các ngân hàng tăng thu nhập cuối năm 2022. Còn các doanh nghiệp tiếp cận được dòng vốn từ phía ngân hàng.

"Tuy nhiên, dù có thêm room mới nhưng việc cho vay vốn bao giờ cũng phải bảo đảm các chỉ số an toàn trong hoạt động ngân hàng. Những khách hàng chưa thanh toán nợ cũ chắc khó được vay mới. Hơn nữa với nhiều ngân hàng hiện thanh khoản đang eo hẹp, gặp khó về huy động thì có được tăng room cũng chưa chắc đã có đủ vốn cho doanh nghiệp vay và lãi suất cũng khó giảm", chuyên gia này lưu ý.

Doanh nghiệp ưu tiên vẫn phải chờ

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì thiếu vốn. Ảnh Hoàng Hà.


Một doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô thương mại tại TP. HCM cho biết, NHNN đã nới thêm hạn mức tín dụng từ 1,5%-2% từ ngày 5/12, giúp cho doanh nghiệp cảm thấy dễ thở hơn. "Công ty tôi là khách hàng vay vốn thường xuyên tại các ngân hàng với khoảng 100 tỷ đồng/năm. Chủ yếu là vốn ngắn hạn từ 3-6 tháng và cứ gối đầu, trả xong nợ cũ thì vay mới. Nhưng từ giữa quý III vừa qua đã không thể vay vốn, vì mấy ngân hàng đối tác đều kêu cạn room tín dụng. Hồ sơ thủ tục vay đã hoàn tất nhưng không thể giải ngân. Với việc nới room tín dụng lần này, một ngân hàng đã thông báo chúng tôi được giải ngân số tiền 10 tỷ đồng, nhưng lại chia ra thành nhiều đợt, chứ không phải một đợt như mọi khi. DN đang cần vốn, nhưng giải ngân theo “lộ trình” như vậy, chỉ giải được “cơn khát vốn” phần nào", ông nói.

Ông Vũ Đình Hồng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cơ khí chính xác Thăng Long kể, do không vay được vốn ngân hàng, nên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã ngừng trệ từ nhiều tháng qua. Dù chưa từng bị nợ xấu và có hợp đồng vay đều đặn nhưng ngân hàng vẫn từ chối cho vay bởi cạn room tín dụng.

"Sau khi NHNN công bố nới room tín dụng, chúng tôi có hỏi các ngân hàng nhưng họ nói vẫn phải chờ thêm một thời gian nữa", ông Hồng thông tin.

Còn ông Nguyễn Quang Tạo, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Ngãi Cầu (Bắc Ninh) cho biết, từ giữa năm 2022 đến nay doanh nghiệp gặp khó khăn, các thiết bị cơ khí và điện sản xuất ra không bán được hoặc phải bán chịu, bởi khách hàng không vay được vốn ngân hàng để thanh toán. "Khi nghe thông tin NHNN nới room tín dụng tôi vui lắm và đã gọi hỏi các khách hàng xem họ có được vay vốn không, nhưng họ đều trả lời ngân hàng vẫn chưa cho vay, vẫn khó khăn lắm", ông Tạo nói.

Trần Thủy

Chia sẻ Facebook