Nỗi niềm của khán giả bất đắc dĩ nghe karaoke xóm
Trước 'vấn nạn' ô nhiễm tiếng ồn do các tụ điểm karaoke xuyên đêm suốt sáng, nhiều hàng xóm ở khu vực xung quanh đã bày tỏ nỗi niềm của mình.
Với nhiều người, hát karaoke như một niềm đam mê bất tận, nhất là ngày nay khi mọi thứ đã đơn giản hơn rất nhiều, chỉ cần 1 chiếc smartphone cùng 1 chiếc loa “kẹo kéo” là đã đủ để hát thâu đêm suốt sáng. Tuy nhiên, người hát thì đắm chìm trong thế giới riêng của mình, còn những khán giả bất đắc dĩ ở xung quanh thì đau đầu, mệt mỏi vì bị tiếng ồn làm phiền và ảnh hưởng đến sinh hoạt.
Việc xử lý tiếng ồn từ karaoke trong xóm có thể nói là khá khó bởi không có máy đo tiếng ồn, hơn nữa đây là hoạt động ngẫu hứng của một cá nhân hoặc hội nhóm nên không dễ kiểm soát. Trước việc chịu cảnh mệt mỏi bởi giọng ca từ karaoke xóm, nhiều người đã bày tỏ nỗi niềm của mình.
Theo đó, anh T. (ở quận 7, TP.HCM) cho biết trên báo Thanh Niên, có một quán ăn trong xóm thường xuyên mở nhạc sống, DJ sau 22 giờ khiến những người xung quanh bị ảnh hưởng tiếng ồn. Mặt dù đã nhận được góp ý từ người dân, song chủ quán không có ý định tiếp thu mà còn thẳng thừng "dằn mặt" người góp ý.
Anh T. bức xúc: “ Đã rất nhiều lần người dân chúng tôi gọi điện thoại kêu cứu đến bảo vệ khu phố, công an phường, ủy ban phường, ban quản lý khu phố trong tuyệt vọng… Chúng tôi chỉ mong được trả lại bình yên cho bà con trong khu phố ”. Sau đó, vì không chịu nổi nên anh T. đã chuyển nhà, những người dân còn lại không thể làm gì đành phải tiếp tục "sống chung với lũ".
Cũng rơi vào trường hợp tương tự, anh H.B. và hàng xóm phải chịu đựng những tiếng ồn vào ban đêm mà không dám làm gì vì họ toàn là dân anh chị. " Không có khái niệm 'nhiều nhà mất luôn tình làng nghĩa xóm' vì nhà đó là dân anh chị. Mở to vẫn cứ mở. Cuối cùng xung quanh đành chịu đựng ”, anh nói.
Sau nhiều lần bế tắc, một người khác tên H. thắc mắc khi rơi vào những tình huống như vậy thì phải đối phó bằng cách nào, báo cáo với ai mới đúng. “ Xử phạt là người của UBND phường hay công an phường? UBND và công an phường có họp tổ dân phố thông báo cho người dân đâu? ”, báo Thanh Niên dẫn lời H.
Nhiều người đã tích cực suy nghĩ để tìm ra "lối thoát" cho những người chịu ảnh hưởng bởi karaoke xóm. Tổng hợp các ý kiến từ bạn đọc, đề xuất quay loa vào trong nhà để "hát cho nhau nghe" được nhiều người hưởng ứng nhất.
Bạn M.Đ. chia sẻ: " Tôi đề nghị làm luật bắt buộc tất cả loa hướng vào nhà (không hướng ra ngoài đường hoặc qua nhà hàng xóm) hoặc vào nhóm người đang ca hát và đặt hoàn toàn trong kiến trúc ngôi nhà, dưới mái nhà ở, không phải ngoài vườn, vỉa hè ”. Bên cạnh đó, bạn N.V.H. cũng có ý kiến tương tự là nhà nào hát karaoke sẽ tự quay loa vào trong nhà, khi đó người trong gia đình sẽ tự biết cách xử lý tiếng ồn mà không cần chính quyền can thiệp.
Còn với cách xử phạt khi đo tiếng ồn bằng máy, nhiều người cho rằng phương pháp này rất khó để đưa vào thực tế bởi không có sẵn thiết bị đo đạc. Độc giả Lĩnh Hồng chán nản: " Hy vọng mỗi ấp mua được cái máy để đo, phạt, nghe riết thêm căng thẳng, chán, 80% dân thôn xóm có dàn loa, tôi trong 20% còn lại. Âm thanh bủa vây tá lả nghe riết hết chịu nổi ”.
Mặt khác, phản ánh hoạt động vui chơi của các hộ dân cũng dễ làm mất tình làng nghĩa xóm. Tố cáo không được, chịu đựng cũng không xong nên những khán giả bất đắc dĩ cũng chỉ mong chờ vào ý thức của "người cầm mic". " Chỉ thấy bàn lùi, rồi tình làng nghĩa xóm... Tôi xin lỗi chứ nếu các cá nhân hát karaoke bằng loa kẹo kéo nghĩ đến tình làng nghĩa xóm thì khi hàng xóm nhắc nhở đã khắc phục rồi và người dân đã không phải báo đến UBND phường ”, bạn A.L.T.H.N. cho hay.
Vào ngày 25/8/2022, Nghị đinh 45/2022/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành, trong đó có đề cập đến cá nhân gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật có thể bị phạt lên tới 160 triệu đồng. Theo đó, tiếng ồn bằng hoặc lớn hơn 40 dBA (so với quy chuẩn) sẽ bị phạt 160 triệu đồng, không giống quy định cũ là phải trên 40 dBA mới bị phạt đến mức này. Song, dù mức phạt cao nhưng rất khó bắt lỗi vì không có máy đo, do đó những màn karaoke trong xóm vẫn sẽ là nỗi ám ảnh của nhiều người.
Hát hò là cách để cuộc vui trở nên "thăng hoa" hơn, nhưng không nên để đam mê của mình trở thành nỗi ám ảnh của người khác. Bạn nghĩ sao về vấn đề karaoke xóm này? Chia sẻ suy nghĩ dưới phần bình luận nhé!
Đón đọc các tin tức hấp dẫn tại YAN nhé!
Hát karaoke hay mở nhạc không phải là hành động xấu khi biết chừng mực, âm lượng đúng mức và dừng lại đúng lúc, đặc biệt là trước 22 giờ đêm. Khi hát, có thể bạn đắm chìm trong niềm vui riêng của mình nhưng những người xung quanh mới là khán giả bất đắc dĩ bị ảnh hưởng và khó chịu vì âm thanh do bạn tạo ra. Chúng ta sống không phải cho riêng mình mà cũng cần quan tâm đến cảm nhận của hàng xóm, dân làng, do đó, đừng vì 1 phút vui vẻ của bản thân mà đánh mất sự tín trọng của người khác dành cho mình nhé.
Xem thêm những bài viết tương tự TẠI ĐÂY