Nổi mẩn ngứa khi trời nóng, phải làm sao?
Mẩn ngứa khiến người bệnh ngứa ngáy, khó chịu. Việc điều trị kịp thời sẽ giúp kiểm soát cơn mẩn ngứa, tránh bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, đồng thời giảm nguy cơ tổn thương da…
1. Vì sao mẩn ngứa khi nóng?
Mẩn ngứa là một bệnh ngoài da dễ gặp vào mùa hè. Mẩn ngứa có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như sốc nhiệt, bệnh lý mề đay cholinergic, dị ứng thời tiết... Đặc biệt tình trạng này xuất hiện nhanh chóng ở những người có cơ địa dị ứng.
Bên cạnh đó, vào mùa hè tiết trời nắng nóng khiến cho các tế bào hô hấp nhiều hơn mức bình thường. Khi đó, da sẽ tăng cường điều tiết và sản xuất ra nhiều mồ hôi hơn.
Khi tiếp xúc cộng hưởng với khói bụi và nắng nóng sẽ gây dị ứng, ngứa ngáy. Lúc này, nổi mẩn ngứa khi trời nóng là điều bình thường.
Khi bị mẩn ngứa da có thể bị phát ban , sưng rộp, tấy đỏ, chàm bội nhiễm, mày đay cấp tính…
2. Cách xử trí
2.1. Xử trí không dùng thuốc
Để xử trí mẩn ngứa có thể thực hiện:
Chườm mát bằng khăn lạnh:
- Khi bị nổi mẩn ngứa do thời tiết quá oi nóng, có thể khắc phục bằng cách chườm bằng khăn lạnh. Nhiệt độ thấp sẽ làm hạn chế sự hình thành thêm các nốt mẩn ngứa, đồng thời giúp làn da dễ chịu hơn. Thực hiện như sau:
Bước 1: Ngâm khăn mềm trong nước lạnh. Bước 2: Vắt ráo nước (tránh chườm khi khăn còn ướt sũng). Bước 3: Áp khăn lên vị trí da tổn thương khoảng 15 – 20 phút.
Hãy thực hiện việc 3 lần/ngày cho đến khi các nốt mẩn đỏ biến mất.
Tắm rửa sạch sẽ:
Với trường hợp nổi mẩn do thời tiết oi nóng thì nên chú ý đến việc tắm rửa sạch sẽ. Việc vệ sinh thân thể sẽ góp phần giúp da thông thoáng hơn và loại bỏ một số tác nhân gây gây bít tắc lỗ chân lông.
Ngoài ra, không dùng lực quá mạnh để kỳ rửa bởi rất dễ làm da tổn thương, nhất là chú ý không nên tắm bằng nước nóng hay sử dụng xà bông tắm có tính tẩy rửa mạnh.
Tắm lá trà xanh:
Cách thực hiện như sau: Lấy một nắm lá trà xanh tươi, sau đó rửa sạch và đun sôi, pha nước ấm tắm mỗi ngày. Để tăng thêm hiệu quả giảm ngứa, sát trùng, có thể cho thêm một chút muối vào nước tắm.
Tránh mặc quần áo bó sát:
Chất liệu nóng có thể làm vấn đề ngứa trở nên nghiêm trọng thêm. Hãy chọn các loại quần áo chất liệu thoáng mát, mềm nhẹ, thấm hút mồ hôi tốt trong những ngày nắng nóng.
Ngoài ra, cần tránh côn trùng đốt, loại bỏ thức ăn gây quá mẫn. Đối với sẩn ngứa do ánh nắng mùa hè thì cần sử dụng kem chống nắng chống cả tia UVA và UVB...
2.2. Điều trị với thuốc
Đối với mẩn ngứa có thể sử dụng thuốc corticosteroid bôi. Tùy vào vị trí và mức độ tổn thương mà các bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể. Ngoài ra có thể được chỉ định kháng histamin uống.
Thuốc bôi chứa corticosteroid
Những loại thuốc bôi ngoài da chứa corticosteroid cũng có khả năng giảm ngứa. Một số loại thông dụng hiện nay như hydrocortisone, prednisolone, methylprednisolone, prednisone, fluocinolone, betamethasone, dexamethasone...
Corticoid bôi ngoài da giúp giảm nhanh các triệu chứng mẩn ngứa nên rất dễ bị lạm dụng. Sử dụng corticoid trong thời gian ngắn (khoảng 1 – 2 tuần) thường không gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Một số tác dụng phụ nhẹ có thể gặp khi sử dụng đợt ngắn gồm: Kích ứng dạ dày, tăng cảm giác ngon miệng, khó ngủ, teo da....
Tác dụng phụ dễ xảy ra hơn nếu dùng thuốc trong thời gian dài hoặc dùng đợt ngắn nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần. Liều càng cao, nguy cơ gặp tác dụng phụ càng lớn. Nguy hiểm có thể kể đến như loãng xương, tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng huyết áp , tăng đường huyết, Hội chứng Cushing …
Lưu ý, chỉ sử dụng thuốc khi đã được sự tư vấn của bác sĩ. Tránh dừng thuốc đột ngột sau một thời gian dài dùng thuốc, bởi có thể gây suy thượng thận - một trong những cấp cứu nội khoa nguy hiểm.
Thuốc kháng histamine
Nhóm kháng histamin chia hai thế hệ:
- Thế hệ thứ nhất (diphenhydramine, chlorpheniramine, hydroxyzine).
- Thế hệ thứ hai (cetirizine, loratadine…).
Các thuốc thế hệ thứ hai được ưu tiên dùng vì có ít tác dụng phụ và dùng liều thấp hơn so với các thuốc thế hệ đầu tiên.
+ Loratidin: Thận trọng khi dùng loratadin với người bị suy gan nặng. Dùng loratadin có nguy cơ khô miệng, đặc biệt ở người cao tuổi, và tăng nguy cơ sâu răng. Do đó, cần phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ khi dùng loratadin.
Nên ngừng sử dụng loratadin ít nhất 48 giờ trước khi kiểm tra da vì thuốc kháng histamin có thể ngăn chặn hoặc làm giảm các phản ứng tích cực đối với chỉ số phản ứng da.
Dùng loratadin có thể xảy ra phản ứng nhạy cảm như phát ban hoặc các dấu hiệu khác như nổi mày đay, ngứa, ban xuất huyết, phản ứng nhạy cảm với ánh sáng, hồng ban đa dạng và phản vệ hiếm gặp.
+ Cetirizin : Thận trọng khi dùng cetirizin với người bị suy gan nặng. Tránh dùng đồng thời cetirizin với rượu và các thuốc ức chế thần kinh trung ương, vì làm tăng thêm tác dụng của các thuốc này.
Ngứa /mày đay có thể xảy ra khi ngừng dùng cetirizin, ngay cả khi các triệu chứng đó không xuất hiện trước khi bắt đầu điều trị. Trong một số trường hợp, các triệu chứng có thể dữ dội và có thể phải điều trị lại. Các triệu chứng sẽ hết khi bắt đầu lại quá trình điều trị.
3. Lưu ý khi dùng thuốc
- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
- Tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý tăng hay giảm liều dùng.
- Khi dùng thuốc nếu bệnh nhân có bất kỳ biểu hiện khác thường như như sưng mặt, môi, lưỡi hoặc thấy khó thở, khó nuốt, nhịp tim nhanh bất thường, chóng mặt dữ dội, cần ngưng dùng thuốc; đồng thời liên hệ ngay với bác sĩ để kịp thời xử trí.
Theo Bs. Đặng Xuân Thắng